Trao "cần câu" cho người nghèo

06:07, 30/07/2019

Với tinh thần "trao cần câu thay vì cho con cá", thay vì những phần quà bằng tiền như trước giờ vẫn làm, từ Tết Vì người nghèo năm 2019, Hội Chữ thập đỏ huyện Di Linh đã hỗ trợ người nghèo những cặp dê sinh sản với mong muốn tạo hiệu quả lâu dài cho người dân.

Với tinh thần “trao cần câu thay vì cho con cá”, thay vì những phần quà bằng tiền như trước giờ vẫn làm, từ Tết Vì người nghèo năm 2019, Hội Chữ thập đỏ (CTÐ) huyện Di Linh đã hỗ trợ người nghèo những cặp dê sinh sản với mong muốn tạo hiệu quả lâu dài cho người dân.
 
Những cặp dê sinh sản được xem là “cần câu” mà Hội CTĐ huyện Di Linh trao cho người nghèo
Những cặp dê sinh sản được xem là “cần câu” mà Hội CTĐ huyện Di Linh trao cho người nghèo
 
Từ 6 tháng nay, trong khoảnh vườn nhỏ của gia đình ông Đoàn Văn Trưởng (thôn Phú Hiệp 3, xã Gia Hiệp) có thêm một chuồng nhỏ cho 2 con dê ông được nhận từ hồi đầu năm. Ngoài những việc làm quen thuộc hàng ngày, nay mỗi buổi chiều, ông lại đi quanh nhà kiếm lá, kiếm thân chuối để làm thức ăn cho dê. Tuổi già sức yếu, hai ông bà cùng sống trong ngôi nhà nhỏ, con cái lập gia đình rồi ở riêng, sức khỏe không cho phép làm những việc nặng, nên giờ đây, việc chăm sóc và nhìn 2 con dê lớn lên từng ngày, đợi những lứa dê tiếp theo ra đời cũng là niềm vui ở tuổi hơn 80 của vợ chồng ông Trưởng. 
 
Cùng với ông Trưởng, còn có 8 gia đình khác cũng là hộ nghèo của huyện Di Linh nhận được niềm vui này trong đợt Tết Vì người nghèo năm 2019. Theo ông Đỗ Hồng Minh - Chủ tịch Hội CTĐ huyện Di Linh, có nhiều lý do để Hội CTĐ huyện lựa chọn dê để hỗ trợ cho người nghèo. Ngoài những đặc tính riêng của dê như dễ nuôi, ít bệnh tật và phù hợp với khả năng cũng như điều kiện của người nghèo, người nuôi còn có thể tận dụng đất trồng cỏ và tận dụng các nguồn lá xung quanh nhà, xung quanh vườn để làm thức ăn cho dê. Bên cạnh đó, Di Linh có nhiều trang trại dê giống ngay trên địa bàn huyện, nên Hội CTĐ sẽ giảm được những lo lắng về nguy cơ rủi ro mua phải giống kém chất lượng. Ngoài ra, các hộ được nhận dê cũng sẽ được nhà cung cấp giống hướng dẫn chăm sóc và phòng chống dịch bệnh cho dê. “Nếu so với bò sữa hay bò vàng thì nguồn vốn đầu tư ban đầu cho dê không lớn, kích thước con giống lại nhỏ gọn, dễ vận chuyển, dễ trao nhận” - ông Minh cho biết.
 
Lần đầu tiên trao những cặp dê với tổng số tiền hơn 40 triệu đồng cho 9 hộ gia đình, ông Minh cảm nhận được niềm vui mà những người nghèo nhận được lần này lớn hơn rất nhiều so với những lần nhận quà, nhận gạo hay tiền trước đó. Bởi họ có cái để mà hy vọng, để tin tưởng hơn vào những ngày sắp đến và tin tưởng hơn vào chính bản thân mình. Qua 6 tháng, từ 9 cặp dê sinh sản ban đầu nay đã được nhân lên thành 14 cặp, nhiều nhà đã kiếm được số tiền đầu tiên từ việc bán những con dê con lứa đầu.
 
Không giấu vẻ phấn khởi khi dẫn chúng tôi thăm những cặp dê được nuôi, cô Nguyễn Thị Thiết - Chủ tịch Hội CTĐ xã Gia Hiệp chia sẻ rằng: Do nhu cầu thị trường ổn định, giá thành cao, ít gặp rủi ro và mang lại giá trị kinh tế cao nên ngày càng nhiều người ở huyện Di Linh nuôi dê. Nhiều hộ nghèo cũng muốn nuôi, muốn vươn lên thoát nghèo và làm kinh tế nhưng không có vốn để mua con giống. Chính vì vậy, việc trao dê giống của Hội CTĐ huyện giống như việc “nối dài” cánh tay cho bà con, giúp họ có ý chí vươn lên và xóa bỏ tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ lâu dài của Nhà nước. 
 
Để có dê giống trao cho 9 hộ nghèo trong đợt đầu tiên, Hội CTĐ huyện Di Linh đã sử dụng nguồn quỹ hỗ trợ nhân đạo được cấp trên phân bổ. Ông Đỗ Hồng Minh cho biết, trong thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này xuống các Hội cơ sở, trong đó việc làm đầu tiên trong năm 2019 là vận động cán bộ, hội viên các cấp đóng góp mỗi người 10 nghìn đồng/năm để tạo thêm nguồn quỹ.
 
Theo ông Đỗ Hoàng Tuấn - Chủ tịch Hội CTĐ tỉnh, tinh thần “trao cần câu thay vì cho con cá” cũng là tinh thần chung của Hội CTĐ tỉnh trong những năm vừa qua. Ngoài hình thức trao dê giống như Hội CTĐ huyện Di Linh đang làm, Hội CTĐ tỉnh và các huyện khác cũng đã thực hiện các mô hình khác như xây sửa hệ thống ống dẫn nước và bể chứa nước, hay xây sân phơi xi măng cho người dân vùng sâu vùng xa,... Những mô hình này đều nhằm mục đích giúp người nghèo tự lực thoát nghèo, mạnh dạn vươn lên trong cuộc sống để có thể giảm nghèo bền vững, lâu dài.
 
VIỆT QUỲNH