Ðến Lộc Quảng - Bảo Lâm những ngày này, bên cạnh phát triển về kinh tế, có thể thấy bộ mặt nông thôn của xã cũng đang dần thay đổi, đặc biệt là hệ thống điện đường do người dân đóng góp thắp sáng đêm đêm.
Ðến Lộc Quảng - Bảo Lâm những ngày này, bên cạnh phát triển về kinh tế, có thể thấy bộ mặt nông thôn của xã cũng đang dần thay đổi, đặc biệt là hệ thống điện đường do người dân đóng góp thắp sáng đêm đêm.
|
Những con đường ở Lộc Quảng - Bảo Lâm đã được chiếu sáng ban đêm. |
Trên con đường sáng
Theo chân ông Mai Văn Dũng - Thôn trưởng Thôn 1, xã Lộc Quảng, Bảo Lâm, chúng tôi đi thăm công trình điện chiếu sáng của thôn vừa được lắp đặt. Đây là kết quả công trình “Đường điện thắp sáng quê hương” thuộc mô hình “Giáo xứ an toàn - sáng - xanh - sạch - đẹp” mà xã Lộc Quảng đang triển khai.
Thôn 1 là một trong 7 thôn của xã đi đầu vận động Nhân dân tham gia lắp điện chiếu sáng, với 47 bóng điện trên gần 2,5 km đường thôn. “Trước đây, khi chưa có điện đường, buổi tối người dân đi lại khó khăn lắm. Với lại an ninh trật tự cũng không được đảm bảo” - ông Dũng chia sẻ.
Tuy nhiên, như ông Dũng cho biết, nếu nhờ bên điện lực lắp đặt, mỗi bóng điện như thế sẽ tốn gần 1,5 triệu đồng, tiền vận động dân hơi nhiều, nhiều người khó khăn không đóng góp được. Chính vì vậy, chính ông Dũng đã cùng những người làm nghề cơ khí và điện trên địa bàn thôn mày mò, tìm hiểu để làm sao giảm được chi phí mà vẫn đảm bảo kỹ thuật và an toàn khi lắp đặt bóng điện trên các trụ điện chạy dọc theo các con đường trong thôn. Nhờ đó, chi phí giảm xuống còn hơn 900 ngàn đồng cho mỗi bóng điện.
Nhờ chi phí lắp đặt giảm xuống nên bình quân mỗi hộ dân trong thôn chỉ phải đóng 220 nghìn đồng; còn gia đình nghèo thì chỉ đóng 100 ngàn đồng. Cũng nói thêm, bóng điện được lắp đặt ở Thôn 1 nói riêng và các thôn trên địa bàn xã Lộc Quảng nói chung đều có hệ thống ngắt điện tự động đi kèm. Nhằm tiết kiệm điện, đúng 6 giờ tối, bóng sẽ được bật và tắt lúc 6 giờ sáng. Đây cũng là thành quả của quá trình tìm hiểu, mày mò lắp đặt của những người dân trong thôn.
Để vận hành hệ thống điện chiếu sáng công cộng này, hàng tháng mỗi hộ dân trong thôn đóng góp 10 ngàn đồng. “Có người đóng theo tháng, có hộ thì đóng luôn cả năm. Số tiền không lớn nhưng thấy được lợi ích nên ai cũng vui vẻ đóng góp” - ông Dũng cười.
Rất nhiều người dân vui mừng khi thấy đường thôn được chiếu sáng ban đêm. Như bà Phạm Thị Ngọc Hòa, 49 tuổi, Thôn 1 nhận xét: “Trước đây, khi chưa mắc điện, buổi tối vắng lắm, khuya không dám ra đường, đi đâu phải về đêm cũng lo. Nay có điện đường thắp sáng, đi đâu cũng thoải mái hơn nhiều, đến mùa cà phê cũng yên tâm hơn phần nào”.
Những nỗ lực
Chỉ trong vòng 6 tháng triển khai, từ tháng 5/2018 - 1/2019, công trình đường điện “Thắp sáng đường quê” trong mô hình “Giáo xứ an toàn - sáng - xanh - sạch - đẹp” trên địa bàn xã Lộc Quảng đã hoàn tất trong sự vui mừng của cộng đồng dân cư nơi đây.
Từ 185 triệu đồng do người dân 5 thôn gồm: Thôn 1, Thôn 2, Thôn 4, Thôn 5 và Thôn 6 đóng góp, xã Lộc Quảng đã lắp đặt được 333 bóng điện, vượt 14 lần so với yêu cầu đặt ra ban đầu là 25 bóng tại Thôn 1 và Thôn 5.
Trong đó, Đoàn Thanh niên Điện lực Bảo Lâm cũng hỗ trợ 18 bóng điện.
Với những thôn có mật độ dân cư thưa như Thôn 3 và Thôn 7, xã Lộc Quảng đang tiếp tục vận động người dân tham gia đóng góp để làm đường điện chiếu sáng.
Theo ông Mai Thanh Bình, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Lộc Quảng, ban đầu việc vận động người dân nơi đây cũng rất khó khăn, vì trước đây lắp một vài bóng nhưng đã bị hư, nên người dân không đồng tình để làm tiếp. Hơn nữa, kinh tế của một số hộ cũng còn nhiều khó khăn.
Nhưng, theo ông Bình, với đặc thù trên 80% người dân trên địa bàn là người công giáo, nên ngoài sự vận động của chính quyền, còn có sự hỗ trợ đắc lực của Giáo xứ Quảng Lâm trong việc vận động dân làm đường điện chiếu sáng công cộng lần này cũng như trong các hoạt động khác trên địa bàn.
Cùng với đường điện chiếu sáng ban đêm, UBND xã Lộc Quảng gần đây còn nỗ lực vận động dân bảo vệ môi trường nông thôn khi cho làm các điểm tập kết rác thải tại Thôn 5 với tổng kinh phí 50 triệu đồng, trong đó người dân đóng góp 70%; đồng thời xây dựng quy chế quản lí thu gom rác với sự đồng thuận cao của Nhân dân. “Đã có trên 60% hộ dân trong xã đến nay tham gia đóng phí thu gom rác thải, trung bình mỗi hộ đóng 15 ngàn đồng cho việc thu gom rác của huyện, các hộ dân còn lại tự xử lí và chôn lấp trong vườn” - ông Bình cho biết.
Ngoài ra, Giáo xứ Quảng Lâm còn vận động bà con giáo dân tu sửa, xây mới 35 hàng rào với tổng chi phí khoảng 1 tỷ đồng, tôn tạo cảnh quan, trồng thêm cây xanh trước nhà và ở các bãi đất công cộng. Trong xã hiện cũng đang duy trì 7 tổ tự quản về an ninh trật tự với 57 người tham gia, góp phần đảm bảo an bình tại địa phương.
Chính mô hình “Giáo xứ an toàn - sáng - xanh - sạch - đẹp” của xã Lộc Quảng này đã được UBND huyện Bảo Lâm chọn là một trong những gương điển hình tiêu biểu của huyện trong năm 2018 để tỉnh tuyên dương.
VIỆT THUẬN - GIA KHÁNH