Nữ trưởng thôn trẻ tuổi của thôn Ka Rái 2

08:06, 17/06/2019

Vượt qua những khó khăn của một người phụ nữ khi đảm nhận vai trò trưởng thôn ở tuổi đời còn khá trẻ, chị Ka Gương (xã Ka Ðơn, Ðơn Dương) vẫn đang từng ngày cố gắng cùng người dân thôn Ka Rái 2 xây dựng một cuộc sống mới với nhiều đổi thay.

Vượt qua những khó khăn của một người phụ nữ khi đảm nhận vai trò trưởng thôn ở tuổi đời còn khá trẻ, chị Ka Gương (xã Ka Ðơn, Ðơn Dương) vẫn đang từng ngày cố gắng cùng người dân thôn Ka Rái 2 xây dựng một cuộc sống mới với nhiều đổi thay.
 
Chị Ka Gương thường xuyên tham khảo ý kiến của các già làng về những việc trong thôn. Ảnh: V.Q
Chị Ka Gương thường xuyên tham khảo ý kiến của các già làng về những việc trong thôn. Ảnh: V.Q
 
“Là một trong 2 nữ trưởng thôn của xã Ka Đơn lại là trưởng thôn trẻ tuổi nhất xã có đa số người đồng bào dân tộc thiểu số, nhưng làm việc rất tốt và được bà con tin yêu” - đó là lời giới thiệu ngắn gọn nhưng ấn tượng của nhiều người về Ka Gương - nữ trưởng thôn sinh năm 1990 của thôn Ka Rái 2. Được bà con tin tưởng và bầu lên làm trưởng thôn từ năm 2017, người phụ nữ này luôn tâm niệm một điều rằng, muốn tuyên truyền điều gì đến bà con thì bản thân mình phải làm gương trước đã.
 
Sinh ra và lớn lên ở thôn Ka Rái 2, hơn ai hết, chị Ka Gương hiểu rõ những suy nghĩ, tâm tư, nguyện vọng của bà con nơi đây. Chị cũng biết được cuộc sống của những ngày xưa đã khốn khó vì những hủ tục lạc hậu, vì sự trông chờ, ỷ lại của bà con vào Nhà nước như thế nào. Thế nên, chị quyết tâm thay đổi - trước tiên là ở gia đình mình ngay từ khi còn rất trẻ.
 
Cách đây 10 năm, khi mà hủ tục thách cưới vẫn còn nặng nề trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cô gái Ka Gương 20 tuổi cùng người thương của mình đã quyết tâm bỏ qua phong tục ăn sâu bao đời nay trong đời sống của người Cil để bắt đầu xây dựng cuộc sống gia đình - không áp lực nợ nần, không sợ mang điều tiếng. Rồi khi Nhà nước vận động thay đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, chị lại mạnh dạn đi tiên phong đầu tư hệ thống tưới phun tự động cho 4 sào đất trồng rau màu của mình. “Công bỏ ra ít nhưng hiệu quả kinh tế lại tăng lên, cây trồng tốt tươi hơn trước. Bà con thấy vậy mới dám làm theo chứ” - chị cười nói.
 
Từ khi công tác trong Chi hội Phụ nữ thôn, đến khi đảm nhận vai trò trưởng thôn, chị Ka Gương đã quen với việc buổi tối đến từng nhà người dân để tuyên truyền, vận động, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con. Chị bảo rằng thuận lợi của mình là nắm trong tay từng nóc nhà, từng hoàn cảnh của mỗi gia đình - thân thiết như bà con ruột thịt. Mỗi lần vận động, tuyên truyền điều gì hay thực hiện chương trình gì của thôn, chị đều chủ động hỏi dân rồi mới quyết. Và chị hiểu rằng trong mỗi mái nhà, vai trò của người phụ nữ lớn tuổi nhất gia đình là quan trọng nhất, nên phải khéo léo tâm tình để các bà, các mẹ “xuôi lòng” là việc gì cũng có thể làm được.
 
Khó khăn của chị Ka Gương không phải không có, thậm chí là rất nhiều, khi mà người phụ nữ không có được sự mạnh mẽ và sức khỏe như đàn ông. Thế nhưng, khéo léo, mềm mỏng lại là một lợi thế tuyệt vời của chị - mà ngay cả già làng Ha Nhang của thôn Ka Rái 2 cũng phải công nhận. Hơn nửa đời người gắn bó với nơi này, Ka Rái 2 đói nghèo, xơ xác trong ký ức của ông đã không còn, thay vào đó sự thay da đổi thịt từng ngày. Ông bảo rằng sự thay đổi đó có đóng góp lớn của Ka Gương. “Ka Gương dù còn trẻ tuổi, nhưng làm việc gì cũng biết hỏi ý kiến của những người lớn tuổi, giải quyết việc gì cũng đúng, nên được bà con yêu quý và tin tưởng. Nhờ vậy mà các chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước được tuyên truyền đến bà con dễ hơn” - già Ha Nhang chia sẻ.
 
Thôn Ka Rái 2 bây giờ vẫn là thôn thuộc Chương trình 135 của xã Ka Đơn. Toàn thôn có 119 hộ, 582 khẩu, trong đó có 80% là người đồng bào dân tộc Cill và K’Ho. Đời sống của bà con vẫn còn nhiều khó khăn và trình độ dân trí vẫn còn thấp. Thế nhưng phụ nữ đã không còn chỉ biết ở nhà trông con mà đã biết đi làm công những ngày rảnh rỗi, hơn một nửa đàn ông trong thôn không uống rượu, hút thuốc, trẻ con được đưa đón đến trường. Những mái nhà chưa hẳn đã sung túc, khang trang, nhưng gọn gàng và đường sá sạch sẽ là điều đã có thể nhìn thấy được.
 
Năm 2018, thôn Ka Rái 2 được xã Ka Đơn chọn thực hiện mô hình khu dân cư kiểu mẫu và lồng ghép triển khai các mô hình tự quản về giữ gìn vệ sinh môi trường, về an ninh trật tự và an toàn giao thông. Những con đường liên xóm khang trang trong thôn Ka Rái 2 nay được trồng đầy hoa mười giờ rực rỡ. Năm 2018, thôn Ka Rái 2 đã tổ chức được các đợt ra quân dọn vệ sinh môi trường, di dời 5 chuồng trại gia súc, gia cầm, tổ chức trồng được 140 cây xanh dọc tuyến đường nội thôn và ra quân trồng hoa trên tuyến đường dài trên 400 m. Người dân đóng góp với Nhà nước làm đường giao thông nông thôn với tổng số tiền 84 triệu đồng.
 
Chị Ka Gương bảo rằng, may mắn của chị là được dân tin yêu, được gia đình ủng hộ hết mình, và nhất là được sự hậu thuẫn từ chồng chị - một người đàn ông không uống rượu, không nhậu nhẹt, sẵn sàng giúp vợ nấu cơm, chăm con những lần chị bận việc. Sự ủng hộ về mặt tinh thần và những lời động viên của bà con chính là động lực giúp chị nhận thấy mình cần cố gắng nhiều hơn nữa, để xứng đáng với niềm tin mà bà con đã đặt vào.
 
VIỆT QUỲNH