Khát vọng đưa sản phẩm mây, tre đan Cát Tiên vươn ra thế giới

08:06, 07/06/2019

Là một người con của vùng đất Cát Tiên, cô rất trăn trở với quê hương để rồi quyết tâm dành cả tuổi trẻ của mình để nghiên cứu mở rộng, phát triển các sản phẩm ngành đan tre, mây với ước vọng vươn ra thế giới. 

Là một người con của vùng đất Cát Tiên, cô rất trăn trở với quê hương để rồi quyết tâm dành cả tuổi trẻ của mình để nghiên cứu mở rộng, phát triển các sản phẩm ngành đan tre, mây với ước vọng vươn ra thế giới. 
 
Nga đang hướng dẫn thợ tại cơ sở sản xuất. Ảnh: Thu Dung
Nga đang hướng dẫn thợ tại cơ sở sản xuất. Ảnh: Thu Dung
 
Đó là Bùi Thị Nga (SN 1989) - Phó Bí thư Chi đoàn 5, xã Đức Phổ, huyện Cát Tiên. Nga sinh ra trong một gia đình đông anh em, bố mất sớm nên cô sớm hình thành tính tự lập, khát vọng vươn lên làm giàu trên chính quê hương của mình.
 
Sau khi tốt nghiệp ngành Kỹ thuật Nông lâm tại Trường Đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh, Nga xin vào làm nhân viên kỹ thuật dự án phát triển cây ca cao, sau đó làm cho các công ty phân bón trên địa bàn huyện Cát Tiên. Trong suốt 4 năm làm việc tại địa phương cùng với những kiến thức về chuyên ngành nông lâm đã thôi thúc cô khởi nghiệp với các sản phẩm từ mây tre đan như sọt tre, giỏ tre.
 
Nga nhận thấy Cát Tiên là một huyện không có nhiều ưu đãi về đất đai, khí hậu, hơn nữa dịch bệnh và thiên tai khiến cho kinh tế nông nghiệp của người dân không ổn định, nhưng ưu thế hiện nay ở Cát Tiên chính là nhân công giá rẻ, chính xác hơn là thời gian nông nhàn của người nông dân khá lớn và mây tre đan là sản phẩm có sẵn nguồn nguyên liệu ở Cát Tiên.
 
Nga tâm sự từ lúc có ý tưởng đến khi đi vào hoạt động, đã gặp nhiều khó khăn về mẫu mã, nguồn hàng, đã thế lại không tìm được người đồng hành, không có ai thông cảm chia sẻ. Nhưng cô nhất định không bỏ cuộc, bởi câu hỏi tại sao người ở Đạ Huoai, Biên Hòa, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Tiền Giang, Long An họ làm được mà mình lại không làm được! Cô dùng kỹ năng sư phạm trong thời gian học đại học để nói chuyện và dạy nghề cho từng nông dân, động viên từng thợ ở những ngày đầu tiên làm việc, loay hoay cả ngày tháo ra lắp vào, có mặt hàng khó đến nỗi dạy 200 người cuối cùng chỉ còn 10 người làm việc và đến lô hàng thứ 3 là thợ muốn nghỉ sạch không còn một ai. 
 
Nga nhận ra sai lầm của việc này chính là thợ chưa có kinh nghiệm, lại đưa vào một mặt hàng quá sức khó thì thất bại đương nhiên. Tiếp tục nghiên cứu, Nga chuyển qua làm mặt hàng giỏ nhựa. Loại mặt hàng này đã đồng hành cùng cô và thợ được 5 năm nay. Hiện tại, số lượng thợ có tay nghề do cô đào tạo khoảng 200 người ở thị trấn Cát Tiên, xã Tư Nghĩa, Nam Ninh, Phước Cát, Tiên Hoàng, Mỹ Lâm và một phần ở xã Đăng Hà, Bình Phước. Nga đã tạo dựng được uy tín với các công ty làm hàng xuất khẩu và ký được hợp đồng gia công hàng ghế sofa ổn định quanh năm với lượng hàng lớn. Hiện nay cô đang trong quá trình tiếp tục mở rộng quy mô và xây dựng nhà xưởng, phát triển thị trường nhân công tới thị trấn Cát Tiên, xã Tiên Hoàng và Đồng Nai Thượng. Đây là ba thị trường lao động trong huyện Nga đặc biệt quan tâm.
 
Cô nhận được thêm một hợp đồng đan sọt tre xuất khẩu khá lớn (10 container/tháng) và đã tìm được công ty xuất khẩu để ký hợp đồng sản xuất mặt hàng này và dự kiến 2 năm nữa sẽ tăng lên 30-40 container/tháng.
 
Và để chủ động nguồn hàng phục vụ sản xuất, Nga dự kiến nghiên cứu dự án chuyển đổi diện tích cây điều xấu sang trồng cây mây, tre để sau này chủ động hơn về vùng nguyên liệu. Cô tâm sự bản thân đặt nhiều tâm huyết vào dự án này, và mong dự án sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế huyện Cát Tiên đi lên, giải quyết được từ 300-500 nhân công nhàn rỗi trên địa bàn huyện trong vòng 2 năm tới và ưu tiên cho đối tượng là đoàn viên, thanh niên. Ngoài thu nhập từ nông nghiệp, họ còn có một nguồn thu nhập ổn định từ mặt hàng này.
 
Hiện nay, điều Nga lo lắng nhất không phải là đầu ra cho sản phẩm vì có rất nhiều công ty trái cây của Trung Quốc, Đài Loan, Công ty Vingroup cũng đã đặt hàng… mà  đó là nguồn vốn để mở rộng cơ sở kinh doanh, trồng vùng nguyên liệu. Theo cô, hiện nay ở các nước phát triển họ rất ưa chuộng những sản phẩm thân thiện với môi trường, đặc biệt là các sản phẩm bằng tre, nứa, mây, tre thay thế cho plastic. Vì vậy, cô rất tin tưởng vào sản phẩm thủ công của chính mình, với nguồn nguyên liệu hoàn toàn thân thiện với môi trường trên địa bàn huyện. Theo cô, cây mây, tre rất dễ trồng, khoảng 7 - 10 năm là có thể thu hoạch và đưa vào sản xuất, phù hợp với khí hậu Đạ Tẻh, Cát Tiên.
 
Tiếp xúc với Nga chúng tôi thấy cô là một người bản lĩnh, năng nổ và đam mê với nghề. Bản thân là một thanh niên mạnh mẽ, nhiệt huyết, dám nghĩ dám làm. Hiện nay ngoài công việc kinh doanh của công ty cô còn đang đảm nhận vai trò là một Phó Bí thư đoàn Thôn 5, xã Đức Phổ, huyện Cát Tiên. Nhận xét về cô, anh Điểu K’Viên, Bí thư Huyện đoàn Cát Tiên cho biết: “Nga là một trong những thanh niên gương mẫu trong phát triển kinh tế tại địa phương, sáng tạo trong việc làm, đã thành công trong khởi nghiệp. Ngành nghề của Nga phù hợp để thanh niên, bà con tranh thủ những thời gian rảnh rỗi kiếm thêm thu nhập”.
 
THU DUNG