Ðan những niềm riêng

05:08, 15/08/2019

Có thể nói, thời buổi của bao bì ni lông, vật dụng làm bằng nhựa đã tràn vào tận những nơi xa xôi, hẻo lánh. Nhưng ở đâu đó trên mảnh đất Lâm Ðồng này vẫn còn những con người cố công lưu truyền nghề truyền thống, đan những chiếc gùi xinh đẹp để bà con đi chợ, đi rừng...

Có thể nói, thời buổi của bao bì ni lông, vật dụng làm bằng nhựa đã tràn vào tận những nơi xa xôi, hẻo lánh. Nhưng ở đâu đó trên mảnh đất Lâm Ðồng này vẫn còn những con người cố công lưu truyền nghề truyền thống, đan những chiếc gùi xinh đẹp để bà con đi chợ, đi rừng...
 
Từng thanh tre, sợi mây là chừng ấy nỗi niềm riêng của ông Liêng JRong Hai Lông khi mình lẻ loi với nghề. Ảnh: Đ.T
Từng thanh tre, sợi mây là chừng ấy nỗi niềm riêng của ông Liêng JRong Hai Lông khi mình lẻ loi với nghề. Ảnh: Đ.T
 
Đó là ông Liêng JRong Hai Lông (thôn Lán Tranh, xã Đưng K’Nớ, huyện Lạc Dương) năm nay 55 tuổi. Hạt nắng của núi đã “nhuộm” khuôn mặt ông đậm màu thời gian, gió của rừng “chuốt” từng góc cạnh. Nhưng, cũng chính nắng gió, thời gian đã “nhuộm” cho đôi tay ông thêm điêu luyện với nghề đan gùi truyền thống.
 
“Vào nghề ư? Lâu lắm rồi, khi 7, 8 tuổi gì đó đã theo cha mẹ làm nghề này rồi. Hồi đó, vùng này nhiều người đan gùi lắm, hầu như nhà nào cũng có người làm, họ làm để phục vụ cho nhu cầu của chính bản thân họ. Đi chợ này, đi nương rẫy này, hễ có thứ gì cứ cho vào đó rồi cõng trên vai. Nhưng giờ thì ít lắm rồi, cả thôn này được 2, 3 người làm chứ mấy”, ông Liêng JRong Hai Lông nói rồi lặng lẽ lia ánh mắt về phía núi rừng cao vời vợi. 
 
Từ ngoài sân, tiếng xe máy dứt ga, cậu con rể ông xách một bó lỉnh kỉnh toàn bao bị, nghe đâu mới đi chợ về. Toàn những chiếc túi bóng loáng, treo lủng lẳng trên xe. Ông thở dài, có lẽ một thời đại mới đã tạo ra sự khác biệt giữa hai thế hệ là rất rõ ràng.
 
Nói về nghề đan gùi, ông Liêng JRong Hai Lông như bừng tỉnh, ông tỉ mỉ kể từng công đoạn. Đầu tiên là đi rừng tìm tre lồ ô, tìm dây mây. Tre lồ ô thì nơi này nhiều lắm, dễ lấy nhưng để chọn được cây theo ý mình thì khó. Để chọn được cây tre lồ ô làm nghề thì phải có con mắt của dân nhà nghề. Cây không to quá, không nhỏ quá, màu của cây tre phải hơi đục một tí, khi gõ vào thì tiếng phát ra phải thanh, vang. Chọn được tre rồi thì phải chọn từng đốt, vì không phải đốt nào cũng chuốt ra sợi để đan lát được. Sau công đoạn chẻ tre đó chính là ngâm tre, rồi phơi tre; gọt dũa; gia công một lượt cho đều đặn, mềm mại rồi mới đan được. 
 
Còn riêng sợi mây thì vất vả hơn một tí vì phải vào rừng, trèo đèo lội suối. Sợi mây phải dài trên 10 mét mới lấy được. Nhưng, những sợi mây dài thường leo trên các thân cây, vì vậy lấy được nó cũng là một vấn đề. Lấy được dây mây rồi, người làm nghề phải căng sợi mây cho thẳng thắn, cắt từng đoạn tùy theo đường kính của chiếc gùi mà mình định đan. Xong xuôi thì cũng xử lý ngâm nước, phơi phóng như tre lồ ô. 
 
Một chiếc gùi ông làm ra có giá từ 200 nghìn đồng đến 300 nghìn đồng, tùy vào đường kính gùi hay vật liệu mà định giá. Nhưng theo ông Liêng JRong Hai Lông thì nghề này chủ yếu lấy công làm lãi hay có người đặt hàng mới làm. May thì mười họa mới bán được một chiếc, vì một lẽ thời hiện đại có nhiều thứ tiện ích sẵn có hơn, nhất là bao bì rất dễ kiếm. Nó là “công cụ” thay thế cho chiếc gùi truyền thống với chức năng vận chuyển, mang vác.
 
Không lời lãi là bao, không mấy người mặn mà đặt hàng nhưng trong tâm khảm của ông, nghề đan gùi là một nghề truyền thống của cha ông để lại. Sống giữa thiên nhiên thì phải gần gũi với thiên nhiên, sống với núi rừng thì phải có hương vị của núi rừng. Chính điều này đã thôi thúc ông giữ lại nghề đan gùi, luyện cho đôi tay nhanh nhẹn, chính xác với từng công đoạn.
 
Một chiếc gùi hoàn thành, phải qua biết bao nhiêu công đoạn. Chuốt từng sợi lồ ô, dây mây là chừng ấy nỗi niềm của ông Liêng JRong Hai Lông. Ông buồn không phải vì không bán được hàng, không ai đặt hàng vì bản thân ông cũng làm nương rẫy, làm thuê, làm mướn, cũng có thu nhập để trang trải cho cuộc sống. Ông buồn là từ chính đôi tay trần lẻ loi của mình. Người xưa có câu “buôn có bạn, bán có phường”, đích thị làm nghề thì nghề gì cũng vậy, mà nhất là nghề truyền thống. Có nghề, có làng nghề, có bạn nghề nó mới thôi thúc, thổi hồn vào sản phẩm mình làm ra.
 
ÐỨC TÚ