Nông dân Ðạ Tẻh biến rác thành tiền

06:07, 15/07/2019

Những người nông dân làm quen với phân loại rác, nhặt từng vỏ lon, chai nhựa để đổi thành tiền. Vừa giữ gìn môi trường, vừa có thêm kinh phí giúp chi hội nông dân hoạt động hiệu quả hơn là mục tiêu của phong trào "Biến rác thành tiền" của Hội Nông dân  huyện Ðạ Tẻh. Và, từ điểm sáng đầu tiên, phong trào đang lan rộng ra toàn vùng đất mới.

Những người nông dân làm quen với phân loại rác, nhặt từng vỏ lon, chai nhựa để đổi thành tiền. Vừa giữ gìn môi trường, vừa có thêm kinh phí giúp chi hội nông dân hoạt động hiệu quả hơn là mục tiêu của phong trào “Biến rác thành tiền” của Hội Nông dân  huyện Ðạ Tẻh. Và, từ điểm sáng đầu tiên, phong trào đang lan rộng ra toàn vùng đất mới.
 
Ông Vũ Viết Thưởng nhận số tiền vay 4,3 triệu đồng từ tiền bán rác thải thu gom của chi hội Xuân Thành. Ảnh: D.Q
Ông Vũ Viết Thưởng nhận số tiền vay 4,3 triệu đồng từ tiền bán rác thải thu gom của chi hội Xuân Thành. Ảnh: D.Q
 
Ông Vũ Viết Thưởng, nông dân thuộc chi hội thôn Xuân Thành, xã Đạ Pal, huyện Đạ Tẻh vừa nhận được số tiền vay 4,3 triệu đồng. Số tiền không lớn nhưng rất đặc biệt bởi nó có được từ việc thu gom rác thải tái chế của Chi hội Nông dân thôn Xuân Thành. Trên 80 hội viên của mô hình “Biến rác thành tiền” đã nhặt và lưu trữ chai lọ, vỏ lon… các loại và đúng ngày họp chi hội định kỳ, số vật liệu tái chế được bán thành tiền, thêm một nguồn hoạt động của chi hội nông dân thôn. Ông Thưởng cho biết, ông sẽ dùng số tiền vay để mua một ít con giống như gà, vịt về chăn nuôi, cải thiện thu nhập cho gia đình. Và tới khi thu được tiền bán gia cầm, ông Thưởng sẽ trả lại chi hội số tiền để quay vòng cho hội viên khác mượn.
 
Không chỉ có chi hội thôn Xuân Thành, hiện hai chi hội khác cùng xã là chi hội Xuân Châu và chi hội Tôn K’Long cũng đã thành lập mô hình “Biến rác thành tiền”, bà Đinh Thị Nhiễu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đạ Pal cho biết. Bà Nhiễu chia sẻ, thực hiện kế hoạch của Hội Nông dân huyện, nông dân Đạ Pal thành lập mô hình điểm của phong trào “Biến rác thành tiền” tại chi hội thôn Xuân Thành. Chi hội nhắc nhở hội viên nhặt nhạnh chai lọ, những vật dụng có thể tái chế xếp gọn lại, tới ngày họp chi hội mang ra cân bán. Số tiền thu được chi hội tự quyết định sẽ sử dụng ra sao tùy vào nhu cầu, có thể là cho hội viên mượn không lãi, có thể dùng để khen thưởng con em hội viên học giỏi… Bà Nhiễu rất mừng cho biết, hội viên nông dân hưởng ứng rất tích cực, thu gom được rất nhiều chai lọ, vật liệu tái chế. Từ mô hình điểm ban đầu, hiện đã có thêm 2 thôn tham gia thu gom rác thải. Bà Nhiễu tâm sự, Đạ Pal là vùng dâu tằm của Đạ Tẻh, vấn đề môi trường rất được chú trọng vì ô nhiễm sẽ khiến vườn dâu bị ảnh hưởng, tằm chết. Vì vậy, việc vận động nông dân thu gom rác thải tái chế đồng thời tạo thêm cho bà con ý thức về phân loại rác thải ngay từ nguồn để bảo vệ môi trường. Rác nào tiêu hủy được thì bà con chôn lấp như rác thải rau, giấy; rác thải tái chế thì thu gom để bán gây quỹ; bao bì thuốc bảo vệ thực vật nguy hiểm thì thu gom, bỏ vào bể xây theo quy định để ngành tài nguyên môi trường xử lý theo đúng quy định.
 
Ông Hoàng Hồng Giang, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Đạ Tẻh cho biết, Đạ Tẻh đã duy trì từ lâu phong trào thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật. Nay nông dân huyện đề ra phong trào “Biến rác thành tiền” với mục tiêu nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho hội viên, tạo thói quen phân loại rác thải cho cư dân. Phân loại rác thải vừa tiết kiệm, bảo vệ môi trường, vừa có thêm nguồn thu cho các chi hội hoạt động. Ban đầu, huyện chọn Đạ Pal làm điểm bởi đây là vùng trồng dâu nuôi tằm, bà con có ý thức giữ gìn môi trường khá tốt vì cây dâu con tằm cần môi trường an toàn. Từ thành công của Đạ Pal, phong trào lan sang các xã Quốc Oai, An Nhơn, Đạ Kho, những xã vùng lúa, vùng cây trồng khác của Đạ Tẻh. Mỗi chi hội thành lập một mô hình, nhắc nhau cùng ý thức phân loại rác thải, chôn lấp rác dễ phân hủy và thu gom vật liệu có thể tái chế. Với mỗi hộ, số tiền từ bán vỏ lon, vỏ chai có thể không lớn nhưng với hàng trăm hộ, số thu có thể coi như nguồn quỹ nhỏ, làm phong phú thêm cho hoạt động của hội. Và cũng từ hành động thu gom rác thải của nông dân, bà con ý thức hơn về việc giữ gìn môi trường nông thôn, tiêu chí thứ 17 trong xây dựng nông thôn mới, xây dựng một nông thôn xanh, sạch, bền vững.
 
DIỆP QUỲNH