Mặc dù bãi rác Cam Ly TP Đà Lạt đã quá tải, nguy cơ tiếp tục bị sạt lở, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cho vùng hạ lưu, nhưng mỗi ngày vẫn phải tiếp nhận hàng trăm tấn rác thải sinh hoạt…
Mặc dù bãi rác Cam Ly TP Đà Lạt đã quá tải, nguy cơ tiếp tục bị sạt lở, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cho vùng hạ lưu, nhưng mỗi ngày vẫn phải tiếp nhận hàng trăm tấn rác thải sinh hoạt…
|
Nhà máy xử lý chất thải rắn Đà Lạt chưa đủ khả năng xử lý hết lượng rác thải sinh hoạt của thành phố Đà Lạt |
Theo UBND TP Đà Lạt, Nhà máy xử lý chất thải rắn TP Đà Lạt (gọi là tắt Nhà máy) được xây dựng trên khu đất dự án rộng 28 ha, tại Tiểu khu 163B (xã Xuân Trường, TP Đà Lạt, Lâm Đồng), với vốn đầu tư hàng trăm tỷ đồng do Công ty TNHH Môi trường Năng lượng xanh làm chủ đầu tư đã đi vào hoạt động từ tháng 7/2015. Dự án được duyệt với mục tiêu xử lý 200 tấn rác thải sinh hoạt/ngày, nhưng thực tế công suất hoạt động chỉ đạt 80 tấn/ngày, thậm chí qua kiểm tra cho thấy Nhà máy chỉ xử lý tối đa được 30 tấn/ngày, không đảm bảo để xử lý 80 tấn rác/ngày của thành phố và 10 tấn rác/ngày của huyện Lạc Dương.
Hiện tại, Nhà máy đang sử dụng công nghệ để xử lý rác thải khá lạc hậu, hiệu quả xử lý thấp dẫn đến tình trạng rác thải tồn đọng ngày càng nhiều. Công nhân vận chuyển rác thủ công để đưa vào lò đốt rác, khói đen cả khu vực gây ô nhiễm môi trường. Nước rỉ rác không được xử lý đúng cách, thẩm thấu xuống đất, chảy tràn ra khu vực xung quanh, gây thiệt hại về hoa màu của các hộ dân quanh Nhà máy dẫn đến các vụ khiếu kiện, khiếu nại.
Bãi rác Cam Ly nằm trong danh mục có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cần được cải tạo, xử lý theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg ngày 22/4/2003 của Thủ tướng Chính phủ “Về việc phê duyệt kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng”. Tuy nhiên, việc đóng cửa bãi rác này đến nay vẫn chưa thực hiện được là do Nhà máy xử lý chất thải rắn TP Đà Lạt không đảm bảo xử lý hết rác thải của thành phố. |
Trước tình hình đó, mặc dù UBND TP Đà Lạt đã lập thủ tục, hồ sơ trình các ngành để đóng cửa bãi rác Cam Ly (P5, TP Đà Lạt) vì gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, nhưng vẫn phải tiếp nhận rác trở lại từ đầu năm 2017. Có tới 2/3 lượng rác thải sinh hoạt của toàn thành phố (từ 180 đến 200 tấn/ngày) được tập kết về bãi rác này. Đáng lưu ý, không phải đến bây giờ mà từ năm 2003, bãi rác Cam Ly đã bị liệt vào danh mục cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cần cải tạo, xử lý triệt để theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ; đơn vị quản lý bãi rác cũng từng bị xử phạt. Thế nhưng, sau đó rác vẫn được tập kết về đây.
Lãnh đạo UBND TP Đà Lạt cho hay, xử lý rác ở bãi Cam Ly chỉ là giải pháp tình thế trong khi chờ đợi đầu tư nhà máy xử lý rác bài bản. Thế nhưng, thực tế thì việc xử lý tạm thời ấy đã kéo dài tới mười mấy năm. Hậu quả là những ngày đầu tháng 8 này, bãi rác Cam Ly bị sạt lở kinh hoàng, hàng chục ngàn tấn rác thải trượt xuống hạ lưu, tràn qua đập chắn rác và san lấp khoảng 1,5 ha đất, trong đó có nhiều vườn rau, hoa, gây thiệt hại đến tài sản, hoa màu của 7 hộ dân, vụ việc đã được Báo Lâm Đồng thông tin.
Cũng theo lãnh đạo UBND TP Đà Lạt, sau khi xảy ra sự cố, các phòng ban chức năng đã tiến hành kiểm tra tại bãi rác Cam Ly; xây dựng phương án tính toán hỗ trợ thiệt hại cho người dân; thu hồi toàn bộ khu vực đất sản xuất bị rác san lấp để đưa vào diện tích bãi rác vì đã bị vùi sâu. UBND TP Đà Lạt cũng nhận định do địa hình chủ yếu là đồi núi với độ dốc lớn hơn 45 độ; phần diện tích đất đang đổ rác cũng đã quá tải, khả năng tiếp nhận rác hạn chế nên cần nhanh chóng thực hiện việc đóng cửa bãi rác Cam Ly.
|
Bãi rác Cam Ly vẫn chưa thể đóng cửa vì Nhà máy xử lý chất thải rắn Đà Lạt không đảm bảo được việc xử lý rác |
Mặc dù thừa nhận bãi rác Cam Ly gây ô nhiễm nghiêm trọng và có khả năng sạt lở thêm nếu tình hình mưa lớn kéo dài, nhưng lãnh đạo UBND TP Đà Lạt cho biết chỉ có thể chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn thực hiện các biện pháp khắc phục, xử lý tạm thời chứ chưa thể chấm dứt hoạt động vì Nhà máy chỉ xử lý được khoảng 1/3 lượng rác của thành phố, chưa kể nhiều lần tạm ngưng hoạt động… Nếu không đưa rác vào bãi Cam Ly thì giờ cũng chẳng biết đổ đi đâu.
Theo UBND TP Đà Lạt, dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn TP Đà Lạt của Công ty TNHH Môi trường Năng lượng xanh có tính khả thi không cao, không thể đáp ứng yêu cầu, hiệu quả trong xử lý rác của TP Đà Lạt (khoảng 230 đến 240 tấn rác thải sinh hoạt/ngày). Do đó, UBND TP Đà Lạt kiến nghị UBND tỉnh xem xét thu hồi khoảng 20 ha đất mà Công ty TNHH Môi trường Năng lượng xanh chưa triển khai xây dựng các hạng mục công trình, để kêu gọi nhà đầu tư khác có đầy đủ năng lực để xây dựng Nhà máy xử lý chất thải rắn mới với công nghệ hiện đại, phù hợp với yêu cầu xử lý của thành phố hiện nay.
THỤY TRANG