Những người phụ nữ kiên trung

06:08, 09/08/2019

Họ nay đang ở tuổi 70 - 80, từng là những cô gái trẻ trung, xinh xắn và rực rỡ tuổi xuân, bằng những cách thức khác nhau đã tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ những năm 1960 - 1970...

Họ nay đang ở tuổi 70 - 80, từng là những cô gái trẻ trung, xinh xắn và rực rỡ tuổi xuân, bằng những cách thức khác nhau đã tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ những năm 1960 - 1970. Như bao người dân phải đối mặt với thương đau và khó khăn chồng chất vào những ngày đầu thống nhất đất nước, họ vẫn lặng lẽ giữ tấm lòng kiên trung của thời thanh xuân cho đến tận bây giờ. Chúng tôi có cơ hội được gặp bốn trong số hàng ngàn người phụ nữ như thế trong chuyến Về nguồn của Ngân hàng Chính sách Xã hội Lâm Đồng!
 
Cô Đinh Thị Sự nhận được sự quan tâm, thăm hỏi của Đoàn công tác Ngân hàng Chính sách Xã hội Lâm Đồng. Ảnh: L.H
Cô Đinh Thị Sự nhận được sự quan tâm, thăm hỏi của Đoàn công tác Ngân hàng Chính sách Xã hội Lâm Đồng. Ảnh: L.H
 
Cô Nguyễn Thị Phối (71 tuổi), ở Phường 7, Đà Lạt, là vợ liệt sĩ. Chồng cô là bộ đội, hy sinh sau giải phóng 4 tháng, ngay trong những ngày cô sinh người con út. Lo cô ảnh hưởng đến sức khỏe, nên mọi người giấu chuyện chồng cô mất. Thế là trong niềm vui mẹ tròn - con vuông, cô Phối ngấm nỗi đau mất chồng khi đất nước đã được hòa bình... Cô ở vậy tần tảo nuôi con từ mấy sào rau. Đến nay, dù các con đã có gia đình riêng, các cháu cũng lớn, nhưng vẫn quây quần bên cô. Cô bảo rằng cô vui vì được quan tâm, được săn sóc chu đáo...
 
Cô Đinh Thị Sự - cũng trên 70 tuổi, hiện ở xã Xuân Thọ, là chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày. Cô kể: Hồi bắt đầu đi hoạt động mới 16, 17 tuổi (năm 1962-1963) ở quê nhà huyện Hòa Vang (Đà Nẵng), làm thông tin giao liên hợp pháp, đi tới các xã, các thôn, canh gác cho du kích, đào hầm bí mật... (sống ở trong dân và làm việc bí mật cho cách mạng). Vì vậy, nhiều lần cô bị địch bắt, bị đánh tơi bời. Cô luôn cãi là mình đâu có làm gì đâu mà bắt! Bị bắt đến 7 lần, mỗi lần cả nửa tháng đến một tháng. Cứ mỗi lần bị bắt đều bị đánh, bị tra khảo, kêu chỉ điểm... nhưng cô không khai, không có chứng cứ nên lại được thả ra. Ra rồi thì cơ sở lại chuyển đi nơi khác vì sợ bị lộ, cô lại móc mối liên lạc tiếp... Gần giải phóng, bị đứt liên lạc, cô được khuyên lánh đi để tránh bị bắt bớ... Sau giải phóng, cô theo người cậu vào Đà Lạt lấy chồng, sinh con... Nay, cô Sự đang ở cùng con, cháu và vừa được nhận Kỷ niệm chương “Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày”.
 
Cô Phan Thị Quá - vốn ở Điện Bàn - Quảng Nam, dù 80 tuổi, nhưng còn rắn rỏi, giọng nói khỏe khoắn. Là vợ liệt sĩ, là người neo đơn (chồng hy sinh, con chết), nay ở một mình, nhưng có người cháu ở gần bên. Không chỉ là vợ chiến sĩ cách mạng, bản thân cô cũng tham gia hoạt động trong thời kỳ chiến tranh ác liệt... Sau giải phóng, cô chuyển vào Phường 12 (Đà Lạt), làm vườn... 
 
Cô Nguyễn Thị Dưỡng - 75 tuổi, cũng hoạt động cách mạng trong thời chống Mỹ ở Quảng Nam, từ khi 18 tuổi, bị bắt ở tù nhiều lần. Cô nhớ lần bị bắt ngày mồng 1 tết năm Mậu Thân. Cô vừa trấn an cha mẹ để “đi” cùng cô dì, thanh niên và cả các cháu bé; vừa mang khoai gạo, bánh tét cho bộ đội ăn tết... Bị bắt, nhốt liền 5 ngày không cho ăn uống, phải uống chính nước tiểu của mình... nhưng cô cùng những người khác kiên trì đấu tranh chính trị và kiên quyết không khai báo, vận động và thuyết phục địch thả những cháu bé ra trước. Đồng thời khuyên những người cùng bị bắt đồng lòng thống nhất lời khai khi bị thẩm vấn, khiến địch không làm gì được, lại còn chấp nhận yêu sách của bà con... Đợt đó, sau 2 tháng mới được thả về, nhưng không có ai khai báo...
 
Cuộc sống sau giải phóng dẫu khó khăn, nhưng ai trải qua cuộc chiến tranh rồi, mới biết, khó khăn sau này chẳng là gì, nên cứ thế làm lụng nuôi thân... Sau gần 50 năm, gặp và kể lại cho chúng tôi - những người chưa đủ lớn để cảm nhận sự tàn khốc của thời chiến tranh, họ vẫn ứa nước mắt vì những cảm xúc vẫn chưa nguôi ngoai... Những câu chuyện đòn roi, những tên lính Hàn máu lạnh sẵn sàng móc mắt, đốt nhà, cưỡng hiếp dân thường... Không chỉ là nỗi đau thể xác, họ còn hy sinh chồng, anh em... Đến tuổi xế chiều, dù lẻ bóng vẫn không làm phiền con cháu... Bởi với các cô “chiến tranh tàn khốc thế mà vẫn quyết một lòng chấp nhận đau thương”!
 
LÊ HOA