Ông Tâm hiến đất

06:08, 01/08/2019

Về thôn Xuân Châu (xã Ðạ Pal, huyện Ðạ Tẻh), không khó để hỏi nhà ông Tâm và càng dễ dàng hơn khi hỏi ông Tâm "râu" hiến đất...

Về thôn Xuân Châu (xã Ðạ Pal, huyện Ðạ Tẻh), không khó để hỏi nhà ông Tâm và càng dễ dàng hơn khi hỏi ông Tâm “râu” hiến đất. Sở dĩ ông có biệt danh đó vì ngoài gương mặt với hàm râu phủ kín không lẫn vào đâu được, ông còn được nhiều người biết đến khi đã hiến hàng ngàn mét vuông đất của gia đình để làm đường giao thông nông thôn.
 
Ông Tâm bên sân bóng và hội trường do ông hiến đất làm. Ảnh: Đ.A
Ông Tâm bên sân bóng và hội trường do ông hiến đất làm. Ảnh: Đ.A
 
Ngã tư ông Tâm - địa danh không còn mấy xa lạ với người dân. Ngã tư này chính là đoạn đường bắt đầu dẫn vào khu sản xuất mà ông Tâm đã hiến hơn 1.000 m 2 đất để làm đường. Ông bảo nếu tính về giá trị thì chừng đó đất cũng lên đến vài trăm triệu đồng. Thế nhưng, vì lợi ích của bà con cũng là lợi ích của mình nên ông đã sẵn sàng hiến đất làm đường. Lợi ích mà ông Tâm đề cập đến ở đây chính là việc mở đường không chỉ tạo thuận tiện cho bà con đi lại mà con đường này cũng dẫn vào khu vực sản xuất của chính gia đình ông với diện tích hơn 10 hecta. Ông Tâm nói thế, nhưng trước đây, vào năm 2002, khi ông đang còn là trưởng thôn Xuân Châu thì bản thân ông cũng đã hiến hơn 1.000 m2 đất để làm đường và làm hội trường, sân bóng chuyền cho thôn. Việc làm này của ông hoàn toàn chỉ vì lợi ích cộng đồng. Khi thắc mắc về điều này, vợ ông Tâm là bà Nguyễn Thị Lụa chia sẻ: “Cái gì có lợi cho dân thì mình làm chứ đâu nhất thiết là mình cũng phải được hưởng lợi trong đó”. Quan điểm này cũng được ông bà vận dụng vào hoạt động kinh doanh. Hiện tại, vợ chồng ông Tâm là một trong những đầu mối thu mua kén lớn của xã Đạ Pal. Mỗi tháng, bình quân gia đình ông Tâm thu mua khoảng 4 - 5 tấn kén và đưa đi khắp nơi tiêu thụ. Khi thấy bà con cần vốn để đầu tư sản xuất thì ông bà sẵn sàng cho ứng trước và thu mua kén để trừ tiền sau. Có nhiều trường hợp người dân không thể trả được khoản nợ này và con số đó lên đến vài trăm triệu đồng. Bà Lụa cho biết: Dân còn nhiều khó khăn, họ không có điều kiện thì mình giúp họ có điều kiện làm ăn cũng như trước đây mình đã được nhiều người giúp đỡ khi mới vào lập nghiệp nơi này.
 
Năm 1991, ông Nguyễn Vũ Minh Tâm rời Nam Định vào xã Đạ Pal lập nghiệp. Khi đó, chưa biết về vùng đất này như thế nào nên ông một mình vào trước, sau đó mới đưa vợ con vào. Những ngày đầu vào lập nghiệp thì khó khăn chồng chất khó khăn, nhiều lúc muốn bỏ về quê nhưng cũng không có tiền để về. Khi đó, 4 người con của ông Tâm khi học hết cấp 1 lên cấp 2 đều phải ra huyện để trọ học bởi đường sá đi lại quá khó khăn. Đây cũng là lý do ông nghĩ đến việc hiến đất làm đường giao thông nông thôn thuận lợi để cho bà con đi lại.
 
Dù năm nay đã 60 tuổi nhưng ông Tâm sử dụng rất thành thạo các thiết bị công nghệ thông tin. Ông chia sẻ: Thế giới ngày nay là thế giới phẳng, thông tin phẳng, do đó nếu mình không cập nhật thì sẽ thua thiệt. Chính nhờ cập nhật công nghệ thông tin như thế mà việc kinh doanh buôn bán kén của ông cũng được thuận lợi hơn. Kén sau khi thu mua ông kết nối qua mạng để gửi về quê bán, sau đó tiền được chuyển qua tài khoản cho ông. Không chỉ giỏi kinh doanh, ông còn là một trong những người làm công tác khuyến học rất tốt. Bản thân ông có hai người con đã tốt nghiệp đại học ra trường hiện đang đi làm kỹ sư tin học và giáo viên. Với ông, chuyện học là chuyện cần được quan tâm hàng đầu. Chính vì lẽ đó, trong dòng họ hiếu học, mà ông với vai trò là trưởng họ, luôn vận động mọi người đóng góp quỹ khuyến học. Nhờ làm tốt công tác vận động mà hiện tại quỹ khuyến học của dòng họ ông đã tăng lên vài chục triệu đồng. Số tiền này được cho hội viên vay để lấy lãi trao thưởng cho các cháu hàng năm. Ngoài nguồn trao thưởng này, năm học vừa qua, ông Tâm đưa ra chủ trương nếu các cháu học cấp 3 mà nhận được giấy khen ông sẽ thưởng mỗi cháu một triệu đồng. Ông bảo: Vợ nắm tay hòm chìa khóa nhưng mình thấy cái gì có lợi cho con cho cháu là mình quyết định làm.
 
ÐÔNG ANH