Chúng tôi về Cát Tiên đúng vào mùa lúa chín, khắp nơi rộn ràng không khí thu hoạch. Thế nhưng, bên cạnh niềm vui mùa thu hoạch là không ít thái độ khó chịu, không hài lòng của người tham gia lưu thông trên đường khi liên tục gặp rất nhiều bất tiện, nguy hiểm rình rập khi đường giao thông bị người dân chiếm dụng làm sân phơi lúa.
Chúng tôi về Cát Tiên đúng vào mùa lúa chín, khắp nơi rộn ràng không khí thu hoạch. Thế nhưng, bên cạnh niềm vui mùa thu hoạch là không ít thái độ khó chịu, không hài lòng của người tham gia lưu thông trên đường khi liên tục gặp rất nhiều bất tiện, nguy hiểm rình rập khi đường giao thông bị người dân chiếm dụng làm sân phơi lúa.
|
Người dân xã Gia Viễn lấn hơn một nửa mặt đường giao thông chính ra vào khu vực xã để phơi lúa. |
Ðường bị chiếm dụng làm sân phơi lúa
Dọc tuyến đường kéo dài từ trung tâm huyện đến xã Gia Viễn hoặc đi Phước Cát… không chỉ vỉa hè biến thành sân phơi mà cả lòng lề đường cũng bị người dân chiếm dụng để phơi lúa. Nhiều đoạn đường vốn đã hẹp, khá nguy hiểm nhưng vẫn bị người dân lấn chiếm hơn một nửa diện tích lòng đường để phơi lúa. Có hộ gia đình còn dùng cả cây để làm hàng rào bảo vệ ngăn không cho người tham gia giao thông đi vào lúa, khiến người tham gia giao thông chỉ còn cách lấn sang phần đường bên kia để di chuyển.
Chị Vũ Thị Thoa, một nông dân cho biết, lâu nay gia đình chị vẫn phơi lúa theo cách này. Tức là phơi lúa trên vỉa hè và một phần lòng đường phía trước nhà. “Lúa gặt về không phơi liền thì sẽ bị mọc mầm và hỏng ngay cô ạ nên nông dân chúng tôi buộc phải phơi liền. Sân trước nhà nhỏ, không phơi đủ nên chúng tôi đành phải lấn ra đường. Vẫn biết là việc phơi lúa trên đường như vậy khá nguy hiểm nhưng không có sân phơi cũng không biết phải làm sao” - chị Thoa ca thán.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, giờ ở huyện có nhiều hộ gia đình mua máy sấy nhưng số lượng vẫn chỉ đếm chưa đầy hai bàn tay. Do chi phí sấy còn khá cao nên bà con không mấy người chọn giải pháp đưa đi sấy mà chọn cách phơi để tiết kiệm chi phí. Hơn nữa, nhiều người cho rằng, sấy bằng máy gạo không thơm như phơi nên cũng ít khi sử dụng dịch vụ sấy.
Anh Tấn Hải, một tài xế lái xe chở hàng bỏ mối cho các cửa hàng trong vùng cho biết: Cứ đến mùa thu hoạch lúa đi qua đoạn đường này anh rất sợ vì vừa phải né lúa cho bà con, lại vừa phải đi rất chậm quan sát để né người đi ngược chiều lấn làn do đường bị chiếm dụng làm sân phơi. Việc phơi lúa trên đường không chỉ gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông mà còn nguy hiểm cho cả người phơi lúa. Mỗi khi trở hoặc thu gom lúa thường có cả một nhóm người trong gia đình tham gia, nhiều người không để ý chỉ tập trung vào việc thu gom lúa, một số vụ tai nạn cũng xảy ra rồi mà hiện tượng này hằng năm vẫn không có tiến triển gì...
Cần sự hỗ trợ từ Nhà nước
Không riêng gì ở Cát Tiên, việc xử lý lúa sau thu hoạch vẫn luôn là vấn đề của nông dân nhiều nơi. Một số địa phương ở khu vực miền Tây của nước ta một thời gian dài cũng bị kêu ca về vấn đề này. Phơi lúa trên đường không chỉ gây nguy hiểm về giao thông mà từ lâu đã được chỉ ra rằng, cách xử lý lúa sau thu hoạch như này thường gây thất thoát tỷ lệ lúa khá lớn. Bên cạnh đó, phơi lúa trên đường tỷ lệ sạn bị lẫn trong gạo khá cao. Theo tính toán, thất thoát lúa sau thu hoạch ở Việt Nam vào khoảng 10-13%, trong đó thất thoát do phơi sấy chiếm tỷ lệ cao nhất. Giải pháp cho vấn đề này là cần có nơi cho nông dân phơi lúa tập trung và đảm bảo kỹ thuật. Đã có nhiều mô hình ở những địa phương có thế mạnh về cây lúa thực hiện. Tuy nhiên, ở Cát Tiên hiện thì rất ít gia đình áp dụng. Ngoài việc thu hoạch, bán lúa tươi, hầu hết các gia đình đều sử dụng cách phơi lúa tận dụng mọi không gian xung quanh nhà.
Có thể thấy rằng, thương hiệu lúa gạo Cát Tiên hiện đã và đang dần được định hình và nhận được ít nhiều sự tín nhiệm của một bộ phận người tiêu dùng trên thị trường. Cũng có thể thấy rằng, một vài năm gần đây, nông dân trồng lúa Cát Tiên đã chủ động được khâu thu hoạch nhờ đưa máy gặt, tuốt lúa xuống đồng. Các giống lúa mới đưa vào sản xuất tại địa phương cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, tuy nhiên khâu phơi, sấy vẫn còn bị động. Nỗi lo lớn nhất của bà con nông dân đó là gặt lúa gặp mưa, thương lái không tới thu mua kịp, lúa lên mộng.
Việc giảm tổn thất sau thu hoạch cũng như ứng dụng những kỹ thuật phơi sấy hiện đại, phù hợp điều kiện vệ sinh để đảm bảo chất lượng cho lúa gạo Cát Tiên là điều cần thiết. Bởi không chỉ nâng cao ý thức cho người nông dân sản xuất trong việc hình thành vùng sản xuất nông nghiệp sạch, bền vững từ khâu gieo trồng đến khâu sau thu hoạch mà còn tăng giá trị thương hiệu cho sản phẩm thông qua hình ảnh sản xuất và xử lý sau thu hoạch chuyên nghiệp hơn, tạo uy tín trên thị trường. Với quy mô sản xuất của nhiều hộ gia đình còn nhỏ lẻ, từng hộ gia đình có thể tận dụng công lao động để làm khô lúa trước khi đưa vào bảo quản hoặc bán cho thương lái. Về lâu dài thì rõ ràng không thể có giải pháp nào khác ngoài việc đầu tư sân phơi, máy sấy. Chính vì vậy, nhiều nông dân bày tỏ mong muốn nhà Nước sẽ quan tâm hỗ trợ kỹ thuật làm sân phơi tiết kiệm diện tích, bảo đảm vệ sinh cũng như hỗ trợ vốn vay để giúp họ làm sân phơi hoặc nhà máy sấy lúa để chủ động hơn trong khâu xử lý sau thu hoạch.
NGUYÊN THI