Với phương châm "phòng là chính" và "chống dịch như chống giặc", huyện Cát Tiên đang thực hiện đồng bộ hàng loạt các biện pháp cấp bách nhằm khống chế dịch tả lợn châu Phi lây lan và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho bà con chăn nuôi lợn trên địa bàn huyện.
Với phương châm “phòng là chính” và “chống dịch như chống giặc”, huyện Cát Tiên đang thực hiện đồng bộ hàng loạt các biện pháp cấp bách nhằm khống chế dịch tả lợn châu Phi lây lan và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho bà con chăn nuôi lợn trên địa bàn huyện.
|
Kiểm tra xe vận chuyển động vật ra vào địa bàn huyện. Ảnh: N.Thi |
Tính đến nay, theo công bố của UBND tỉnh, Cát Tiên là một trong 5 huyện của tỉnh có xét nghiệm dương tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi. Chúng tôi đến Cát Tiên đúng vào giai đoạn cả huyện đang tập trung mọi nguồn lực vào công tác chống dịch. Ngay từ đầu ngõ vào huyện đã thấy xuất hiện những tấm bảng màu đỏ ghi dòng chữ Trạm Kiểm dịch động vật cùng với cán bộ, nhân viên đội liên ngành túc trực tiến hành kiểm tra, chốt chặn tất cả các xe chở động vật ra vào.
Tại Cát Tiên, trường hợp dương tính đầu tiên với dịch tả lợn châu Phi được phát hiện trên đàn lợn rừng lai của hộ ông Phạm Hữu Thiện ở thôn Trấn Phú, xã Gia Viễn vào ngày 21/6. Để tìm hiểu về công tác phòng, chống bệnh tại nơi xuất hiện những con heo bị nhiễm bệnh đầu tiên ở huyện Cát Tiên, chúng tôi đã đến tận nơi và được chứng kiến sự khẩn trương, nghiêm túc không chỉ từ phía những người có trách nhiệm ở tuyến huyện, xã mà cả trên gương mặt, tác phong, cách trò chuyện, trao đổi của người dân ở xã Gia Viễn. Tất cả mọi người đều đặc biệt quan tâm và nâng cao ý thức đề phòng nhưng song song đó vẫn tỏ ra khá an tâm về tư tưởng.
Trao đổi với chúng tôi về những nhận định ban đầu, đại diện Phòng Nông nghiệp huyện cho biết, nguyên nhân là do địa điểm chăn nuôi của hộ gia đình này nằm trong khu vực đông dân cư, gia đình kinh doanh dịch vụ cưới hỏi đã chủ quan sử dụng thức ăn thừa để chăn nuôi lợn, mặc dù trước đó đã được ngành chức năng cảnh báo vì ở các tỉnh sát vách như Đồng Nai, Bình Phước đã phát hiện dịch bệnh này.
Ngay sau khi phát hiện dịch bệnh, UBND huyện đã nhanh chóng chỉ đạo áp dụng các biện pháp khoanh vùng ổ dịch, thực hiện tiêu độc, khử trùng bằng thuốc sát trùng và vôi bột tại hộ gia đình ông Thiện và các hộ xung quanh, triển khai phun thuốc tiêu độc trên toàn địa bàn xã Gia Viễn. Ở địa bàn thôn Trấn Phú có 440 con lợn/20 hộ chăn nuôi, đặc biệt cách hộ xảy ra dịch bệnh khoảng hơn 300 mét có một trang trại chăn nuôi khoảng 300 con lợn nên công tác khoanh vùng, phòng chống dịch bệnh được xác định là rất quan trọng nên đặc biệt tập trung theo dõi, chỉ đạo sát sao.
Song song với công tác tiêu hủy, tiêu độc, phun khử trùng… thì huyện Cát Tiên đặc biệt chú trọng đến công tác tuyên truyền, vận động người dân, các hộ chăn nuôi cùng tham gia vào công tác phòng ngừa dịch bệnh này. Tuyên truyền các hộ chăn nuôi an tâm tư tưởng, ổn định chăn nuôi và tăng cường áp dụng các biện pháp phòng chống dịch tả lợn châu Phi. Trước đó, huyện cũng đã thành lập 3 chốt kiểm dịch ở các địa bàn trọng điểm, đầu mối để kiểm tra, kiểm soát việc lưu thông, mua bán.
Theo số liệu của Phòng Nông nghiệp huyện Cát Tiên, toàn huyện hiện có khoảng 17.025 con lợn của 1.017 hộ chăn nuôi. Trong đó, có 6 trang trại chăn nuôi tập trung với số lượng từ 300 đến 900 con, có 10 trang trại chăn nuôi từ 100 - 300 con. Từ phát hiện đầu tiên vào ngày 21/6, đến nay, trên địa bàn Cát Tiên đã tiêu hủy tổng số hơn 200 con lợn, kể cả lợn con, để khống chế và phòng chống, ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hoàng Phúc - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Xét tính cấp bách của tình hình diễn biến dịch bệnh trên địa bàn huyện và các vùng giáp ranh, huyện đã thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ để khoanh vùng và xử lý dịch bệnh; đồng thời cử cán bộ, nhân viên trực tiếp xuống địa bàn thực hiện công tác tiêu hủy, tiêu độc, phun khử trùng. Yêu cầu Ban chỉ đạo ở các xã đều phải xây dựng các phương án phòng, chống, cắt cử cán bộ chuyên môn trực để theo dõi diễn biến tình hình dịch bệnh 24/24 giờ. Mỗi ngày đều phải báo cáo số liệu cụ thể về tình hình heo chết do các nguyên nhân nếu có đến lãnh đạo huyện.
Ông Phúc cũng cho biết, bước đầu, huyện cũng đã trích ngân sách dự phòng gần 300 triệu đồng để mua vôi, chất khử trùng… hỗ trợ công tác phòng, chống dịch. Đồng thời vận động người dân nếu có lợn chết dù ít hay nhiều tuyệt đối không được đem bán mà phải báo cáo để thực hiện chôn hoặc tiêu hủy. Huyện cũng chỉ đạo đặc biệt xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm về vận chuyển lợn và sản phẩm của lợn chưa qua kiểm dịch ra vào địa bàn.
Huyện cũng đặc biệt quan tâm, chỉ đạo quyết liệt các giải pháp, thường xuyên thành lập các đoàn giám sát tình hình dịch bệnh đến tận các hộ chăn nuôi, cơ sở thu gom, buôn bán, cơ sở giết mổ động vật để kiểm tra, hướng dẫn và đôn đốc thực hiện. UBND huyện cũng chỉ đạo các ngành chuyên môn tổ chức tập huấn phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi về kiến thức kỹ thuật nuôi lợn an toàn sinh học, cách nhận biết bệnh và công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn.
NGUYÊN THI