Một trong những giải pháp dễ thực hiện và có hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trường (BVMT) là phân loại rác thải sinh hoạt, xử lý rác hữu cơ tại nhà. Huyện Ðạ Tẻh đang triển khai mô hình này vừa tạo môi trường xanh, sạch, đẹp; vừa nâng nhận thức trong cộng đồng về BVMT một cách bền vững.
Một trong những giải pháp dễ thực hiện và có hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trường (BVMT) là phân loại rác thải (RT) sinh hoạt, xử lý rác hữu cơ tại nhà. Huyện Ðạ Tẻh đang triển khai mô hình này vừa tạo môi trường xanh, sạch, đẹp; vừa nâng nhận thức trong cộng đồng về BVMT một cách bền vững.
|
Thu gom chất thải và vận chuyển đến nhà máy xử lý. Ảnh: M.Đ |
Huyện Đạ Tẻh có dân số 45.000 người, mỗi năm phát sinh khoảng 8.300 tấn RT sinh hoạt. Thành phần trong RT này gồm RT nguy hại, RT vô cơ và RT hữu cơ. Trước đây, RT sinh hoạt không được phân loại tại nguồn phát sinh mà đổ lẫn và chỉ xử lý tạm thời bằng phương pháp chôn hở nên gây ô nhiễm môi trường. Năm 2019, huyện Đạ Tẻh tích cực tập trung nhiều giải pháp đồng bộ để hoàn thành tiêu chí môi trường của huyện nông thôn mới. Qua đó, Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) chủ trì, phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện, UBND các xã, thị trấn triển khai mô hình phân loại RT, xử lý RT hữu cơ tại nhà. Trước mắt thí điểm 6 xã là Quốc Oai, Hà Đông, Đạ Pal, Quảng Trị, Hương Lâm, Đạ Lây và tới đây triển khai trên toàn địa bàn huyện.
Phó Phòng TN&MT huyện Đạ Tẻh Nguyễn Thị Hoa Tài cho biết, sau khi thống nhất kế hoạch với 6 xã, Phòng trực tiếp triển khai tập huấn nòng cốt là chị em phụ nữ về phân loại RT sinh hoạt tại nhà. Trước hết, phân biệt cụ thể rác nào có thể tái chế, tái sử dụng; rác nào là hữu cơ dễ phân hủy, tận dụng làm phân compost và rác nào khó phân hủy không tái chế được, phải thu gom để đưa đi xử lý. Việc phân loại rác tại nguồn phát sinh góp phần tiết kiệm tài nguyên, mang lợi ích cho các hộ gia đình thông qua tận dụng phế liệu tái chế và phân compost tự chế biến; góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tiết kiệm chi phí thu gom, vận chuyển và xử lý rác cho toàn huyện; giảm chôn lấp chất thải cũng là bước đầu để giảm chất thải phát sinh tại nguồn.
Sau kiến thức phân biệt từng loại rác, chị em phụ nữ được tập huấn phương pháp thu gom rác. Mỗi hộ gia đình, tổ chức, cơ quan, trường học tự trang bị 3 loại thùng lưu giữ chất thải rắn sinh hoạt theo từng màu sắc khác nhau của thùng và đặt ở vị trí thích hợp: màu xanh lá dùng lưu rác dễ phân hủy; màu trắng dùng lưu rác tái chế hoặc tái sử dụng; màu xanh nước biển dùng lưu rác vô cơ khó phân hủy. Với RT nguy hại có lượng phát sinh ít, có thể bố trí một chỗ thu gom riêng. Tùy đối tượng, quy mô phát thải của các loại hình hoạt động sản xuất, kinh doanh để lựa chọn dung lượng thiết bị lưu giữ chất thải rắn sinh hoạt phù hợp: hộ gia đình (3 thùng, 20-30 lít/thùng); hộ kinh doanh dịch vụ như nhà hàng, nhà nghỉ và các cơ quan, đơn vị, trường học (3 thùng, 45-50 lít/thùng); khu vực công cộng như chợ, bến xe, công viên... (3 thùng, 200 lít/thùng). Các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, bố trí 3 thùng, từ 100-200 lít/thùng, xây dựng khu vực tập kết chất thải đảm bảo diện tích phù hợp với lượng phát sinh và chất thải nguy hại phải được phân loại, dán nhãn theo từng mã quản lý để lưu giữ tạm thời, theo quy định. Chị em cũng được tập huấn phương pháp ủ rác hữu cơ thành phân bón: cách lên men cám gạo (thành phần, trọng lượng, thời gian ủ); cách ủ rác hữu cơ (đào hố, rải rác và men cám gạo...). Mỗi thành viên tập huấn được hỗ trợ 1 thùng đựng rác hữu cơ, 1 thùng đựng rác vô cơ và xô nhựa, men cám gạo vi sinh.
Từ mô hình phân loại RT, ngày 7/8, Hội LHPN xã Triệu Hải ra mắt mô hình “Chống rác thải nhựa” do Hội LHPN tỉnh Lâm Đồng phát động. Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Đạ Tẻh Phạm Thị Yến cho rằng: Bằng các mô hình cụ thể, các việc làm thiết thực nhằm tuyên truyền, vận động mọi người dân thay đổi thói quen để hạn chế sử dụng túi nilon, thực hiện phân loại RT, giữ gìn vệ sinh môi trường... Phó phòng Nguyễn Thị Hoa Tài cũng cho biết, ngoài tuyên truyền, vận động BVMT, từ năm 2017 đến nay, huyện hỗ trợ 340 bể thu gom và xây dựng 11 nhà lưu chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật tại 11 xã, thị trấn. Định kỳ 1 năm, huyện thu gom 2 lần để thuê xe mang đi xử lý tại nhà máy. Đạ Tẻh đang xây dựng và triển khai kế hoạch nhân rộng mô hình thu gom, phân loại và xử lý RT hữu cơ sinh hoạt tại nhà. Mục tiêu giảm lượng RT vô cơ phát thải ra môi trường, huyện chuẩn bị mặt bằng xây dựng nhà máy xử lý RT tại Thôn 1, xã Đạ Kho vào tháng 10 tới. Công suất dự kiến 9 tấn/ngày và 18 tấn/ngày vào năm 2020. Nhà máy gồm ngân sách Nhà nước 70%, xã hội hóa 20% bằng việc doanh nghiệp đầu tư thiết bị và 10% ngân sách huyện phục vụ tập huấn, công tác tuyên truyền, vận động... Xử lý theo hướng phân loại rác hữu cơ thành phân compost và rác vô cơ vận chuyển đến nhà máy ở Đồng Nai xử lý. Thu gom, xử lý RT đang được xem là nhiệm vụ quan trọng để Đạ Tẻh hoàn thành tiêu chí môi trường trong chuẩn huyện nông thôn mới.
MINH ÐẠO