Nằm giữa Vườn Quốc gia Cát Tiên, những năm qua, người dân xã Đồng Nai Thượng (huyện Cát Tiên) tham gia quản lý, bảo vệ rừng rất tốt...
Nằm giữa Vườn Quốc gia Cát Tiên, những năm qua, người dân xã Đồng Nai Thượng (huyện Cát Tiên) tham gia quản lý, bảo vệ rừng rất tốt. Không một tấc đất bị lấn chiếm, không một cây rừng bị triệt hạ, nhà nhà giữ rừng, người người giữ rừng là những gì đang diễn ra ở cộng đồng dân cư sống giữa vùng lõi Vườn Quốc gia này.
|
Người dân xã Đồng Nai Thượng cùng với kiểm lâm Vườn Quốc gia Cát Tiên tuần tra, bảo vệ rừng. Ảnh: Đ.A |
Sức mạnh cộng đồng giữ rừng
Chiều muộn, ngồi trong căn nhà treo đầy những bằng khen, giấy khen của Già làng Điểu K’Lộc, chúng tôi được nghe ông kể về những câu chuyện giữ rừng, bảo vệ rừng của người Châu Mạ sinh sống và lập nghiệp giữa vùng lõi Vườn Quốc gia Cát Tiên. Già làng Điểu K’Lộc bảo rằng thôn Bù Gia Rá mà ông đang sinh sống nói riêng và người dân Đồng Nai Thượng nói chung giờ có ý thức bảo vệ rừng rất tốt. Họ bảo vệ rừng không chỉ vì được chi trả tiền từ chính sách dịch vụ môi trường rừng mà giữ rừng cũng là cách giữ chính môi trường sống của mình. Bởi lẽ, dân làng sống giữa rừng, rừng bao bọc nương rẫy, làng mạc của người dân. Một cây rừng bị mất, một tấc đất bị lấn chiếm thì ngoài trách nhiệm phải chịu, dân làng còn ý thức sẽ gây tổn hại đến môi trường sinh thái sau này. “Ý thức được điều đó, hầu hết người dân trong thôn đều xin tham gia Tổ cộng đồng nhận khoán, bảo vệ rừng. Nhà nào có lao động khỏe mạnh, có thời gian tham gia đầy đủ các buổi tuần tra, bảo vệ rừng thì sẽ được chọn vào Tổ. Hàng ngày, Tổ đều phân công 2 - 3 thành viên túc trực, bảo vệ rừng với lịch phân công rất cụ thể. Hàng tháng, Tổ đều họp cố định vào ngày mùng 3 để đánh giá công tác tuần tra, bảo vệ rừng trong tháng và chấm công cho các thành viên tham gia. Cứ thế, ai ai cũng đều ý thức được trách nhiệm bảo vệ rừng. Mười mấy năm qua, dù đất sản xuất của người dân sát cạnh mé rừng nhưng không ai chặt một cây rừng, không ai lấn một tấc đất” - Già làng Điểu K’Lộc chia sẻ.
Còn theo anh Điểu K’Chai, Tổ trưởng cộng đồng nhận khoán, bảo vệ rừng thôn Bù Gia Rá thì cộng đồng thôn Bù Gia Rá có 68 hộ nhận tổng cộng 840 ha rừng để bảo vệ. Các thành viên trong Tổ chia làm 5 nhóm với khoảng 13 - 15 người mỗi nhóm để phân công lịch tuần tra bảo vệ rừng cụ thể. Ngoài lịch hàng ngày thì hàng tháng, anh em còn phối hợp với kiểm lâm địa bàn đi trực rừng qua đêm. Mỗi chuyến đi như vậy thường mất 2 ngày 1 đêm. Ngay từ sáng sớm, các thành viên đã phải tự chuẩn bị gạo, nước uống và cùng góp tiền để mua đồ ăn đem theo. Trước khi đi, Tổ đều họp để phổ biến cho anh em cách thức tuần tra an toàn, các phương án xử lý nếu có va chạm với lâm tặc. Khi đi, anh em cũng chia nhóm để cắt rừng và hẹn nhau ở lán trại để ngủ. Nhóm trước đi tuần tra địa bàn nào rồi thì đánh dấu để nhóm sau biết mà đi tuần tra cho hết rừng. “Mỗi khi đi tuần tra đêm như thế thì điều lo ngại nhất của anh em vẫn là sợ bị người vi phạm tấn công. Thế nhưng, điều may mắn là suốt 12 năm tham gia công tác tuần tra, bảo vệ rừng, tôi cùng anh em trong tổ chưa gặp một trường hợp nào như thế. Điều này khiến chúng tôi càng nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc bảo vệ rừng” - anh Điểu K’Chai cho biết thêm.
Cứ sau mỗi quý tuần tra, bảo vệ rừng như thế, các thành viên trong Tổ lại họp chấm công, rồi trình danh sách để được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng. Tùy theo công sức đóng góp, bình quân mỗi thành viên được nhận từ 1,6 đến 2,6 triệu đồng mỗi quý. Tất cả đều được chi trả qua hệ thống Viettel Pay. Anh Điểu K’Chai cho biết: Số tiền này không nhiều nhưng cũng góp phần cải thiện đời sống cho các thành viên. Các thành viên trong Tổ tham gia làm công việc này với ý thức trách nhiệm rất cao, vừa để kiếm thêm thu nhập, vừa để giữ lấy những cánh rừng mà bao thế hệ cha ông đã gắn bó.
Phát triển sinh kế bền vững
Hiện tại, tại 5 thôn của xã Đồng Nai Thượng gồm Bê Đê, Bù Gia Rá, Bù Sa, Đạ Cọ, Bi Nao đều có các Tổ cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng. Ông Lê Quang Chường, Chủ tịch UBND xã Đồng Nai Thượng cho biết: Toàn xã có hơn 7.000 ha rừng đặc dụng; trong đó, có gần 4.400 ha đã được giao khoán cho 5 cộng đồng thôn với 333 hộ tham gia. Điều đặc biệt ở đây là rừng bao bọc quanh xã, bao bọc quanh cộng đồng dân cư nhưng nhiều năm trở lại đây thì việc quản lý, bảo vệ rừng của chính cộng đồng dân cư được thực hiện rất tốt. Nếu như trước năm 2007 ở xã còn có trường hợp vi phạm và bị truy tố vì hành vi hủy hoại rừng, lấn chiếm đất rừng làm rẫy thì từ đó đến nay các trường hợp vi phạm hầu như không có. Hiện tại, công tác quản lý bảo vệ rừng đã đi vào guồng, bà con đồng thuận rất cao nên công việc rất thuận lợi. “Để nâng cao được ý thức chấp hành pháp luật bảo vệ rừng thì Đảng ủy xã hàng năm đều có Nghị quyết trực tiếp chỉ đạo, UBND xã phải có phương án bảo vệ rừng cụ thể. Bên cạnh đó, lãnh đạo xã còn phân công tổ, nhóm đến từng thôn để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, hiểu rõ phong tục, tập quán của bà con để thực hiện việc tuyên truyền đạt hiệu quả cao. Các lực lượng cốt cán, công an, quân sự thường xuyên sâu sát với dân, thấy người dân khó khăn như thế nào để kịp thời hỗ trợ. Bên cạnh công tác quản lý, bảo vệ rừng, địa phương còn chú trọng đến việc đảm bảo sinh kế của người dân. Khi người dân có điều kiện sinh kế tốt, đời sống được nâng cao thì việc phá rừng, lấn chiếm đất rừng cũng sẽ hạn chế. Đó là những yếu tố góp phần vào việc nâng cao ý thức giữ rừng, bảo vệ rừng của bà con” - ông Lê Quang Chường chia sẻ kinh nghiệm.
Hiện tại, huyện Cát Tiên đang chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp triển khai thực hiện Đề án cải thiện sinh kế cho cộng đồng vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Đồng Nai Thượng gắn với bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học thông qua việc thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng tại Vườn Quốc gia Cát Tiên. Đây là chương trình do Quỹ môi trường toàn cầu tài trợ các dự án nhỏ tại Việt Nam thực hiện. Theo đó, thời gian thực hiện Đề án là 24 tháng với mục tiêu cải thiện sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số thông qua phát triển kinh tế nông nghiệp và các ngành nghề truyền thống của địa phương như dệt thổ cẩm, làm rượu cần, gắn với bảo vệ rừng, nâng cao hiệu quả bảo vệ rừng thông qua thí điểm sử dụng chi trả dịch vụ môi trường rừng, phát triển sinh kế bền vững. Kinh phí tài trợ cho đề án này là hơn 2,5 tỷ đồng. Ông Bùi Văn Hùng, Chủ tịch UBND huyện Cát Tiên, cho biết: “Xã Đồng Nai Thượng dù có 100% đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ sinh sống giữa Vườn Quốc gia Cát Tiên, nhưng trong thời gian qua đã không để xảy ra tình trạng cháy rừng, không có phá rừng và lấn chiếm đất rừng. Bà con đã có ý thức rất tốt trong việc giữ rừng và được hưởng từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Tới đây, nếu được phát triển sinh kế bền vững thì công tác quản lý, bảo vệ rừng chắc chắn sẽ tốt hơn nữa. Với những kết quả đã đạt được, UBND huyện đã hoàn thành hồ sơ để trình UBND tỉnh Lâm Đồng đề nghị Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tặng Bằng khen cho Nhân dân và cán bộ xã Đồng Nai Thượng vì những thành tích trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng”.
ĐÔNG ANH