Suối Thông B2 - thôn kiểu mẫu của huyện nông thôn mới

08:05, 01/05/2019

Có cảm giác yên bình khi đi trên những con đường thảm bê tông rộng rãi, phẳng phiu, sạch sẽ, nhà cửa hai bên đường ngăn nắp ở thôn Suối Thông B2 - thôn kiểu mẫu của huyện Ðơn Dương năm 2018. 

Có cảm giác yên bình khi đi trên những con đường thảm bê tông rộng rãi, phẳng phiu, sạch sẽ, nhà cửa hai bên đường ngăn nắp ở thôn Suối Thông B2 - thôn kiểu mẫu của huyện Ðơn Dương năm 2018. 
 
Con đường nội đồng được người dân Suối Thông B2 tự nguyện đóng góp 260 triệu đồng để bê tông hóa trong đầu năm 2019. Ảnh: V.Trọng
Con đường nội đồng được người dân Suối Thông B2 tự nguyện đóng góp 260 triệu đồng để bê tông hóa trong đầu năm 2019. Ảnh: V.Trọng
 
Theo chân ông Lê Đức Việt - Thôn trưởng thôn Suối Thông B2 - xã Đạ Ròn, Đơn Dương, chúng tôi đi thăm con đường vừa mới làm trong thôn vào đầu năm nay. Đó là con đường nội đồng nằm khá xa khu dân cư, chạy qua khu sản xuất rau xà lách, rau thơm, cà rốt, cà tím... xanh mướt trên những triền đồi đất đỏ màu mỡ dọc theo con sông Đa Nhim. Và đã qua rồi cái cảnh kéo dây tưới nước thủ công, giờ cánh đồng nơi đây hầu như mọi thứ đều đã được tự động hóa. 
 
“Trong thôn không còn con đường nào chưa đổ bê tông, xe cộ đến tận nơi thu gom hàng rất tiện” - ông Việt tươi cười.
 
Suối Thông B2 hiện có 245 hộ dân, 1.055 nhân khẩu, là thôn thuộc vào hàng giàu có của xã Đạ Ròn. 
 
Không giàu có sao được khi 80% người dân trong thôn hiện đang canh tác rau thương phẩm. Tổng diện tích rau thương phẩm này khoảng 100 ha trong tổng diện tích đất nông nghiệp khoảng 180 ha của thôn, mỗi năm nếu tính chỉ làm 3 vụ thôi thì 100 ha này đã nhân lên thành 300 ha.
 
Với 80 ha đất còn lại này, theo ông Việt cũng được người dân sử dụng rất hiệu quả, trồng cỏ nuôi bò, trồng chuối Laba, trồng bơ cao sản. Rau được thương lái mua tận vườn nhưng trong thôn cũng có một hợp tác xã thu mua rau hoạt động rất hiệu quả, hợp đồng bao tiêu với người dân để cung cấp cho các chợ đầu mối rau tại TP Hồ Chí Minh. 
 
Cùng đó, vì là một thôn của Đạ Ròn, xã nổi tiếng về nuôi bò sữa của Đơn Dương nên Suối Thông B2 cũng có đến 42 hộ nuôi bò sữa với trên 600 con bò đang cho sữa, trong đó có nhiều hộ nuôi trên 30 con bò. Nhiều gia đình nuôi bò sữa trong thôn có thu nhập mỗi tháng từ bò sữa trên dưới 60 triệu đồng. 
 
“Hầu hết các gia đình trong thôn đều làm ăn khá giả, hộ nghèo giờ chỉ còn 7 gia đình vì bệnh tật, neo đơn” - ông Việt cho biết.
 
Theo ông Việt, dù làm nông nghiệp hay chăn nuôi bò sữa thì người dân nơi đây đều cần giao thông thuận lợi nên dân trong thôn rất sốt sắng với chuyện làm đường giao thông nông thôn. 
 
Tính từ khi phong trào vận động làm đường giao thông nông thôn đến nay, theo ông Việt, người dân trong thôn đã đóng góp trên 1,5 tỷ đồng để làm tất cả các con đường trong các khu dân cư, với tổng cộng gần 8 km đường bằng bê tông. 
 
Chỉ tính trong năm 2018 vừa qua, dân Suối Thông B2 đã đóng góp 473 triệu đồng cùng nguồn hỗ trợ của Nhà nước để thi công bê tông gần 1,8 km đường còn lại trong thôn. 
 
Riêng trong 3 tháng đầu năm 2019 này, người dân trong thôn đã đóng góp 260 triệu đồng để làm 375 m con đường nội đồng nơi ông Việt đưa chúng tôi ra thăm. Điều đáng nói, toàn bộ tiền làm đường này là do dân tự đóng góp, tự làm. Rất nhiều con đường nội đồng khác cũng đã và đang được rải đá, người trong thôn đang vận động tự đóng góp làm thêm 500 m đường nội đồng bằng bê tông trong năm nay. 
 
Cùng với làm đường, người dân trong thôn, theo ông Việt còn đóng góp trên 100 triệu đồng để bắc trên 140 bóng đèn và trụ đèn thắp sáng trong đêm nhiều năm nay và đóng góp chi phí bảo trì và trả tiền điện, trung bình mỗi hộ khoảng 200 nghìn đồng/năm. 
 
Cùng nói thêm một chút là trong làm đường, người dân trong thôn rất vui lòng tự nguyện hiến đất sân vườn ở những chỗ đường cần mở rộng, những đoạn cua, góc... nên các con đường trong thôn đến nay đều rộng rãi, lòng đường rộng 3 m, hai bên đường có chỗ trồng hoa, có mương thoát nước. 
 
Để có những con đường nông thôn rộng rãi như thế này, như ông Việt cho biết, thôn luôn làm tốt công tác vận động, thành lập ban xây dựng, ban giám sát, phát huy vai trò của người dân trong thôn trong tham gia thảo luận, bàn bạc, đóng góp trên tinh thần tự nguyện, công khai, minh bạch, rõ ràng, mọi việc được công bố cho dân biết. Và không chỉ người dân, thôn còn vận động được sự hỗ trợ tích cực từ Nhà thờ Suối Thông, các dòng sơ và các công ty đóng chân trên địa bàn. 
 
Tất nhiên, để có con đường đẹp còn phải làm nhiều việc khác nữa. Đó là việc trồng cây xanh, trồng hoa ven hàng rào, ven đường; không có rác thải vất trên đường, bảo vệ môi trường sản xuất nông thôn an toàn...
 
Thôn đến nay hầu hết các gia đình đã đăng ký thu gom rác thải sinh hoạt với xã và huyện, hằng tuần xe gom rác của huyện đến thu gom 3 lần với chi phí 22 nghìn đồng/tháng/gia đình. Trong thôn đến nay cũng đã đặt 24 thùng thu gom chai lọ, bao bì hóa chất bảo vệ thực vật trên đồng ruộng, vận động cộng đồng dân cư thu gom bỏ vào đây để ngành chức năng mang đi xử lý. 
 
Suối Thông B2 cũng là điểm sáng về xây dựng đời sống văn hóa của xã Đạ Ròn với 227/245 hộ đạt chuẩn gia đình văn hóa, chiếm tỷ lệ 92,6% dân cư; có 191 gia đình đạt chuẩn gia đình học tập, con cái đều đến trường; hầu hết các tranh chấp nhỏ phát sinh trong thôn đều được hòa giải thành công; hầu hết các gia đình đều tham gia mua bảo hiểm y tế...
Với kết quả nêu trên, trong năm 2018, Suối Thông B2 là thôn duy nhất được Đơn Dương chọn là thôn kiểu mẫu của huyện.
 
VIẾT TRỌNG