Trải qua 20 năm hình thành, xây dựng và phát triển, xã Tân Nghĩa, huyện Di Linh đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, văn hóa, giáo dục, y tế, quốc phòng - an ninh và công tác xây dựng Ðảng, xây dựng hệ thống chính trị...
Trải qua 20 năm hình thành, xây dựng và phát triển, xã Tân Nghĩa, huyện Di Linh đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, văn hóa, giáo dục, y tế, quốc phòng - an ninh và công tác xây dựng Ðảng, xây dựng hệ thống chính trị... Ðó là kết quả của sự nỗ lực trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ðảng bộ, chính quyền, sự phối hợp của Mặt trận và các đoàn thể cùng sự đoàn kết, đồng thuận của Nhân dân xã Tân Nghĩa.
|
Trong những năm qua, công tác giảm nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số luôn được xã Tân Nghĩa quan tâm, hỗ trợ. Ảnh: T.Chu |
Những kết quả đạt được
Tại Quyết định số 38 - QĐ/CP ngày 18/6/1999 của Chính phủ, xã Tân Nghĩa được thành lập trên cơ sở một số thôn (Đồng Lạc, Đồng Đò, K’Brạ, Tân Nghĩa) thuộc xã Đinh Lạc và một số thôn kinh tế mới thuộc Nông trường Dâu tằm tơ Lộc Châu. “Thời kỳ mới thành lập, xã Tân Nghĩa đối mặt với rất nhiều khó khăn, thiếu thốn về điều kiện cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống giao thông hầu như chưa được đầu tư. Đường sá chủ yếu là đường đất, đường đá cấp phối nên việc đi lại của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Tương ứng với những thiếu thốn về cơ sở hạ tầng kinh tế, đời sống vật chất và đời sống tinh thần của người dân thiếu sự phát triển đồng bộ, chưa có tính bền vững”, ông Trần Xuân Oánh, Bí thư Đảng ủy xã Tân Nghĩa nhớ lại.
Theo ông Trần Xuân Oánh, tháo gỡ những khó khăn nói trên, Đảng bộ, chính quyền xã Tân Nghĩa bên cạnh việc quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, còn tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tích cực sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, bằng cách tăng cường chuyển dịch cơ cấu vật nuôi - cây trồng phù hợp với điều kiện địa phương; đồng thời, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi để nâng cao giá trị kinh tế. Cụ thể, 20 năm qua, nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông ở xã Tân Nghĩa gần 200 triệu đồng. Hiện tại, ở xã Tân Nghĩa có hơn 75% đường liên xã, liên thôn được nhựa hóa và khoảng 75% đường liên xóm được bê tông hóa, đáp ứng cơ bản nhu cầu đi lại của người dân. Ngoài ra, hệ thống thủy lợi cũng được xã Tân Nghĩa quan tâm đầu tư, đảm bảo cho 80% diện tích cây trồng trên địa bàn chủ động được việc tưới tiêu. Cũng nhờ chú trọng đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng - vật nuôi đúng hướng, chỉ tính riêng trong năm 2018, tổng giá trị ngành nông nghiệp xã Tân Nghĩa đạt 285 tỷ đồng. Thu ngân sách Nhà nước năm 2018 của xã Tân Nghĩa đạt trên 3,7 tỷ đồng, tăng 18 lần so với năm 1999, lúc xã mới thành lập. Tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm đạt 12 - 15%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đạt 35 triệu đồng/năm, tăng 15 lần so với năm 1999. Năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo của xã Tân Nghĩa giảm còn 5,29%.
Cũng theo ông Trần Xuân Oánh, Bí thư Đảng ủy xã Tân Nghĩa, qua chặng đường 20 năm hình thành và phát triển, các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội của xã Tân Nghĩa có sự phát triển đáng mừng, quốc phòng - an ninh được giữ vững, ổn định. Năm học 2018 - 2019, xã Tân Nghĩa có 19 giáo viên giỏi cấp huyện, 13 học sinh giỏi cấp tỉnh và huyện. Hiện, trong tổng số 4 trường học trên địa bàn, đã có 2 trường được công nhận trường đạt chuẩn Quốc gia. Trạm Y tế xã Tân Nghĩa luôn làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho Nhân dân, cũng như làm tốt công tác y tế dự phòng, không để dịch bệnh lớn xảy ra. “Năm 1999, xã Tân Nghĩa chưa có thôn được công nhận Thôn Văn hóa, thì đến nay 100% thôn đều được công nhận Thôn Văn hóa. Tỷ lệ gia đình đạt Gia đình văn hóa ở xã Tân Nghĩa đạt trên 90%”, ông Trần Xuân Oánh cho biết.
Phấn đấu trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu của huyện Di Linh
Có được những thành tựu rất đáng khích lệ về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh trong suốt 20 năm qua, không thể không nhắc đến vai trò của cấp ủy, chính quyền xã Tân Nghĩa. Từ chỗ chỉ có 5 chi bộ, 37 đảng viên (năm 1999), đến nay, Đảng bộ xã Tân Nghĩa đã có 15 chi bộ, 139 đảng viên. “Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị luôn được Đảng bộ xã Tân Nghĩa quan tâm, phát triển cả về lượng và chất. Đảng bộ xã Tân Nghĩa nhiều năm liền được công nhận Đảng bộ trong sạch vững mạnh, không có chi bộ yếu kém. Năm 2018, xã Tân Nghĩa được UBND tỉnh Lâm Đồng tặng Cờ thi đua. Mặt trận Tổ quốc xã Tân Nghĩa và các tổ chức thành viên nhiều năm liền được cấp trên khen thưởng vì có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua”, Bí thư Đảng ủy xã Tân Nghĩa, ông Trần Xuân Oánh cho hay.
Tuy nhiên, ông Trần Xuân Oánh cũng thẳng thắn nhìn nhận, Tân Nghĩa vẫn là một xã thuần nông. Nền kinh tế vẫn chủ yếu dựa vào cây cà phê. Các lĩnh lực công nghiệp, thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ... vẫn còn kém phát triển. Thu nhập bình quân đầu người chưa đạt mức bình quân chung của huyện... Do vậy, Đảng bộ xã Tân Nghĩa đã đề ra những mục tiêu cụ thể cho những năm tới, nhằm cụ thể hóa các mục tiêu Đại hội IV của Đảng bộ xã Tân Nghĩa. Theo đó, xã Tân Nghĩa tiếp tục tăng cường công tác khuyến nông, chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi phù hợp theo hướng sản xuất hàng hóa; đồng thời, vận động người dân tận dụng quỹ đất, chuyển đổi một số diện tích đất trồng lúa thường xuyên thiếu nước sang trồng các loại cây rau màu ngắn ngày có hiệu quả kinh tế cao hơn, cũng như tìm kiếm những ngành nghề phát triển kinh tế mới: nuôi trồng thủy sản, trồng dâu nuôi tằm... Bên cạnh đó, Tân Nghĩa còn chú trọng ưu tiên cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số tín chấp vay vốn ngân hàng để phát triển kinh tế gia đình, đẩy nhanh công tác giảm nghèo bền vững. “Thời gian tới, Tân Nghĩa cần đẩy nhanh tiến trình áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, để tăng giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích. Ngoài ra, xã cần tranh thủ các nguồn lực bên ngoài, kết hợp với nguồn lực tại chỗ của địa phương để tiếp tục đầu tư, nâng cấp, cải tạo công trình hạ tầng kỹ thuật, tạo mọi điều kiện tốt nhất để nâng cao các tiêu chí nông thôn mới, phấn đấu đưa Tân Nghĩa trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu của huyện Di Linh”, ông Nguyễn Canh, Bí thư Huyện ủy Di Linh kết luận.
TRỊNH CHU