Đà Lạt: Chủ động phòng chống thiên tai mùa mưa bão

07:05, 15/05/2019

Ðà Lạt đang bắt đầu vào những tháng mưa kéo dài, để đối phó với các diễn biến phức tạp của thời tiết có thể xảy ra, thành phố Ðà Lạt đã triển khai kế hoạch và chuẩn bị nhiều phương án để chủ động phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, hạn chế thấp nhất tác hại nếu có thiên tai xảy ra, đặc biệt là ở vùng thấp, vùng trũng và vùng sản xuất nông nghiệp.

Ðà Lạt đang bắt đầu vào những tháng mưa kéo dài, để đối phó với các diễn biến phức tạp của thời tiết có thể xảy ra, thành phố Ðà Lạt đã triển khai kế hoạch và chuẩn bị nhiều phương án để chủ động phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, hạn chế thấp nhất tác hại nếu có thiên tai xảy ra, đặc biệt là ở vùng thấp, vùng trũng và vùng sản xuất nông nghiệp.
 
Cả xô đá lớn gom được sau trận mưa đá vào cuối tháng 4 vừa qua tại Đà Lạt. Ảnh: N.T
Cả xô đá lớn gom được sau trận mưa đá vào cuối tháng 4 vừa qua
tại Đà Lạt. Ảnh: N.T
 
Lãnh đạo Phòng Kinh tế thành phố Đà Lạt cho biết, thời gian qua, thời tiết trên địa bàn nhìn chung diễn biến khá phức tạp, không phù hợp với quy luật nhiều năm. Mùa mưa bắt đầu sớm và thường xảy ra hiện tượng mưa đá, giông lốc... do đó, ngay từ đầu năm, thành phố cũng đã kiện toàn Ban Chỉ huy phòng chống bão lụt. 
 
Là thành phố có địa hình đồi dốc, nhiều sông - suối - hồ - đập, Phòng Kinh tế cũng đã phối hợp với các đơn vị liên quan để lên kế hoạch triển khai công tác phòng chống thiên tai mùa mưa bão. Yêu cầu các phường, xã phối hợp các đơn vị kiểm kê, rà soát tình trạng cây cối có nguy cơ ngã đổ, khu vực nhà cửa, suối hồ có nguy cơ sạt lở để lên kế hoạch chủ động đề ra các phương án phối hợp phòng ngừa. Song song đó, yêu cầu các phường, xã ra quân khơi thông cống rãnh, nạo vét sông, hồ, suối bị bồi lấp, bị rác che lấp... để lưu thông dòng chảy, phòng chống ngập úng cục bộ.
 
Trung bình mỗi năm, ở nước ta có khoảng 12 đến 13 cơn bão, hầu hết các cơn bão này đều ảnh hưởng đến diễn biến thời tiết của Đà Lạt, đặc biệt, khu vực Đà Lạt còn là nơi tiềm ẩn nhiều lốc xoáy và mưa lớn. Từ đầu năm đến nay, theo ghi nhận, trên địa bàn thành phố đã xảy ra vài trận mưa lớn, trong đó có 2 trận mưa lớn kèm mưa đá ở một số khu vực, đã gây ngập cục bộ ở một số nhà dân và diện tích vườn rau, vườn hoa ở khu vực gần hồ Than Thở, suối Cam Ly... Tuy thiệt hại về tài sản không lớn nhưng cũng đã gây ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của Nhân dân và đây cũng là dấu hiệu cho thấy không thể chủ quan trong công tác phòng chống thiên tai trên địa bàn thành phố. Trong cuộc họp mới đây về công tác triển khai phòng chống thiên tai năm 2019, lãnh đạo UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cần chủ động hơn nữa trong việc thông tin diễn biến tình hình thời tiết, tình hình mưa lũ trên các phương tiện thông tin đại chúng, thậm chí là phát trên hệ thống loa phường để người dân kịp thời, chủ động ứng phó. Đặc biệt, lãnh đạo tỉnh yêu cầu phải thực hiện hiệu quả phương châm “4 tại chỗ” - chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ để chủ động thực hiện công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn nếu xảy ra thiên tai và “3 sẵn sàng”.
 
Bên cạnh những công tác trên, vào mùa mưa bão, việc đảm bảo an toàn hồ chứa nước là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Trung tâm Quản lý đầu tư và Khai thác công trình thủy lợi cho biết, đến thời điểm này, đơn vị đã tổ chức kiểm tra, lập kế hoạch bảo đảm an toàn cho các hồ chứa. Ngay từ trước mùa mưa, Trung tâm đã phối phợp với Phòng Kinh tế thành phố Đà Lạt tổ chức kiểm tra, đánh giá hiện trạng các công trình thủy lợi; triển khai phát quang, sửa chữa, khơi thông dòng chảy kênh dẫn hạ lưu tràn xả lũ, đảm bảo tiết diện thoát lũ. Song song đó, Trung tâm cũng tăng cường công tác tuyên truyền, cảnh báo, hướng dẫn các biện pháp phòng, tránh, ứng phó với thiên tai trong trường hợp có diễn biến khẩn cấp và tiến hành triển khai ký hợp đồng điều tiết nước tại một số công trình trọng yếu trên địa bàn thành phố. Đơn vị cũng đã lên kế hoạch chi tiết, cụ thể lịch điều tiết mực nước các công trình thủy lợi, hồ, đập ở những khu vực cần thiết, dễ xảy ra ngập úng trên địa bàn thành phố, để có dung tích phòng lũ cho hồ chứa và khống chế lưu lượng lũ như ở hồ Xuân Sơn, hồ Thái Phiên, hồ Đất Làng, hồ Tập đoàn 5 Cam Ly...
 
Lãnh đạo Trung tâm cũng cho biết, trong mùa mưa bão sắp tới, Trung tâm đã quán triệt triển khai đến toàn thể cán bộ, nhân viên quản lý công trình phải thường xuyên kiểm tra công trình, đồng thời phải túc trực tại các công trình khi xuất hiện những cơn mưa lớn, bão hoặc áp thấp nhiệt đới. 
 
“Mọi công tác đều phải chủ động. Phòng cũng phối hợp và thường xuyên trao đổi thông tin về diễn biến thời tiết với trung tâm khí tượng thủy văn để kịp thời dự báo, chủ động, kịp thời nắm bắt thông tin và thông báo đến cho lãnh đạo các phường, xã và thông báo đến người dân” - Lãnh đạo Phòng Kinh tế thành phố Đà Lạt cho biết. 
 
Và với rất nhiều những kế hoạch, phương án chủ động từ các đơn vị liên quan, hy vọng mùa mưa bão năm nay, Đà Lạt sẽ hạn chế được đến mức thấp nhất những thiệt hại khi có mưa bão xảy ra.
 
NGUYÊN THI