Trở lại làng Mường

08:05, 30/05/2019

Trở lại làng Mường sau 20 năm, cảm xúc tươi tắn dâng đầy. Ðổi thay đến khó tưởng, đường thảm nhựa, ngút ngàn xanh cà phê và cây ăn trái, nhà tầng... Ðấy là "làng Mường", nơi ngụ cư của người dân tộc Mường rời lòng hồ thủy điện Hòa Bình đến xã Hòa Nam, Di Linh định cư.  

Trở lại làng Mường sau 20 năm, cảm xúc tươi tắn dâng đầy. Ðổi thay đến khó tưởng, đường thảm nhựa, ngút ngàn xanh cà phê và cây ăn trái, nhà tầng... Ðấy là “làng Mường”, nơi ngụ cư của người dân tộc Mường rời lòng hồ thủy điện Hòa Bình đến xã Hòa Nam, Di Linh định cư.  
 
Hai trong số những ngôi nhà tầng của cha con ông Đinh Công Tích
Hai trong số những ngôi nhà tầng của cha con ông Đinh Công Tích
 
Làng Mường là cách gọi bình dân và thân thiết, còn đơn vị hành chính là Thôn 5 và Thôn 10. Chủ tịch UBND xã Hòa Nam Nguyễn Đức Trọng từ quê hương tỉnh Nam Định cùng nhiều đồng hương vào gắn bó vùng đất Hòa Nam mấy chục năm nay chia sẻ: “So với hai chục năm trước anh vào, giờ đổi thay nhiều rồi. Làng Mường phát triển mạnh lắm…”. Bỏ lửng câu nói, anh gọi với sang phòng bên nói với cấp dưới: “Mời cụ Tích đến đây cho chú nhé”…
 
Chưa hết tuần trà, ông cụ đã đến. Dáng thấp đậm, rất hoạt bát và minh mẫn. Không giới thiệu khó đoán ông đã ở tuổi 79. Đó là cụ Đinh Công Tích, từng là Phó Chủ tịch Hội Nông dân và Hội Cựu chiến binh của xã, nay là Chủ tịch Mặt trận Hòa Nam. Chào Chủ tịch Trọng, tôi đi ngay với vị “thành hoàng” của bản Mường. Quành qua “Nhà văn hóa thôn” 10 được xây cất rộng rãi là đến nhà ông, một con đường riêng trải đá rộng hơn 3 mét chạy dọc đồi cà phê xuống thẳng sân xây phơi rất rộng. Sau mấy câu tiếng Mường của ông Tích sang sảng giới thiệu, từ một căn phòng của ngôi nhà 2 tầng, bà Đinh Thị Bắn bước ra thềm. Ba chúng tôi ngồi vào bộ sa lông gỗ sang trọng cùng uống trà râm ran chuyện xưa nay…
 
Bữa cơm mời khách khác xa hơn 20 năm trước. Không còn trải chiếu giữa nền đất và chỉ vài con cá suối nấu canh, giờ thì đặt lên bàn rộng cùng nhiều món ăn ngon. Những kí ức chưa xa ấy trở về… Khi “công trình thế kỷ 20” thủy điện Hòa Bình trên sông Đà bắt đầu khởi công cũng có nghĩa là hàng vạn cư dân phải di dời, tứ tán. Ông Tích nhớ lại: Bà con cứ lần lần dịch lên theo mức nước dâng, cho đến lúc không thể cầm cự để cải thiện cuộc sống tốt hơn nữa, chính quyền họp dân, thông báo sẽ đưa dân vào miền Nam lập nghiệp. Đó là năm 1991. Là Phó Chủ tịch kiêm Trưởng Công an xã Hào Tráng, ông Đinh Công Tích tiên phong kêu gọi bà con tiếp tục hành phương Nam, nơi ông từng tham gia quân đội. Bầu đoàn thê tử líu ríu nối nhau lên ô tô, tàu hỏa mấy ngày đêm. Ngót nghét 2.000 km mới tới nơi định cư mới, giáp Campuchia, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An. Thế nhưng cảnh sông nước quanh năm không phù hợp với phong tục tập quán của đồng bào Mường. Loay hoay, thiếu thốn. Ông Tích nhiều đêm không thể ngủ. Đau đáu mơ về vùng đất hứa khác. 
 
Và như sự sắp xếp vô hình đâu đó. Duyên tình cờ để ông Tích gặp lại ông Nguyễn Văn Chiến ngay tại Long An. Quê Thái Bình, xuất ngũ nhưng ông Chiến không về quê mà lên Hòa Bình lập nghiệp. Khi ông Tích làm Phó Chủ tịch xã Hào Tráng thì ông Chiến là Chủ nhiệm Hợp tác xã mua bán. Trong cuộc di dân, gia đình ông Chiến rời xóm Kiến Bình chuyển vào huyện Di Linh nơi đã có bà con lập nghiệp từ năm đầu 1980. Sau cái lần đi bán chè ở Long An của ông Chiến, 2 đồng chí cùng chi bộ năm xưa ở Hòa Bình quyết định tìm đất mới Di Linh cho bà con để lập làng Mường hôm nay…
 
Dĩ nhiên không đơn giản để có làng. Mình ông Tích lên trước, vừa làm thuê kiếm tiền đi xe đò lên xuống chục lần, vừa khảo sát nghe ngóng vùng đất đồi hoang Hòa Nam. Rồi ông cắm lá đánh dấu, chính quyền địa phương đồng ý. Xuống Long An, ông lại họp dân và tuyên bố: “Bây giờ, chỗ này không thể sống được, tôi quyết định đưa gia đình lên Lâm Đồng. Ai đi được hay tìm được chỗ khác thì đi”. Nghĩa là rã đám, di dân tự do, không phải di dân có tổ chức như lần thứ nhất. Bản lĩnh cựu chiến binh vào sinh ra tử, uy tín năng động cán bộ xã, ông Tích đã thuyết phục được 84 hộ nhổ cọc thiên di. Cuộc phiêu lưu đầy may rủi chia thành 3 đợt lên Di Linh, còn lại số khác cũng bứt khỏi đất Long An, tứ tán ngược lên Gia Lai, Đắk Lắk, Kon Tum và Bình Phước. 
 
Lên Di Linh, Lâm Đồng, mỗi hộ đóng cho chính quyền 500 ngàn đồng (giá trị mua được 1 tạ gạo). Ông Tích gọi là “lệ phí không phiếu để cho cắm lán cư trú”. Khi 30 hộ ở lại được rồi, ông Tích mới quay xuống Long An đón gia đình mình lên. Có nơi trú mưa nắng, bà con cùng đi đo đất chia cho từng hộ. Xã quy định mỗi hộ đóng 1,2 triệu đồng/ha. Tình thế “muốn chạy cũng biết chạy đi đâu, tiền đâu mà đi”, anh Đinh Công Tiến, Bí thư Chi bộ Thôn 10, em trai ông Tích chen vào cuộc nói chuyện giữa chúng tôi. Để có tiền đóng, tiền sinh hoạt, bà con Mường làm thuê cho người Kinh, ai gọi gì làm nấy. Bất cứ công việc gì, miễn là có tiền, cuốc đất, trồng cà phê, chặt củi khô, đào gốc ngo khô, đào củ giềng đi bán…Mỗi ngày được 5 ngàn làm thuê, khoảng 100 ngàn tiền bán các loại để đủ trang trải bữa ăn. Một số sau này không thể có tiền đóng lấy đất, xã cũng xí xóa, đất vẫn được chia khoảng 1 ha mỗi hộ. Người Mường tiếp tục vừa làm thuê vừa đi xin giống cây cà phê để trồng. Cuộc sống từ đó đi lên, đổi sắc thay da theo năm tháng bền bỉ và cần cù chịu khó của kẻ ngụ cư… 
 
Chủ tịch Nguyễn Đức Trọng cho tôi biết: “Hiện nay xã có thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 57 triệu đồng/người/năm. Riêng bà con người Mường có những gia đình còn cao hơn mức này, nhờ họ chăm chỉ và tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Hiện Hòa Nam có khoảng 2.200 hộ với hơn 9.000 người. Xã có hơn 200 ha/2.600 ha cà phê được chuyển đổi sang giống cao sản; năng suất 3,2-3,5 tấn/ha; trồng xen 650 ha cây bơ và hơn 1.000 ha sầu riêng.
 
Chỉ còn 78 hộ nghèo, chiếm 3,5% và 182 hộ cận nghèo, chiếm 8,17%. Hộ người Mường còn 5 hộ nghèo và 7 hộ cận nghèo. 
 
“Phải được việc vua không thua việc làng”, đó là câu dặn dò con cháu, cũng là niềm vui tự hào của ông Đinh Công Tích khi trò chuyện với tôi trong bữa cơm thân mật. Con út của ông Tích, anh Đinh Công Trường, sinh năm 1981, trước làm Phó Chủ tịch UBND xã, nay là Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Hòa Nam cho biết, trong xã có khoảng 20 thanh niên Mường tốt nghiệp đại học, cao đẳng. Ông Tích cũng không giấu niềm cảm xúc còn lâng lâng với tôi, mấy ngày trước có đoàn văn nghệ sĩ tỉnh Hòa Bình ở Đà Lạt xuống thăm bà con. Hai thôn làm thịt lợn, gà, múa hát cồng chiêng đón khách quý. Dư âm niềm hạnh phúc vẫn dâng đầy nơi làng Mường…
 
Bút ký: MINH ÐẠO