Đèn cảnh báo giao thông là một phần quan trọng của hạ tầng giao thông, giúp người và phương tiện đi lại an toàn...
Đèn cảnh báo giao thông là một phần quan trọng của hạ tầng giao thông, giúp người và phương tiện đi lại an toàn. Với đặc thù của một tỉnh miền núi, hạ tầng giao thông còn cần hoàn thiện, việc ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến vào cảnh báo giao thông là một trong những ưu tiên của Lâm Đồng. Và việc xây dựng mô hình ứng dụng năng lượng mặt trời phục vụ chiếu sáng công cộng và cảnh báo giao thông tại Lâm Hà đã cho thấy, năng lượng mặt trời có thể ứng dụng vào rất nhiều mặt của đời sống.
|
Kiểm tra lắp đặt trụ đèn NLMT. Ảnh: D.Quỳnh |
Anh Lê Thành Trung, cán bộ Trung tâm Ứng dụng Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng, người có nhiều kinh nghiệm về các ứng dụng từ năng lượng mặt trời (NLMT) cho biết, Lâm Đồng đã có nhiều thử nghiệm sử dụng NLMT chiếu sáng như ở Trường Tiểu học Đạ Rsal, NLMT chiếu sáng phục vụ nông nghiệp... Vì vậy, việc ứng dụng NLMT phục vụ chiếu sáng công cộng và cảnh báo giao thông tại Lâm Hà được xây dựng khoa học và có cơ sở thực tiễn.
Hiện toàn huyện Lâm Hà có trên 1.600 km đường bộ, trong đó Quốc lộ 36 km, tỉnh lộ 39 km, còn lại là đường liên xã và đường thôn, liên thôn. Cơ sở hạ tầng giao thông đang được đầu tư nhưng do địa hình phức tạp, hệ thống đường giao thông chưa hoàn thiện do đó không tránh khỏi những bất cập và nguy cơ tai nạn giao thông. Tại những khu vực chưa có hoặc cách xa nguồn điện lưới, lắp đặt trụ đèn cảnh báo khó khăn, việc đi lại vào buổi tối rất nguy hiểm, người điều khiển giao thông khi lưu thông trên đường bị hạn chế về tầm quan sát, không chủ động được trong mọi tình huống bất ngờ, từ đó xảy ra tai nạn giao thông.
Lâm Hà đã quyết định lắp đặt 17 trụ đèn vàng chớp sáng bằng NLMT để cảnh báo tại 5 xã, thị trấn. Đây đều là các điểm nút giao thông có nguy cơ xảy ra tai nạn, việc lắp đặt đèn cảnh báo là rất quan trọng để người tham gia lưu thông ý thức được nguy hiểm.
Từ hiệu quả của mô hình ứng dụng NLMT phục vụ chiếu sáng công cộng và cảnh báo giao thông tại Lâm Hà, năm 2019 có thêm nhiều địa phương triển khai ứng dụng NLMT chiếu sáng công cộng và cảnh báo giao thông như huyện Đức Trọng, Bảo Lâm. Đây là ứng dụng rất hiệu quả, góp phần đảm bảo an toàn giao thông, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường, giúp việc đi lại của người dân an toàn và thuận lợi. |
Anh Lê Thành Trung cho biết, mỗi trụ đèn cảnh báo giao thông là một hệ thống nguồn điện mặt trời độc lập. Mỗi trụ đèn bao gồm trụ bằng thép chống gỉ, tấm pin NLMT, bình ắc quy, đèn chớp và hệ thống dây dẫn được đi kín vào trong lòng trụ. NLMT ban ngày thu được sẽ được chuyển đổi thành điện năng, nạp vào ắc quy và cung cấp cho đèn hoạt động vào ban đêm. Đèn hoạt động 12h/ngày, chủ yếu là tích điện vào ban ngày và thắp sáng, chớp nháy vào ban đêm. Kể cả vào đợt mưa bão, ắc quy cũng có thể phát ánh sáng trong vòng 48h, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Theo kết quả khảo sát, chi chí đầu tư ban đầu của trụ đèn NLMT cao hơn gấp đôi so với đèn truyền thống nhưng chi phí vận hành thấp hơn rất nhiều lần, rất thân thiện với môi trường vì 100% điện được sinh ra từ NLMT, góp phần giảm ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, ở những địa điểm mà điện lưới khó kéo tới, việc xây dựng trụ đèn cảnh báo giao thông bằng NLMT là rất hiệu quả.
Ông Trần Văn Hiếu, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Nam Ban, nơi có một số trụ đèn cảnh báo giao thông bằng NLMT đánh giá, việc lắp trụ đèn giúp việc giao thông của Nhân dân an toàn hơn nhiều. Nơi lắp trụ đều thuộc ngã 3, ngã 4 dễ xảy ra tai nạn, giờ vào buổi tối, có đèn chớp nháy, bà con đi qua đều chú ý, cẩn thận nên tai nạn giảm hẳn. Trụ hoạt động cũng rất tiện, không phải sửa chữa, đúng giờ là tự bật sáng, không phải thanh toán tiền điện hay cần người bật - tắt. Ông chia sẻ, nếu có kinh phí, lắp thêm một số trụ tại những vị trí giao thông nguy hiểm thì càng an toàn hơn cho người điều khiển phương tiện giao thông.
DIỆP QUỲNH