Làm giàu không chỉ cho riêng mình

06:07, 31/07/2019

Từ nhiều năm nay người dân thôn Chi Rông B, xã Phú Hội, huyện Ðức Trọng luôn nể phục hai mẹ con gia đình  K'Niếu (SN 1978) và K'Nguyên (SN 1993). Bởi, với  gần 20 ha  sản xuất  ớt, cà chua, cà rốt, khoai lang… mang lại thu nhập cao cho gia đình và tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. 

Từ nhiều năm nay người dân thôn Chi Rông B, xã Phú Hội, huyện Ðức Trọng luôn nể phục hai mẹ con gia đình  K’Niếu (SN 1978) và K’Nguyên (SN 1993). Bởi, với  gần 20 ha  sản xuất  ớt, cà chua, cà rốt, khoai lang… mang lại thu nhập cao cho gia đình và tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. 
 
Hoạt động sản xuất nông nghiệp của gia đình K’Niếu là nơi tạo công ăn việc làm cho khoảng 40 lao động người đồng bào DTTS ở địa phương.
Hoạt động sản xuất nông nghiệp của gia đình K’Niếu là nơi tạo công ăn việc làm cho khoảng 40 lao động người đồng bào DTTS ở địa phương
 
Với nghị lực và quyết tâm vượt khó, dám nghĩ, dám làm, gia đình K’Niếu đã canh tác trên diện tích khá lớn, gần 20 ha mang lại thu nhập khoảng 3 tỷ đồng/năm. Đây là nguồn thu lớn ở địa phương mà đa phần người dân sinh sống dựa vào hoạt động sản xuất nông nghiệp như xã Phú Hội.
 
Chị K’Niếu tâm sự: Thời gian đầu thì khó khăn lắm, vốn liếng không được mấy đồng, chỉ có đất, mà đất ở đây lại đa phần là sỏi đá nên mình phải vừa làm vừa cải tạo chỉ với đôi tay mà hình thành những khoảng đất bằng phẳng để trồng trọt. Đến bây giờ mọi thứ đã ổn định, chị K’Niếu lại được sự giúp sức của cô con gái K’Nguyên nên công việc làm nông ngày càng mang lại thành công trong hoạt động sản xuất nông nghiệp. Chị K’Niếu thì có kinh nghiệm, quen biết với thương lái thu mua, các địa điểm sản xuất cây giống; còn cô con gái của chị là K’Nguyên thì có sức trẻ, tiếp thu nhanh với khoa học kỹ thuật, mạnh dạn hơn trong việc trồng loại cây gì để phù hợp với tình hình thị trường. 
 
Với việc sản xuất nông nghiệp trên quy mô gần 20 ha, gia đình chị K’Niếu đã gầy dựng nên một cơ ngơi khấm khá tại địa phương, căn nhà 3 tầng khang trang, sắm được nhiều vật dụng, phương tiện như xe cộ, máy móc để phục vụ sinh hoạt và hoạt động sản xuất cho gia đình. Không chỉ làm giàu cho bản thân, gia đình chị K’Niếu còn là nơi tạo công ăn việc làm cho khoảng 40 lao động địa phương, chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).
 
Chị K’Hương (40 tuổi) ở Thôn R’chai 1 là người thường xuyên làm việc tại gia đình K’Niếu, một ngày lao động chị được trả 200 nghìn đồng. Chị K’Hương cho biết, gia đình chị chỉ có 1 sào trồng ớt nên thời gian nông nhàn khá nhiều. Nếu như không có công việc thường xuyên tại gia đình K’Niếu thì chị phải đi làm thuê, làm mướn tại các địa phương khác, song công việc lại ngày có ngày không. Có được công việc lao động khá ổn định với mức thu nhập từ 5 triệu đồng đến 6 triệu đồng/tháng, đó là số tiền đủ để trang trải cho cuộc sống gia đình và con cái ăn học. 
 
Còn đối với chàng thanh niên K’Dưỡng (SN 1993) tại thôn Chi Rông B thì nông trại của gia đình K’Niếu đã tạo cho anh công việc khá ổn định với mức thu nhập 250 nghìn đồng/ngày. Hơn thế nữa, anh K’Dưỡng còn được gia đình K’Niếu giúp đỡ cây giống, phân bón, hướng dẫn cách thức trồng trọt và tìm đầu ra ổn định cho 2 sào của mình. K’Dưỡng tâm sự rằng, chính thời gian làm việc với gia đình K’Niếu đã giúp anh tiếp thêm nghị lực, phấn đấu vươn lên trong cuộc sống, vì phụ nữ chân yếu tay mềm còn làm được, huống gì mình thanh niên sức dài vai rộng.
 
Không chỉ tạo công ăn việc làm cho đồng bào DTTS gốc Tây Nguyên, nhiều chị em phụ nữ các dân tộc anh em khác cũng được gia đình K’Niếu nhận vào làm việc. Chị Hà Thị Ty (54 tuổi), theo làm cùng gia đình K’Niếu đến nay đã gần 13 năm. Chị Ty cho hay: Ở cái tuổi của tôi mà không có gia đình K’Niếu tạo công ăn việc làm, nếu ra ngoài xin việc cũng khó lắm, vì sức khỏe không còn được như xưa. Với lại công việc thu hoạch nông sản nó nhẹ nhàng hơn so với nhiều công việc khác. 
 
Trên mảnh đất ken dày sỏi đá, người con gái của chị K’Niếu là K’Nguyên vẫn chưa bằng lòng với cách làm dàn trải như của mình. K’Nguyên cho biết, mình đã đi nhiều địa phương trong huyện Đức Trọng, thậm chí nhảy xe lên Đà Lạt để xem nông dân trên đó họ sản xuất nông nghiệp, đầu tư nhà lưới, nhà kính, làm thủy canh ra sao để thời gian tới áp dụng cho thửa đất của mình. Có lẽ đây là một điều mới mẻ ở mảnh đất Chi Rông B, vì khi gia đình mình áp dụng được thì bà con xung quanh họ sẽ làm theo. Đối với họ thu nhập của 1 sào trồng ớt không là bao nhiêu nhưng đầu tư được nhà lưới, nhà kính để sản xuất thì 1 sào thôi cũng mang lại thu nhập đáng kể cho nhiều hộ dân đồng bào DTTS nơi đây. 
 
Ông Ha Noan Tham My - Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Hội cho biết, gia đình chị K’Niếu là một tấm gương sáng trong lao động sản xuất tại địa phương. Không chỉ làm giàu cho bản thân mà gia đình còn tạo cho người dân vùng đồng bào DTTS có công ăn việc làm ổn định, giúp nhiều hộ dân thoát nghèo bằng cách giúp đỡ về cây giống, phân bón, tìm đầu ra cho nông sản.
 
ÐỨC TÚ