Tổng quan từ kết quả sơ bộ tổng điều tra dân số và nhà ở

07:07, 26/07/2019

Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 vào thời điểm 0 giờ ngày 1/4/2019 vừa mới công bố kết quả sơ bộ dân số Việt Nam đã vượt mốc 96 triệu người, đông dân thứ ba Ðông Nam Á và đứng thứ 15 trên thế giới...

Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 vào thời điểm 0 giờ ngày 1/4/2019 vừa mới công bố kết quả sơ bộ dân số Việt Nam đã vượt mốc 96 triệu người, đông dân thứ ba Ðông Nam Á và đứng thứ 15 trên thế giới. Mục tiêu quy mô dân số đến 2020 không vượt quá 98 triệu người theo Chiến lược Dân số và sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 hoàn toàn có thể đạt được.
 
Lâm Đồng còn 6,9% hộ có nhà ở thiếu kiên cố và đơn sơ (Trong ảnh: Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo - Người tàn tật và Trẻ mồ côi Lâm Đồng vừa khánh thành và bàn giao 2 căn nhà tình thương cho hai gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại Phường 7 và Phường 11 - TP Đà Lạt). Ảnh: A.N
Lâm Đồng còn 6,9% hộ có nhà ở thiếu kiên cố và đơn sơ (Trong ảnh: Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo - Người tàn tật và Trẻ mồ côi Lâm Đồng vừa khánh thành và bàn giao 2 căn nhà tình thương cho hai gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại Phường 7 và Phường 11 - TP Đà Lạt). Ảnh: A.N
 
Quy mô dân số giảm nhẹ, mật độ dân số cao
 
Tổng điều tra dân số và nhà ở là một trong 3 cuộc tổng điều tra quốc gia được quy định trong Luật Thống kê. Tuy nhiên, với kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, Việt Nam cần nhiều nỗ lực và giải pháp hiệu quả trong tiến trình đô thị hóa để phấn đấu đạt được mục tiêu tỷ lệ dân số đô thị đạt trên 45% vào năm 2030 theo Nghị quyết số 21-NQ/TW của Trung ương về công tác dân số trong tình hình mới.
 
Trong số 96 triệu dân, nam giới chiếm 59,8% và nữ giới chiếm 50,2%, Việt Nam là quốc gia đông dân thứ ba Đông Nam Á, sau Indonesia và Philippine. So với 10 năm trước, vị trí xếp hạng về quy mô dân số Việt Nam trong khu vực không thay đổi và giảm 2 bậc so với dân số thế giới. Sau 10 năm, quy mô dân số nước ta tăng thêm 10,4 triệu người, tỉ lệ tăng dân số bình quân năm của cả giai đoạn 2009-2019 là 1,14%/năm, giảm nhẹ so với 10 năm trước (tỉ lệ tăng dân số bình quân năm giai đoạn 1999-2009 là 1,18%/năm).
 
Việt Nam thuộc quốc gia đông dân có mật độ dân số cao so với các nước trong khu vực và thế giới. Từ cuộc Tổng điều tra dân số năm 2019 cho thấy, mật độ dân số nước ta là 290 người/km 2, tăng 31 người/km 2 so với năm 2009. Với kết quả này, Việt Nam là quốc gia có mật độ dân số đứng thứ ba trong khu vực Đông Nam Á, sau Singapore (7.795 người/km 2) và Philippine (350 người/km 2).
 
Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ là hai vùng có mật độ dân số cao nhất toàn quốc, tương ứng có 1.060 người/km 2 và 757 người/km 2. Đây là vùng bao gồm 2 địa phương đông dân nhất cả nước, trong đó Hà Nội đạt 8 triệu dân với mật độ dân số 2.398 người/km 2 và TP HCM gần 9 triệu dân có mật độ dân số cao nhất nước 4.363 người/km 2.
 
Các vùng Trung du và miền núi phía Bắc, Tây Nguyên có mật độ dân số thấp nhất, tương ứng 123 người/km 2 và 107 người/km 2.
 
Phân bố dân cư khu vực thành thị chiếm 34,4% tổng dân số, ở nông thôn chiếm 65,6% dân số. Sau 10 năm, tỉ lệ dân số khu vực thành thị tăng 4,8 điểm phần trăm. Tỉ lệ tăng dân số bình quân hàng năm ở khu vực thành thị giai đoạn 2009-2019 là 2,62%/năm, cao hơn gần 6 lần so với tỉ lệ tăng dân số bình quân năm khu vực nông thôn giai đoạn này (0,44%/năm). Mặc dù tốc độ đô thị hóa tăng nhanh nhưng tỉ lệ dân số sống ở khu vực thành thị của nước ta năm 2019 vẫn đang ở mức thấp trong khu vực Đông Nam Á. 
 
Diện tích nhà ở bình quân đầu người tăng đáng kể
 
Qua tổng điều tra về nhà ở năm 2019, đa số các hộ dân cư tại Việt Nam đang sống trong nhà kiên cố và bán kiên cố chiếm 93,1%, tỉ lệ này khu vực thành thị cao hơn so với nông thôn, cao nhất được ghi nhận là ở vùng Đồng bằng sông Hồng và thấp nhất là vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, vẫn còn 6,9% hộ dân cư đang sống trong nhà thiếu kiên cố hoặc đơn sơ, đặc biệt có khoảng 1,4 triệu hộ với 5 triệu người đang sống trong những ngôi nhà đơn sơ. Cả nước còn trên 4.800 hộ không có nhà ở. Trung bình cứ 10.000 hộ dân cư thì có khoảng 1,8 hộ không có nhà ở. Mặc dù chỉ tiêu này đang dần được cải thiện trong hai thập kỷ qua, từ mức 6,7 hộ/10.000 hộ vào năm 1999 xuống còn 4,7 hộ/10.000 hộ năm 2009 và đến nay còn 1,8 hộ/10.000 hộ không có nhà ở. Các chương trình, dự án về phát triển nhà ở cho người có thu nhập thấp, giải quyết nhà ở cho công nhân và các chương trình phát triển nhà khác ở khu vực đô thị đã góp phần làm giảm tỉ lệ hộ không có nhà ở khu vực thành thị trong 10 năm qua. Tại khu vực thành thị, tỉ lệ hộ không có nhà ở giảm từ mức 6,9 hộ/10.000 hộ năm 2009 xuống còn 1,7 hộ/10.000 hộ năm 2019. Đặc biệt, khu vực Tây Nguyên và vùng Trung du và miền núi phía Bắc có tỉ lệ hộ không có nhà ở thấp nhất cả nước, tương ứng là 0,2 và 0,7 hộ/10.000 hộ. 
 
Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đặt ra mục tiêu đến năm 2020 diện tích nhà ở bình quân toàn quốc đạt khoảng 25 m 2 sàn/người, trong đó tại đô thị đạt 26 m 2/người và nông thôn 19 m 2 sàn/người, phấn đấu đạt chỉ tiêu diện tích nhà ở tối thiểu 6 m 2 sàn/người. Kết quả tổng điều tra năm 2019 cho thấy, diện tích nhà ở bình quân đầu người năm 2019 là 23,5 m 2 sàn/người, trong đó vùng thành thị đạt 24,9 m 2 sàn/người và nông thôn 22,7 m 2 sàn/người. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận dân cư sống trong các ngôi nhà chật hẹp, với khoảng 690.000 hộ dân cư tương ứng 3,2 triệu người đang sống trong điều kiện nhà ở có diện tích bình quân dưới 6 m2 sàn/người.
 
Trong 10 năm qua, điều kiện nhà ở của các hộ dân cư đã được cải thiện rõ rệt, đặc biệt ở khu vực thành thị. Hầu hết các hộ dân cư đều có nhà ở và chủ yếu sống trong các loại nhà kiên cố và bán kiên cố, diện tích nhà ở bình quân đầu người tăng đáng kể, sát với mục tiêu Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận không nhỏ hộ dân cư đang sống trong ngôi nhà thiếu kiên cố, đơn sơ hoặc nhà ở có diện tích bình quân dưới 6 m2/người. Đây là những đối tượng cần được quan tâm trong các chính sách cải thiện nhà ở dân cư trong thời gian tới. 
 
AN NHIÊN