Giảm rác thải nhựa bắt đầu từ hành động nhỏ

06:07, 24/07/2019

Ống hút, ly dùng một lần; túi ni lông… là những vật dụng được sử dụng phổ biến trong đời sống hằng ngày bởi tính tiện lợi và giá thành rẻ...

Ống hút, ly dùng một lần; túi ni lông… là những vật dụng được sử dụng phổ biến trong đời sống hằng ngày bởi tính tiện lợi và giá thành rẻ. Sử dụng các sản phẩm từ nhựa gần như đã là thói quen ăn sâu trong đời sống. Ðể hạn chế sử dụng các sản phẩm từ nhựa, ngăn rác thải nhựa ảnh hưởng đến môi trường, đòi hỏi sự chung tay, vào cuộc của cả cộng đồng bắt đầu từ những hành động nhỏ. 
 
Phụ nữ Tổ dân phố 5B, thị trấn Đạ Tẻh đốt rác thải hữu cơ sau khi đã phân loại, phơi khô để lấy tro mùn bón cho cây cảnh. Ảnh: N.Ngà
Phụ nữ Tổ dân phố 5B, thị trấn Đạ Tẻh đốt rác thải hữu cơ sau khi đã phân loại, phơi khô để lấy tro mùn bón cho cây cảnh. Ảnh: N.Ngà
 
Thay đổi thói quen
 
Tại địa bàn huyện Đạ Tẻh, những hành động thiết thực nhằm giảm sử dụng đồ nhựa, hạn chế rác thải nhựa đã dần hình thành.
 
Hưởng ứng phong trào “Phụ nữ chống rác thải nhựa” do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam phát động, thời gian qua, các cấp Hội Phụ nữ huyện Đạ Tẻh đã tích cực triển khai các hoạt động nhằm kêu gọi hội viên và Nhân dân cùng nhau thay đổi hành vi, thói quen sử dụng sản phẩm nhựa. Chị Phạm Thị Yến - Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Đạ Tẻh cho biết: “Thay đổi thói quen sử dụng túi nilon, sản phẩm nhựa của chị em không phải chuyện ngày một ngày hai. Vì nó đã bám rễ quá sâu nên muốn thay đổi cần quá trình rất dài với sự thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp. Do đó, Hội Phụ nữ huyện đã hướng dẫn các chi hội lồng ghép việc tuyên truyền chống rác thải nhựa gắn với thực hiện Cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch” và “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Đồng thời, khuyến khích các hội viên là chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, nhà hàng, các tiểu thương buôn bán tại các chợ sử dụng các sản phẩm thay thế túi nilon thân thiện với môi trường như túi giấy, túi vải”.
 
Một trong những hoạt động được xem là mạnh mẽ nhất của phụ nữ huyện Đạ Tẻh trong “cuộc chiến” này có thể thấy ở việc ra đời mô hình “chống rác thải nhựa” của Chi hội phụ nữ Tổ dân phố 5B, thị trấn Đạ Tẻh với 15 hội viên tham gia. Cô Nguyễn Thị Thiếp - Chi hội phó Chi hội phụ nữ Tổ dân phố 5B cho biết: “Mô hình hướng đến mục tiêu chính là vận động các hội viên hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa khó phân hủy, sử dụng một lần và tích cực tìm kiếm các giải pháp thay thế sản phẩm nhựa. Công tác tuyên truyền bắt đầu từ những việc thiết thực, gần gũi nhất, như vận động chị em mang theo giỏ đựng và giỏ vải có thể tái sử dụng khi đi chợ. Trong mỗi gia đình có hai thùng rác để phân loại rác ngay từ đầu. Rác thải hữu cơ sẽ được tiêu hủy làm phân bón cho vườn rau, cây cảnh. Hiện nay những việc làm này đã dần được hội viên hưởng ứng và có sự lan tỏa dần”. Mô hình này hiện đang được Hội Phụ nữ huyện Đạ Tẻh nhân rộng ra trên địa bàn huyện.
 
Lan tỏa trong giới trẻ
 
Chống rác thải nhựa không phải “cuộc chiến” của riêng ai, mỗi đoàn thể tùy vào chức năng của mình đều có cách làm riêng phù hợp. Theo đó, Huyện đoàn Đạ Tẻh đã triển khai mô hình điểm đặt nhà rác thân thiện với môi trường tại xã Triệu Hải. Nhà rác do chính các bạn đoàn viên, thanh niên thiết kế. Mỗi nhà rác có 3 ngăn để chứa các loại rác khó phân hủy, rác tái chế và rác dễ phân hủy ngay từ đầu. Điều này góp phần phân loại rác ngay từ đầu, tạo nhiều thuận lợi cho việc xử lý. 
 
Anh Trần Thế Hoàng - Phó Bí thư Huyện đoàn Đạ Tẻh cho biết: “Sau thí điểm thành công tại xã Triệu Hải, Huyện đoàn tiếp tục thực hiện tại xã Quảng Trị và các xã khác. Tuy nhiên, nhà rác tại các địa phương sẽ không giống nhau mà có sự thay đổi linh hoạt phù hợp với điều kiện địa hình, tập quán sinh sống và thói quen sản xuất của người dân từng địa phương. Mô hình này hiện được các đoàn xã nhiệt tình ủng hộ và tích cực triển khai thực hiện”.
 
Việc chống rác thải nhựa không chỉ dừng lại ở sự vào cuộc của các đơn vị mà chính người dân cũng đã dần có những đổi thay tích cực. Bạn Nguyễn Trí Tuệ hiện là chủ của chuỗi gồm 4 cửa hàng cà phê, trà sữa mang tên 12A trên địa bàn thị trấn Đạ Tẻh. Để đảm bảo hoạt động cho chuỗi cửa hàng, mỗi tháng trung bình Tuệ phải nhập về khoảng 9.000 ống hút nhựa và hàng ngàn ly nhựa sử dụng một lần. Hưởng ứng phong trào chống rác thải nhựa, nhiều tháng nay Tuệ chuyển qua sử dụng ống hút bằng bột. Cũng với số lượng ống hút đó, mỗi tháng Tuệ phải chi thêm 5 triệu đồng vì giá thành ống hút cao hơn rất nhiều. “Sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường đang là xu hướng tích cực được nhiều bạn trẻ hướng đến. Nhiều nơi còn dùng ống hút từ tre, cỏ,… điều này sẽ mang lại lợi ích cho chính khách hàng và cả môi trường sống tự nhiên. Hiện nay chúng tôi đang tiếp tục nghiên cứu và đề xuất với đơn vị cung cấp để sản xuất ống hút làm từ bã mía. Ngoài việc đã chuyển hẳn từ ống hút nhựa sang ống hút bột, tới đây quán sẽ đổi toàn bộ ly nhựa dùng một lần sang ly giấy và sử dụng ly xách mang đi cũng từ giấy. Điều này đồng nghĩa với việc chi phí tiếp tục tăng nhưng sẽ góp phần lan tỏa việc sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường”, Nguyễn Trí Tuệ chia sẻ.
 
Việc thay đổi thói quen đã hằn sâu từ việc dùng các sản phẩm từ nhựa là điều không hề dễ. Nhưng bắt đầu từ những hành động nhỏ, thiết thực sẽ tạo sự lan tỏa lớn trong cộng đồng. Đó là tín hiệu vui trong “cuộc chiến” chống rác thải nhựa.
 
NGỌC NGÀ