Tạo việc làm, ổn định thu nhập cho phụ nữ DTTS

08:05, 28/05/2019

Thay vì ngồi phơi nắng buổi sáng, các chị giờ đây đã tranh thủ dậy sớm, đưa con đi học, chuẩn bị cơm canh mang theo, bắt đầu một ngày làm việc trên những vườn rau.

Thay vì ngồi phơi nắng buổi sáng, các chị giờ đây đã tranh thủ dậy sớm, đưa con đi học, chuẩn bị cơm canh mang theo, bắt đầu một ngày làm việc trên những vườn rau.
 
Công việc ổn định mang lại thu nhập từ 6 - 7 triệu đồng/tháng cho phụ nữ DTTS ở Đạ K’Nàng. Ảnh: H.Thắm
Công việc ổn định mang lại thu nhập từ 6 - 7 triệu đồng/tháng cho phụ nữ DTTS ở Đạ K’Nàng. Ảnh: H.Thắm
 
Phụ nữ ở Đạ K’Nàng, nhất là người dân tộc thiểu số (DTTS) đã không còn chỉ ở nhà trông nhà, giữ con mà các chị còn trở thành những lao động thực thụ, cùng chồng kiếm tiền, vun đắp gia đình. “Ở Hợp tác xã (HTX) rau Đạ K’Nàng, hiện sử dụng 100 lao động ổn định là người địa phương, trong đó có 80% là phụ nữ, đặc biệt là lại có khoảng 80% là phụ nữ DTTS”, chị Nguyễn Thu Huệ, Phó Giám đốc HTX rau Đạ K’Nàng giới thiệu.
 
Chưa từng đi làm ở bất cứ đâu nhưng chỉ cần một thời gian ngắn chị Ka Hạnh (thôn Đạ Mun) đã nhanh chóng bắt nhịp với công việc. Trước đây, hai vợ chồng với 2 đứa con nhà chị cũng chỉ biết trông chờ vào thu nhập từ vài sào đất chuyên trồng cà phê. Những ngày nông nhàn thì ai thuê gì làm nấy, chẳng khước từ chỉ mong có thu nhập mang về để đẩy lùi nỗi lo về cái đói, cái nghèo. Chị bảo chẳng dám nghĩ đến việc thoát nghèo bởi cứ luẩn quẩn bao năm nay như thế.
 
Từ ngày đi làm trong HTX, mỗi tháng các chị nhận được khoảng 6 -7 triệu tiền lương.
 
Kể về việc dùng lương mua cái này, sắm cái kia, gương mặt người phụ nữ sạm đi vì nắng gió vẫn rạng ngời. “Vui nhất là những khi được thưởng dịp lễ, tết. Từ bé đến giờ mình có biết tiền thưởng là gì đâu”, chị Ka Hạnh vui cười nói.
 
Hai vợ chồng chị Ka Hồng (thôn Pun) cũng thế. Đi làm, có lương đều đặn mới khiến người phụ nữ này vơi bớt nỗi lo về miếng ăn hằng ngày. Với chị, mỗi khi nghĩ về người cha đang bệnh nặng ở nhà và 3 đứa con thơ đã bớt đi những tiếng thở dài: “Cả hai vợ chồng mình cũng cố gắng tăng ca, làm thêm giờ để có thêm tiền trang trải cuộc sống. Ở đây, nếu ai có việc gì đột xuất cũng có thể ứng trước lương để giải quyết khó khăn trước mắt. Điều đó khiến mọi người cảm thấy vui vẻ và được quan tâm nhiều hơn”.
 
Vì những lý do đó mà chị Phan Thị Cẩm - Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Đam Rông nói rằng, giờ đây các chương trình tư vấn xuất khẩu lao động hay tìm kiếm việc làm đã không còn mặn mà với phụ nữ ở đây. Công việc ổn định, nhiều người còn chẳng muốn đi làm ăn xa nữa, nhiều người đi làm ở Đà Lạt hay các huyện khác cũng quay trở về. Trong khi đó trước đây, việc nâng cao thu nhập cho phụ nữ DTTS rất khó, bởi các mô hình sản xuất của người dân thường manh mún, chất lượng sản phẩm không đảm bảo, chưa áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật. Đồng thời lại chịu ảnh hưởng từ thị trường khi được mùa mất giá. Bây giờ, các chị em được làm gần nhà, điều kiện thuận lợi, thu nhập ổn định. Nhiều gia đình khó khăn còn được HTX hỗ trợ tặng nhà tình nghĩa, hỗ trợ xây nhà trả góp…
 
Theo chị Huệ, cảm thông với những khó khăn, vất vả mà phụ nữ đang gặp phải, nhất là sự luẩn quẩn, bế tắc của những người phụ nữ DTTS nên chị đã cố gắng giúp đỡ, tạo mọi điều kiện để họ có công ăn việc làm, có tiền để vun đắp gia đình. Chị Huệ cũng từng có những giai đoạn khó khăn, loay hoay không biết phải làm sao để ổn định cuộc sống ở nơi mới vì cái khó, cái nghèo vẫn mãi đeo bám. “Hầu hết thời gian đầu lạ lẫm các chị em còn bỡ ngỡ với công việc sản xuất, nhất là sản xuất theo hướng áp dụng công nghệ cao. Nhưng chúng tôi chấp nhận đào tạo, cầm tay chỉ việc ngay từ lúc bắt đầu, cho các chị học việc mà vẫn có lương”, chị Huệ cho hay.
 
HỒNG THẮM