5 năm qua, huyện Ðạ Tẻh đã tập trung huy động tối đa, sử dụng có hiệu quả nhiều nguồn lực, vốn từ Trung ương đến địa phương, thực hiện nhiều chương trình,...
5 năm qua, huyện Ðạ Tẻh đã tập trung huy động tối đa, sử dụng có hiệu quả nhiều nguồn lực, vốn từ Trung ương đến địa phương, thực hiện nhiều chương trình, dự án đầu tư cho phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Buôn làng của đồng bào Mạ, K’Ho, Tày, Nùng, Dao, Thái... nơi đây đang khoác lên mình diện mạo mới, sức sống mới.
|
Đồng bào Mạ bản địa gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống |
Hỗ trợ phát triển kinh tế
Huyện Đạ Tẻh có hơn 13 dân tộc anh em sinh sống; trong đó, dân tộc thiểu số Tây Nguyên (Mạ, K’Ho) có 924 hộ, với 3.329 khẩu (trên tổng số 12.562 hộ với 51.938 khẩu), chiếm 6,6% dân số, sống tập trung tại các thôn Đạ Nhar (Quốc Oai), Con Ó (Mỹ Đức), Tố Lan (An Nhơn), Tôn K’Long (Đạ Pal) và xen kẽ ở một số tổ dân phố thị trấn Đạ Tẻh (Tổ 1, Tổ 3); dân tộc thiểu số phía Bắc vào lập nghiệp từ 1990 - 1992 gồm Tày, Nùng, Mường, Dao, Thái... có 1.995 hộ, 8.884 khẩu, chiếm 17%, sống rải rác ở các xã, thị trấn, tập trung nhiều ở xã An Nhơn và thị trấn Đạ Tẻh.
5 năm qua, huyện đã thực hiện nhiều chính sách xã hội đảm bảo an sinh xã hội của đồng bào. Giải quyết đất sản xuất cho 464 hộ đồng bào dân tộc là người Mạ, K’Ho thiếu đất sản xuất với tổng diện tích 621,5 ha; cấp 732 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 512 hộ DTTS với diện tích 478,4 ha. Giao khoán bảo vệ rừng cho 653 hộ DTTS bản địa với 14.210,15 ha rừng, bình quân 21,7 ha/hộ, thu nhập 13,056 triệu đồng/hộ/năm. Đã tổ chức 4 lớp tập huấn khoa học kỹ thuật về chăm sóc và cạo mủ cây cao su cho 274 đồng bào tham gia. Triển khai trồng cao su tập trung 197 ha/196 hộ, trồng tre tầm vông 24,6 ha/18 hộ đồng bào DTTS bản địa, với tổng kinh phí đầu tư hỗ trợ gần 2,5 tỷ đồng. Hỗ trợ đầu tư các chương trình phát triển sản xuất của đồng bào DTTS phía Bắc đạt hiệu quả kinh tế cao như: sản xuất lúa giống, nếp quýt, lúa chất lượng cao, ngô lai, hỗ trợ chuyển đổi vườn tạp sang trồng dâu nuôi tằm... Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con thay đổi tập quán canh tác, tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi để nâng cao năng suất. Nhờ vậy, kinh tế vùng đồng bào DTTS có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống của bà con khá lên rõ rệt, không còn hộ đói, không còn nhà tạm bợ, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh.
Bằng nhiều nguồn vốn xây dựng cơ bản từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, Chương trình 135, 30a, định canh định cư, xây dựng nông thôn mới... và nguồn ngân sách của tỉnh; Đạ Tẻh đã đầu tư xây dựng nhiều công trình, hạng mục trong vùng đồng bào DTTS, đặc biệt tập trung vào làm đường giao thông nông thôn, điện, thủy lợi, nước sinh hoạt, trường học, trạm xá, nhà sinh hoạt cộng đồng. Đến nay, 100% xã có đường nhựa đến trung tâm các thôn, buôn vùng DTTS; các tổ dân phố ở thị trấn, trong đó có các khu dân cư của người Mạ, người Tày sinh sống đều được bê tông hóa. 100% xã, thị trấn, thôn, buôn vùng DTTS có hạ thế điện, trên 99,5% hộ DTTS được sử dụng điện lưới. Bên cạnh những diện tích được cung cấp nước tưới từ các hồ Đạ Tẻh, Đạ Hàm, Đạ Nhar cho bà con DTTS Quốc Oai, An Nhơn, Mỹ Đức, thị trấn Đạ Tẻh, đã duy trì hoạt động những hồ chứa nước nhỏ phục vụ sản xuất cho bà con đồng bào Mạ buôn Tố Lan, buôn Con Ó (đồi Đất đỏ). Hệ thống nước sinh hoạt được đầu tư trước đây tại buôn Đạ Nhar (Quốc Oai), Thôn 5B, buôn Tố Lan (An Nhơn), hệ thống nước tự chảy cung cấp đến từng hộ gia đình tại thôn Tôn K’Long (Đạ Pal), hệ thống cung cấp nước sạch sinh hoạt thị trấn Đạ Tẻh... đã đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho đồng bào.
Cùng với việc nâng cấp, sửa chữa, xây dựng các phòng học tại các khu vực xen kẽ với người Kinh, huyện đã quan tâm đầu tư xây dựng các điểm trường vùng sâu, vùng đồng bào DTTS tập trung tại các buôn Tố Lan, Đạ Nhar, Con Ó, Tôn K’Long, tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ em đến trường. Hỗ trợ cho 1.930 lượt học sinh, sinh viên với tổng kinh phí 2,6 tỷ đồng, đã giảm bớt gánh nặng cho các gia đình có con đi học tại các trường đào tạo chuyên nghiệp. 28 hộ đồng bào DTTS được hỗ trợ làm nhà ở 30 triệu đồng/hộ; 100% đồng bào DTTS được cấp thẻ bảo hiểm y tế theo quy định, thực hiện khám chữa bệnh 88.673 lượt; ngăn chặn khống chế các dịch bệnh xảy ra, cơ bản đẩy lùi bệnh sốt rét, hạn chế sốt xuất huyết, ngăn chặn bệnh phong ở vùng đồng bào DTTS.
Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện giảm nghèo nhanh và bền vững, trong 5 năm đã cho 301 hộ vay vốn ưu đãi với tổng dư nợ 8,04 tỷ đồng; trong đó vay phát triển cộng đồng là 82 hộ/1,1 tỷ đồng, vay vốn phát triển sản xuất 219 hộ/ 6,94 tỷ đồng. Cùng với sự vào cuộc của hệ thống chính trị ở cơ sở bằng nhiều biện pháp hiệu quả, tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào DTTS giảm dần qua từng năm. Cụ thể, năm 2015, toàn huyện có 429 hộ nghèo DTTS, tỷ lệ 15,6%, riêng DTTS bản địa 29,39%; năm 2016, có 325 hộ nghèo, tỷ lệ 11,4%, DTTS bản địa 20%; năm 2017, có 236 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo 8,17%, tỷ lệ hộ nghèo DTTS bản địa 13,02%; năm 2018, có 98 hộ nghèo DTTS, tỷ lệ 5,99%, riêng DTTS bản địa 10,8%.
Chăm lo đời sống tinh thần
Nhằm nâng cao ý thức tự giác cho bà con chăm lo cuộc sống của chính mình, phải thoát nghèo, vươn lên làm giàu, các phong trào thi đua đã được triển khai đến tận thôn buôn. Vai trò của già làng, trưởng bản, bí thư chi bộ, thôn trưởng, ban công tác mặt trận, người có uy tín được coi trọng, phát huy. Đồng bào đã chủ động, tích cực xây dựng thôn buôn, xây dựng cuộc sống, chủ động tham gia các chương trình, dự án phục vụ cho chính cuộc sống của mình như: trồng và bảo vệ rừng, trồng cao su tập trung, xây dựng đường giao thông, làm vệ sinh môi trường. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” cũng đạt nhiều kết quả, các hủ tục mê tín dị đoan từng bước được loại bỏ, thực hiện vệ sinh trong chăn nuôi, xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, nhiều giá trị văn hóa truyền thống được gìn giữ và phát huy qua các lễ hội lồng tồng của người Tày, Nùng, ngày hội văn hóa các dân tộc thiểu số, ngày hội văn hóa cồng chiêng được tổ chức hàng năm.
Các hoạt động dân vận thường xuyên được tổ chức thu hút hàng ngàn đoàn viên, hội viên của các đoàn thể tình nguyện cùng đồng bào chăm sóc cây trồng, khơi thông cống rãnh, vệ sinh thôn, buôn, giúp đồng bào sửa chữa nhà cửa, tặng quà cho hộ nghèo, giao lưu văn nghệ, thể dục thể thao... Qua đó, khích lệ đồng bào các DTTS trong huyện cùng đồng lòng chung sức xây dựng cuộc sống, xây dựng nông thôn mới làm nên sức sống mới, diện mạo mới cho những buôn làng vùng sâu vùng xa. Tính đến tháng 5/2019, đã có 10/10 xã đạt chuẩn nông thôn mới, thị trấn Đạ Tẻh đạt chuẩn văn minh đô thị.
Chăm lo phát triển sự nghiệp giáo dục, tất cả các thôn, buôn vùng đồng bào DTTS đều có điểm trường mầm non, trường tiểu học, duy trì phổ cập mẫu giáo 5 tuổi, phổ cập tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập THCS, hàng năm huy động 100% học sinh ra lớp, không có học sinh bỏ học. Tổng số học sinh DTTS trong 5 năm qua là 10.888 em, chiếm 24,1% tổng số học sinh toàn huyện; riêng năm học 2018 - 2019 có 2.179 học sinh DTTS, tăng 92 em so với 2014; tỷ lệ đạt học lực giỏi 9,08%, khá 33,6%, trung bình 49,4%, yếu 7,75%, kém 0,21%; tỷ lệ hoàn thành chương trình bậc tiểu học đạt 100%, tốt nghiệp THCS 99,5%. Trường Dân tộc nội trú có 449 học sinh DTTS, các chế độ chính sách dành cho học sinh nội trú được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc. Cũng 5 năm qua, huyện thực hiện tuyển dụng 85 công chức, viên chức là người DTTS vào các cơ quan Đảng, Nhà nước ở cấp huyện và cấp xã, trong đó có 7 người là đồng bào DTTS bản địa; quan tâm bồi dưỡng, đào tạo, nâng cao trình độ cho CBCCVC là người DTTS.
Ông Lê Mậu Tuấn - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: 5 năm tới, huyện tiếp tục huy động tối đa các nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào DTTS, thực hiện có hiệu quả chương trình giảm nghèo bền vững, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa thị trấn, vùng nông thôn thuận lợi với vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS; giữ vững ổn định chính trị, khối đại đoàn kết dân tộc, các dân tộc trong huyện bình đẳng, giúp đỡ nhau cùng phát triển.
QUỲNH UYỂN