Nếu tình cờ gặp anh Phan Xuân Bá ở đâu đó mà chưa được giới thiệu về nghề nghiệp, chắc nhiều người sẽ đoán anh là một nghệ sỹ...
Nếu tình cờ gặp anh Phan Xuân Bá ở đâu đó mà chưa được giới thiệu về nghề nghiệp, chắc nhiều người sẽ đoán anh là một nghệ sỹ. Ít ai ngờ, một người thư sinh, trắng trẻo với mái tóc bồng bềnh nghệ sỹ ấy lại là giám đốc một công ty về xây dựng cầu đường ở nông thôn.
|
Anh Bá cùng với vợ. Hai vợ chồng được người dân đặc biệt quí mến vì những hỗ trợ không vụ lợi trong quá trình tham gia nhận thầu các công trình đường giao thông nông thôn. Ảnh: N.Thi |
Chúng tôi đến gặp anh vào đầu giờ chiều tại căn nhà riêng khang trang, đẹp mắt có những cây hoa màu đỏ đang nở rực rỡ dưới cái nắng hè gay gắt ở thôn Tiến Thắng, xã Gia Viễn, huyện Cát Tiên khi anh vừa mới đi dự đám cưới của gia đình người quen ở Đạ Tẻh trở về.
Câu chuyện của chúng tôi bắt đầu xung quanh cuộc sống ở nông thôn, sự đổi thay trong thời gian gần đây khi Nhà nước bắt đầu phát động phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM). Anh Bá tâm sự: “Hơn ai hết, trải qua một quá trình dài cùng gia đình “vật lộn” để mưu sinh, lập nghiệp từ Đạ Tẻh đến các thôn, buôn xa xôi của đồng bào ở Cát Tiên và bây giờ định cư tại đây, bản thân tôi thấu hiểu những khó khăn, cực khổ của người dân nông thôn hơn ai hết. Chính vì vậy, từ năm 2010, khi có điều kiện tham gia vào công cuộc xây dựng NTM ở địa phương, tôi luôn đặt ra cho bản thân phương thức làm việc vì sự phát triển của vùng nông thôn”.
Sinh năm 1976, trong một gia đình nông thôn có cuộc sống nghèo khổ, 6 tuổi, Phan Xuân Bá trốn gia đình theo các anh trai rời vùng quê nghèo ở Quảng Trị vào Đạ Tẻh khai hoang lập nghiệp. Cuộc sống ở vùng kinh tế mới khi ấy vô vàn những khó khăn về vật chất lẫn tinh thần nhưng tới tận bây giờ theo anh đánh giá “vẫn còn sướng hơn ở quê” vì nếu chịu khó thì còn có đất để trồng trọt và gầy dựng cuộc sống. Ở vùng kinh tế mới nên mãi 8 tuổi anh mới bắt đầu được đi học, 17 tuổi mới hết lớp 9. Dù học khá giỏi, đặc biệt là môn văn và từng đại diện cho trường đi thi học sinh giỏi văn nhưng do khó khăn trong cuộc sống, gia đình ở khá xa trung tâm trong điều kiện giao thông cách trở nên anh đành gác bút, quyết định không học tiếp cấp 3 mà bắt đầu cuộc sống mưu sinh với đủ mọi công việc, từ làm rẫy đến buôn bán nhỏ lẻ. “Thời gian đầu, tôi vào buôn cùng làm nương, làm rẫy, trồng trọt với đồng bào từ Đạ Tẻh rồi lại lăn lộn xuống tận Cát Tiên nên thấu hiểu hết những khó khăn, vất vả của người nông dân cũng như hạn chế của bà con dân tộc thiểu số. Đó cũng là lý do mà đến nay, khi đời sống gia đình đã khá giả hơn, công ty tôi tham gia vào công cuộc xây dựng NTM, cụ thể là tham gia vào quá trình làm đường giao thông nông thôn, tôi cùng với vợ không hề đặt nặng yêu cầu về lợi nhuận khi làm công việc này”, anh Bá chia sẻ
Quả thật, ít có một công ty nào trong quá trình nhận thầu lại bỏ qua yếu tố lợi nhuận, lại còn sẵn sàng bỏ thêm chi phí lên đến hàng trăm triệu đồng để làm đường sớm, chất lượng phục vụ bà con...
Đặc biệt đối với những hộ gia đình người dân tộc thiểu số nghèo, anh luôn tạo điều kiện hỗ trợ và giúp họ san gạt đất để làm chuồng bò, đổ thêm xe đất để nâng sân, nâng nền nhà hay làm đường vào nhà... Chính vì cách làm việc đầy tính nhân văn, đầy tình yêu thương chia sẻ ấy mà anh luôn được người dân trong vùng thương quý và trân trọng. Bà con dân tộc thiểu số còn đặt cho anh cái tên là K’Bá.
Tôi thắc mắc hỏi anh, làm kinh doanh mà không quan tâm đến lợi nhuận như vậy thì gia đình anh sống nhờ vào nguồn thu nào. Anh cười bảo, thực ra bây giờ dân cầu đường ngại làm đường giao thông nông thôn lắm, họ ít chịu làm vì lời không bao nhiêu mà thủ tục thuế má lại khá khó khăn. Tôi và vợ không đặt nặng mục tiêu kiếm lời bằng công việc này mà coi nó như cách để trả ơn, trả nghĩa với mảnh đất đã nuôi và tạo điều kiện cho chúng tôi sống thoải mái như ngày hôm nay, chính vì vậy nên vợ chồng tôi làm nhiều nghề lắm, cái gì cũng làm miễn không phải là việc xấu. Theo tìm hiểu của tôi thì ngoài lĩnh vực xây dựng cầu đường, anh cùng với vợ là chị Trần Thị Kim Hòa còn kinh doanh xăng dầu và cũng là những nông dân thứ thiệt khi đang canh tác điều với diện tích lên đến 6 ha. Chính vì vậy, gia đình anh chị hiện có cuộc sống khá sung túc. 4 con cũng đều đã lớn, đứa út năm nay đang học lớp 12. Công ty TNHH Phan Trần Quốc Đạt của anh chị hiện mỗi năm tạo công ăn việc làm cho hàng trăm công nhân tại chỗ và là công ty có nhiều đóng góp cho địa phương, được chính quyền và người dân ghi nhận, đánh giá cao, đặc biệt trong lĩnh vực tham gia xây dựng NTM.
NGUYÊN THI