Bảo Lâm là địa phương có tỷ lệ đồng bào DTTS cao, chiếm hơn 31% dân số toàn huyện. Những năm qua, huyện đã vận dụng các chính sách, nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, tỉnh dành cho vùng đồng bào DTTS để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, từng bước cải thiện, nâng cao đời sống người dân.
Huyện Bảo Lâm hiện có tới 29 DTTS, với hơn 9.280 hộ, khoảng 38.140 nhân khẩu, phân bổ ở khắp 14 xã, thị trấn trên địa bàn. Trong đó, đồng bào DTTS gốc Tây Nguyên (Châu Mạ và K’Ho) chiếm đại đa số với 30.130 nhân khẩu, chiếm 79%. Nhằm “trợ lực” để đưa vùng đồng bào DTTS huyện nhà phát triển ngày càng toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, năm 2016, Ban Thường vụ Huyện ủy Bảo Lâm đã ban hành Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS giai đoạn 2016 - 2020 và Nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế vườn hộ bền vững giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2025.
Để thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Huyện ủy, Phòng Dân tộc huyện Bảo Lâm cùng các ngành chức năng địa phương xác định đầu tư phát triển nông nghiệp là khâu then chốt. Đồng thời, lựa chọn 2 loại cây trồng chính là chè, cà phê để tập trung đầu tư, hướng dẫn đồng bào phát triển kinh tế. Giai đoạn 2015 - 2019, đã chuyển đổi, trồng tái canh được hơn 1.291 ha cà phê, nâng diện tích cà phê đã được chuyển đổi trong vùng đồng bào DTTS lên 2.974,8 ha. Diện tích chè chất lượng cao được chuyển đổi trong vùng đồng bào DTTS là 712,4 ha. Cùng với đó, nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như bơ, sầu riêng và dâu tằm cũng được chú trọng đầu tư, phát triển, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con. Đặc biệt, nhiều mô hình nông nghiệp trồng xen cây ăn trái (bơ, sầu riêng) đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con trong vùng đồng bào DTTS.
Cùng với đó, chăn nuôi trong vùng đồng bào DTTS cũng được địa phương chú trọng đầu tư, phát triển. Trong 5 năm qua, huyện đã hỗ trợ trên 200 con bò giống lai Zebu và 2.000 con dê, heo, gia cầm cho các hộ đồng bào DTTS để phát triển kinh tế hộ gia đình. Đến nay, tổng đàn gia súc trong vùng đồng bào DTTS là hơn 43.200 con. Cùng với đó, địa phương đã tổ chức giao khoán quản lý bảo vệ rừng hơn 40.650 ha/2.314 hộ đồng bào DTTS. Tổng số tiền chi trả từ dịch vụ môi trường rừng cho bà con đạt trên 21 tỷ đồng/năm. Theo ông Nguyễn Đình Cường - Trưởng Phòng Dân tộc huyện Bảo Lâm, những năm qua, tình hình phát triển kinh tế trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn đã có nhiều chuyển biến tích cực và ngày càng có chiều sâu.
Bên cạnh đó, hiện có 100% thôn, tổ dân phố được công nhận thôn, tổ dân phố văn hóa; có 7.842/9.281 hộ đồng bào DTTS đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”, chiếm 84,5%. Hệ thống mạng lưới trường lớp cũng đã được phủ tới vùng đồng bào DTTS trên địa bàn… Hiện, toàn huyện có 85% hộ đồng bào DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh và 95% hộ được dùng điện lưới quốc gia…
Đối với Chương trình giảm nghèo nhanh bền vững, từ nguồn vốn 131, huyện đã đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng giao thông, hội trường thôn, nhà làm việc, hỗ trợ phát triển sản xuất, nhân rộng mô hình giảm nghèo… với tổng kinh phí trên 45,2 tỷ đồng. Ngoài ra, chương trình tín dụng ưu đãi đối với các hộ đồng bào DTTS, với tổng số tiền 565,7 tỷ đồng/23.893 lượt hộ vay. Trong khi đó, từ nguồn vốn xây dựng nông thôn mới, địa phương đã đầu tư xây dựng trong vùng đồng bào DTTS trên 47,5 km đường giao thông nông thôn; trên 2.500 m2 các công trình nhà văn hóa, nhà làm việc một cửa, hội trường thôn, phòng chức năng… với tổng kinh phí trên 84,7 tỷ đồng.
Với những chương trình đầu tư, chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS giảm từ 14,47% (năm 2015) xuống còn 7,23% (đầu năm 2019). Ông Nguyễn Đình Cương - Trưởng Phòng Dân tộc huyện Bảo Lâm, khẳng định: “Mục tiêu lớn nhất của địa phương là đến năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS sẽ giảm xuống còn dưới 7% và đến năm 2025 giảm xuống còn dưới 4%”.