Trong bối cảnh nền nông nghiệp Lâm Đồng chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa thì nỗi lo lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất không chỉ làm tăng mức đầu tư, gây ảnh hưởng tới sức khỏe của người nông dân mà còn tạo ra các sản phẩm thiếu an toàn.
Trong bối cảnh nền nông nghiệp Lâm Đồng chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa thì nỗi lo lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trong sản xuất không chỉ làm tăng mức đầu tư, gây ảnh hưởng tới sức khỏe của người nông dân mà còn tạo ra các sản phẩm thiếu an toàn.
|
Nông dân vẫn còn sử dụng thuốc BVTV trên cây hoa cúc với tần suất 7-8 lần phun/tháng. Ảnh: H.Sa |
Giảm một nửa lượng thuốc BVTV trong 10 năm
Theo số liệu thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, toàn tỉnh hiện có hơn 278 ngàn ha đất sản xuất nông nghiệp, với hơn 40 loại cây công nghiệp và cây hàng năm như rau, hoa, chè, cà phê... Trong đó, có hơn 52 ngàn ha sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chiếm 19% tổng diện tích canh tác.
Nhưng cũng chính sự chuyên canh và đa dạng chủng loại cây trồng nên thành phần dịch hại diễn biến khá phức tạp. Do đó, nhu cầu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) để phòng trừ các loại dịch hại ngày càng lớn, mặt khác các công ty sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV trên địa bàn tỉnh không ngừng đầu tư, mở rộng thị trường.
Điều đáng chú ý là, cách đây 7 - 10 năm, hàng năm lượng thuốc BVTV thương phẩm ước tính được nông dân Lâm Đồng sử dụng khoảng 8.000 - 10.000 tấn. Với mức sử dụng thuốc BVTV này, tỉnh Lâm Đồng là địa bàn sử dụng phân thuốc BVTV cao hơn nhiều so với các tỉnh khác trong cả nước. Tuy nhiên, một điều đáng mừng là trong những năm qua, việc hạn chế sử dụng thuốc BVTV trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đang có những tín hiệu tích cực. Do sử dụng thuốc BVTV ít, cho nên đã giảm được chi phí sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế, giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường, hướng đến sản phẩm nông sản an toàn.
Ông Lại Thế Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV cho biết: Sau nhiều năm đẩy mạnh việc tuyên truyền, nhận thức của người dân trong việc tự bảo vệ và sử dụng thuốc BVTV ngày càng có ý thức. Lượng thuốc BVTV cũng như phân bón sử dụng cho sản xuất nông nghiệp đã có bước tiến bộ đáng kể.
Cụ thể, đến nay, hàng năm trên toàn địa bàn tỉnh Lâm Đồng còn sử dụng khoảng từ 4,2 - 4,6 ngàn tấn thuốc BVTV - giảm gần phân nửa so với các năm về trước.
Trong đó, lượng thuốc sinh học, thảo mộc tăng lên đáng kể, chiếm 15,9%. Bên cạnh đó, lượng phân bón sử dụng từ 2,2 - 2,6 triệu tấn, song phân bón hữu cơ chiếm tới 64%, còn lại là phân vô cơ.
Cần những giải pháp đồng bộ
Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV, hiện nay số lượng thuốc BVTV có xu hướng được sử dụng nhiều, tập trung tại những vùng chuyên canh rau, hoa như TP Đà Lạt, Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng.
Ông Hoàng Xuân Hải, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Lạc Dương nhận định: Đã có cây trồng thì thế nào cũng có dịch hại cây, đó là quy luật của tự nhiên. Sự bùng phát dịch hại liên quan đến nhiều yếu tố trong đó có những yếu tố thuộc về tự nhiên mà con người rất khó hoặc không thể khống chế nổi, như thời tiết chẳng hạn.Vậy nên khi dịch hại bùng phát đe dọa sản lượng mùa màng thì biện pháp dùng thuốc là rất quan trọng. Ngay trong phương pháp quản lí dịch hại tổng hợp (IPM) cũng có biện pháp dùng thuốc BVTV.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, ước tính lượng bao gói, vỏ chai thuốc BVTV thải ra môi trường trên địa bàn Lâm Đồng từ 600 - 800 tấn/năm. Mặc dù, việc thu gom, xử lý đúng theo quy định đã được nhiều địa phương thực hiện, nhưng tình trạng vứt vỏ bao bì thuốc BVTV tràn lan còn xảy ra ở nhiều nơi. Hàng ngàn bao bì thuốc BVTV trôi theo nước mưa đổ về các sông suối, hồ chứa nước, đe dọa trực tiếp tới các hồ chuyên cung cấp nước sinh hoạt cho người dân. |
Vì thế, để hạn chế tình trạng nông dân lạm dụng thuốc BVTV thì cần thay đổi thói quen, hạn chế sử dụng và sử dụng một cách hợp lí, thích hợp với tình hình và yêu cầu cụ thể. Và một trong những yêu cầu tiên quyết để sản xuất sạch, an toàn là sử dụng không chỉ thuốc BVTV mà cả phân bón đòi hỏi phải nằm trong danh mục được ngành Nông nghiệp cho phép sử dụng.
“Bên cạnh đó, người sản xuất còn phải sử dụng đúng liều lượng, thời gian cách ly trước khi thu hoạch nông sản. Bởi vì, nếu sử dụng hoạt chất được phép sử dụng nhưng với liều lượng cao và không tuân thủ thời gian cách ly cũng gây ra tình trạng tồn dư hóa chất trong nông sản” - ông Hải cho hay.
Trong những năm qua, ngành Nông nghiệp tỉnh đã phối hợp với các cơ quan, ban ngành, các chương trình, dự án thực hiện các biện pháp nhằm giảm thiểu lượng thuốc BVTV được sử dụng trong phòng trừ dịch hại trên đồng ruộng. Giải pháp đưa ra là thay đổi về tổ chức sản xuất, đẩy mạnh liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân sản xuất, hình thành liên kết sản xuất theo chuỗi nhằm kiểm soát chặt chẽ nguyên liệu đầu vào lẫn đầu ra được coi là gỡ bỏ nút thắt trong sản xuất hiện nay.
Mặt khác, tổ chức hàng trăm lớp tập huấn, mô hình về phòng trừ sâu bệnh hại trên cây trồng, chuyển giao khoa học kỹ thuật về sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, VietGAP. Tập huấn về sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả đã giúp người sản xuất thay đổi nhận thức trong sử dụng thuốc BVTV. Ngoài ra, Chi cục BVTV chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tham mưu cho UBND cấp huyện, xã thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành, tổ kiểm tra của địa phương, kiểm tra các tổ chức, cá nhân buôn bán vật tư nông nghiệp, sản xuất, sơ chế, kinh doanh rau, hoa, quả cũng như việc sử dụng thuốc BVTV để xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm.
HOÀNG SA