Xứng đáng là "bóng cả" của buôn làng

08:06, 14/06/2019

Là địa phương có trên 24% dân số là người đồng bào DTTS, Lâm Hà đã và đang chú trọng việc phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng dân cư, để họ thực sự là "bóng cả" của buôn làng.

Là địa phương có trên 24% dân số là người đồng bào DTTS, Lâm Hà đã và đang chú trọng việc phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng dân cư, để họ thực sự là “bóng cả” của buôn làng.
 
Già làng Bong Đưng Ha Chằng (giữa) là cầu nối đưa tiếng nói của bà con đến với chính quyền. Ảnh: V.Q
Già làng Bong Đưng Ha Chằng (giữa) là cầu nối đưa tiếng nói của bà con đến với chính quyền. Ảnh: V.Q
 
Trên khoảnh sân trước ngôi nhà khang trang của già làng Bong Đưng Ha Chằng ở thôn Đam Pao, những hạt lúa vàng ươm đang được phơi phóng, hứa hẹn một mùa no đủ. Già làng Ha Chằng khoe năm nay lúa được mùa, vì bà con đã biết đổi sang trồng giống lúa cho năng suất cao, lại biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nên cả thôn Đam Pao giờ cái đói đã lùi thật xa.
 
“Cây lúa cho hạt nhiều hơn, cà phê cũng năng suất hơn, kinh tế ổn định dư giả để xây sửa nhà, cho con cái đi học nên đàn ông trong thôn ham làm ăn hơn ham nhậu, thanh niên cũng hạn chế ăn chơi mà thay vào đó là chuyên tâm làm ăn cho bằng bạn bằng bè” - già Ha Chằng chia sẻ.
 
Để có những sự đổi thay đó, theo ông Phạm Thanh Hùng - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) xã Đạ Đờn, có công rất lớn của các vị già làng trong việc tuyên truyền, vận động bà con nhân dân vùng đồng bào DTTS. Hiện toàn xã Đạ Đờn có hơn 30 già làng và người có uy tín - là những người do dân bầu lên, nói thay tiếng nói của người dân.
 
Vai trò của các già làng được phát huy khi họ biết tận dụng những ngày lễ để tuyên truyền cho bà con nắm rõ hơn chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; họ cũng biết dùng tiếng nói và uy tín của mình để tham gia hòa giải mỗi lần trong thôn xóm có xích mích. Và lớn hơn cả, họ biết đi trước để làm gương cho bà con theo sau. Nhờ vậy, những hủ tục trong vùng đồng bào DTTS huyện Lâm Hà đã giảm đi rất nhiều, bà con cũng không còn trông chờ, ỷ lại mà thay vào đó là chủ động phát triển kinh tế hơn trước. 
 
Với phương châm “Các dân tộc trong huyện luôn đoàn kết, phát huy nội lực, hội nhập quốc tế” trong giai đoạn 2014 - 2019, MTTQ huyện Lâm Hà đã chú trọng việc phối hợp với đội ngũ cốt cán cơ sở, già làng, trưởng bản, người có uy tín để tổ chức triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với vùng đồng bào DTTS, góp phần cải thiện đời sống Nhân dân.
 
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Lâm Hà - ông Hoàng Sơn, cho biết: Trong 5 năm qua, MTTQ huyện đã tập hợp được 188 vị tham gia hoạt động Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư; 96 vị tham gia Ủy viên Ủy ban MTTQ cấp xã, thị trấn; 11 vị tham gia Ủy ban MTTQ cấp huyện. 
 
Nhiều người có uy tín tuổi đã cao nhưng vẫn nhiệt tình tham gia đảm nhận các chức vụ Bí thư Chi bộ, trưởng thôn, Trưởng Ban Công tác Mặt trận, thường xuyên cung cấp thông tin, kiến nghị những tâm tư nguyện vọng chính đáng của đồng bào để giải quyết kịp thời. Từ đó, tạo sự đồng thuận giữa đồng bào các dân tộc với Đảng và Nhà nước.
 
Trong 5 năm thực hiện Quyết tâm thư của Đại hội Đại biểu các DTTS huyện lần thứ II năm 2014, huyện Lâm Hà đã xuất hiện nhiều tấm gương già làng tiêu biểu trong công tác tuyên truyền, vận động. Có thể kể già làng Ha Pôn, linh mục Đinh Long Ha Sỹ ở xã Mê Linh khi vận động bà con nuôi tằm mang lại thu nhập ổn định, thoát nghèo bền vững; hay nghệ nhân Duôn Dai Bát ở tổ dân phố Bồ Liêng, thị trấn Đinh Văn tổ chức dạy cồng chiêng; già làng K’Niêng, xã Đạ Đờn cùng các già làng trong xã thành lập tổ già làng tự quản về mọi mặt trong đời sống xã hội,...
 
Với nhiều nội dung phong phú, thiết thực như đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững; thực hiện nếp sống văn hóa trong học tập và làm theo gương Bác Hồ; tiếp thu tinh hoa văn hóa hiện đại, bài trừ các phong tục lạc hậu, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; xây dựng gia đình văn hóa, nếp sống văn hóa trong việc tổ chức đám tang, đám cưới; tích cực tham gia hưởng ứng công tác nhân đạo từ thiện, đền ơn đáp nghĩa;... rất nhiều vị già làng, người có uy tín tiêu biểu trên địa bàn huyện Lâm Hà đã và đang nỗ lực, cố gắng tuyên truyền, vận động, chăm lo cho đồng bào DTTS. Từ đó, góp phần quan trọng trong việc đổi thay cuộc sống, nâng cao chất lượng cuộc sống cho bà con đồng bào DTTS.
 
“Với những thế mạnh đặc biệt của mình, các già làng, người có uy tín vẫn đang đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong vùng đồng bào DTTS. Chính vì vậy, huyện vẫn sẽ tiếp tục đổi mới, tăng cường tập hợp, mở rộng thành viên và thường xuyên tổ chức các vị gặp mặt với lãnh đạo chủ chốt của huyện, để tiếng nói của các vị già làng, người có uy tín tiếp tục được phát huy hơn nữa trong thời gian tới” - ông Hoàng Sơn khẳng định.
 
VIỆT QUỲNH