Những năm qua, huyện Ðức Trọng đã quan tâm chăm lo đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) bằng nhiều việc làm thiết thực, hiệu quả...
Những năm qua, huyện Ðức Trọng đã quan tâm chăm lo đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) bằng nhiều việc làm thiết thực, hiệu quả. Ðời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện vì thế cũng được nâng cao rõ rệt.
Với sự chăm lo thiết thực của Đảng và Nhà nước, cùng với sự đồng lòng của người dân, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào DTTS ngày càng được nâng cao rõ rệt. Trong ảnh: Những con đường dẫn vào thôn K’Long (xã Hiệp An) nay đã khang trang hơn. Ảnh: T.Vũ |
Huyện Đức Trọng có diện tích tự nhiên là 90.180 ha, dân số hơn 188.480 người, trong đó đồng bào DTTS là 62.985 người, chiếm tỷ lệ 33,4%, với 20 DTTS cùng sinh sống xen kẽ với đồng bào người Kinh đã tạo nên bản sắc văn hóa phong phú và đa dạng.
Theo bà Phạm Thị Thanh Thúy - Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Trọng, những năm qua, Đức Trọng đã tập trung lãnh đạo hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở triển khai và thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách chăm lo, phát triển vùng đồng bào DTTS, nhất là Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững. Các ngành chức năng của huyện cùng các xã, thị trấn đã tăng cường triển khai tổ chức các lớp tập huấn và chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi gắn với chương trình khuyến nông vùng đồng bào DTTS. Nhờ đó, đồng bào DTTS huyện Đức Trọng đã phát huy mạnh mẽ truyền thống đoàn kết, yêu nước, tích cực làm ăn phát triển kinh tế, xuất hiện nhiều gương điển hình tiên tiến trong học tập, công tác, lao động sản xuất, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc.
Để giúp đồng bào DTTS khắc phục khó khăn, vươn lên trong cuộc sống, Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể các cấp quan tâm, đem lại nhiều kết quả thiết thực.
Mặt khác, để hỗ trợ nguồn vốn cho bà con đầu tư phát triển sản xuất, huyện Đức Trọng triển khai thực hiện tốt các chính sách tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện. Trong 5 năm qua, đã giải ngân cho hơn 12.440 lượt vay với tổng số tiền hơn 325 tỷ đồng. Nguồn vốn được các hộ vay sử dụng đúng mục đích, phát huy tốt, hiệu quả.
Nhằm tạo công ăn việc làm cho người nghèo, nhất là các hộ đồng bào DTTS sống gần rừng, huyện Đức Trọng đã thực hiện giao khoán cho 378 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào DTTS nhận quản lý, bảo vệ rừng với diện tích 6.749 ha. Bình quân mỗi hộ nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng có thu nhập từ 8 đến 15 triệu đồng/hộ/năm.
Cùng với việc hỗ trợ vốn, tạo công ăn việc làm, từ các nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương và địa phương, huyện Đức Trọng đã xây dựng, sửa chữa 203 căn nhà cho hộ nghèo, trong đó có 150 hộ nghèo là đồng bào DTTS, tổng kinh phí hỗ trợ hơn 8 tỷ đồng. Thực hiện chương trình tái định canh, tái định cư, đã đầu tư trên 23 tỷ đồng cho 2 dự án để di, giãn dân cho 139 hộ đồng bào dân tộc Cil từ các xã Phú Hội, N’Thol Hạ, Liên Hiệp vào xã Tà Năng và Tà Hine. Giúp bà con có nơi ăn chốn ở và điều kiện về đất đai để yên tâm sinh sống, phát triển kinh tế gia đình.
Ngoài chương trình, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, các ngành của huyện còn vận động Quỹ Thiện Tâm hỗ trợ 109 con bò để trao cho hộ nghèo. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện, các cơ quan, đơn vị, địa phương, các nhà tài trợ còn tích cực vận động mạnh thường quân hỗ trợ tiền, quà cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo nhân dịp lễ, tết với tổng số tiền vận động trong 5 năm qua đạt hơn 20 tỷ đồng. Riêng về việc cấp thẻ bảo hiểm y tế cho các đối tượng thuộc hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào DTTS, đã cấp hơn 173.870 thẻ cho các đối tượng.
Riêng Chương trình 135 của Chính phủ, giai đoạn 2014-2019, huyện Đức Trọng đã đầu tư xây dựng 35 công trình đường giao thông nông thôn, 1 nhà sinh hoạt cộng đồng, hỗ trợ phát triển sản xuất và tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ phân bón, giống, vật nuôi, máy móc, nông cụ sản xuất cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo... với tổng nguồn vốn đầu tư gần 30 tỷ đồng. Bên cạnh đó, huyện Đức Trọng còn thực hiện tốt chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho các hộ vùng đồng bào DTTS. Đồng thời, thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách đối với người có uy tín như tổ chức gặp mặt, tặng quà nhân các dịp lễ, tết; tổ chức tham quan, học tập kinh nghiệm trong và ngoài tỉnh cho hơn 400 lượt người có uy tín.
Nhờ có sự quan tâm của địa phương nên nhận thức của người dân, nhất là các hộ đồng bào DTTS đã có chuyển biến mạnh mẽ, tích cực làm ăn để vươn lên thoát nghèo.
Tính đến cuối năm 2018, toàn huyện chỉ còn 480 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,05%, trong đó đồng bào DTTS là 296 hộ.
Kinh tế phát triển, Nhân dân trong huyện, nhất là bà con đồng bào DTTS đã có điều kiện để tham gia các phong trào ở địa phương, đặc biệt trong xây dựng nông thôn mới, đến nay, toàn huyện đã có 14/14 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Một nội dung hết sức quan trọng luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương chú trọng đó là công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ cán bộ là người đồng bào DTTS. Toàn huyện hiện có 648 cán bộ là người DTTS đang làm việc tại các cơ quan cấp huyện và cơ sở, trong đó có 53 cán bộ là người DTTS tham gia cấp ủy đảng; 136 cán bộ DTTS là đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; 2 cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các phòng, ban, đơn vị.
Xác định văn hóa là nền tảng tinh thần quan trọng để xã hội phát triển nhất là trong vùng đồng bào DTTS, huyện Đức Trọng luôn có sự quan tâm đúng mức để phát huy các bản sắc văn hóa đặc trưng của các dân tộc, thông qua việc mở các lớp dạy nghề truyền thống như cồng chiêng, đan lát mây tre; tổ chức nhiều hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao, tạo sân chơi lành mạnh cho bà con. Qua công tác tuyên truyền ,vận động, các hủ tục lạc hậu như tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, cúng tế khi có người đau bệnh... dần được xóa bỏ.
Thực hiện chính sách tín ngưỡng, tôn giáo, các cấp ủy đảng, chính quyền đã hết sức quan tâm, giải quyết kịp thời nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo chính đáng của đồng bào có đạo, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức tôn giáo hoạt động. Các đồng chí lãnh đạo từ huyện đến cơ sở thường xuyên gặp gỡ, thăm hỏi, động viên các chức sắc, tín đồ tôn giáo.
THY VŨ