Hàng Làng thực hiện nếp sống văn minh

06:09, 18/09/2019

Từ một thôn có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống và thông qua công tác dân vận của cả hệ thống chính trị, người dân đã thay đổi nhận thức, thực hiện nếp sống văn minh, góp phần đưa Hàng Làng trở thành điểm sáng của Di Linh.

Từ một thôn có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống và thông qua công tác dân vận của cả hệ thống chính trị, người dân đã thay đổi nhận thức, thực hiện nếp sống văn minh, góp phần đưa Hàng Làng trở thành điểm sáng của Di Linh.
 
MTTQ và các đoàn thể từ xã đến thôn thường xuyên tuyên truyền thực hiện nếp sống văn minh, giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường. Ảnh: N.Thu
MTTQ và các đoàn thể từ xã đến thôn thường xuyên tuyên truyền thực hiện nếp sống văn minh, giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường. Ảnh: N.Thu
 
Toàn thôn Hàng Làng hiện có khoảng trên 360 hộ với 1.825 nhân khẩu, trong đó, chỉ có 24 hộ người Kinh, còn lại là đồng bào DTTS. Trình độ dân trí của bà con còn thấp, đời sống vẫn còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo so với mặt bằng chung của xã vẫn còn cao.
 
Từ ý tưởng làm thế nào để thay đổi đời sống của bà con, năm 2017, xã Gung Ré được Ủy ban MTTQ tỉnh chọn làm điểm để thực hiện đổi mới tuyên truyền và thôn Hàng Làng là một trong 3 thôn tiêu biểu được chọn để tổ chức, triển khai  thực hiện mô hình “Khu dân cư đảm bảo nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang”. Trước khi tổ chức lễ ra mắt, Ban công tác Mặt trận thôn đã thành lập Tổ tự quản để tăng cường công tác vận động, tuyên truyền, đôn đốc bà con nhân dân thực hiện mô hình.
 
Trao đổi về những kinh nghiệm trong triển khai thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, ông K’Keo - Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban Công tác Mặt trận thôn Hàng Làng, xã Gung Ré, huyện Di Linh cho biết: Từ thực tế tại thôn Hàng Làng, chúng tôi nhận thấy quan trọng nhất là về công tác tuyên truyền, vận động bà con phải thật sự chặt chẽ. Mời các vị già làng, người uy tín cùng phối hợp với thôn, chi bộ để vận động bà con. Cách vận động cũng phải cặn kẽ, chỉ rõ cái đúng, cái sai, cái nên và không nên, cái nào thật sự có lợi để thuyết phục các hộ cùng thực hiện nếp sống mới. Đặc biệt, những cán bộ, đảng viên là người DTTS phải nghiêm túc đi đầu thực hiện, làm trước để người dân thấy và làm theo. 
 
Mỗi cán bộ, đảng viên phải thực sự là tấm gương sáng để bà con nhìn vào và học tập, noi theo.
 
Mặt khác, muốn mô hình thực sự phát huy hiệu quả và đi vào cuộc sống thì rất cần sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của cấp ủy, sự phối hợp đồng bộ của cả hệ thống chính trị, các đoàn thể xã hội, các hội già làng tại thôn.
 
Sau tuyên truyền, vận động, bà con đã thay đổi nhận thức, từng bước thực hiện cái mới, cái tiến bộ và thể hiện rõ trên 3 mặt. 
 
Thứ nhất, trong việc cưới hiện nay bà con đã thực hiện theo đúng Luật Hôn nhân và Gia đình, kết hôn có đăng ký với chính quyền địa phương. Hiện trong thôn hiện không còn tình trạng tảo hôn hay hôn nhân cận huyết thống, không còn tình trạng thách cưới quá cao như tục lệ trước đây.
 
Thứ hai, trong việc tang, không còn trường hợp để người chết trong nhà quá lâu so với quy định, không tổ chức ăn uống linh đình. Bà con nhân dân trong thôn, trong dòng họ đã biết đi thăm viếng đám tang, chia buồn cùng gia quyến bằng hình thức văn minh hơn, thân nhân người mất đã biết chôn cất người chết đúng nơi, đúng thời gian quy định, đảm bảo vệ sinh môi trường. Không còn diễn ra các hủ tục rườm rà, lạc hậu như trước đây của người đồng bào K’Ho. Trong dòng họ tổ chức xây dựng quỹ hội để cùng nhau đi thăm hỏi, động viên, giúp đỡ những gia đình không may gặp rủi ro hoặc có hoàn cảnh khó khăn đột xuất.
 
Thứ ba, các sự việc trong dòng họ gia đình như giỗ chạp, mừng thọ, sinh nhật... không còn tổ chức linh đình, tốn kém kèo dài như trước đây nữa mà chỉ tổ chức đơn giản, ấm cúng trong nội bộ gia đình.
 
Đánh giá về thực hiện đổi mới phương thức hoạt động của Mặt trận trong công tác dân tộc tại các thôn, buôn, vùng đồng bào DTTS tại xã Gung Ré, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Trương Thành Được nhận định: Việc chọn xã Gung Ré là chủ trương hoàn toàn đúng đắn, là sáng kiến của cơ sở được phát huy. Việc xây dựng các mô hình ở khu dân cư, thôn, tổ dân phố đã được các già làng, chức sắc tôn giáo, người uy tín gương mẫu thực hiện và tích cực tuyên truyền, vận động bà con tham gia hưởng ứng các nội dung của việc thực hiện nếp sống văn minh. Tuy nhiên, ông Trương Thành Được cũng cho rằng, từ thực tế đời sống của bà con DTTS còn nhiều khó khăn, một số tập tục lạc hậu chưa được xóa bỏ hoàn toàn. Đâu đó, trong vùng đồng bào DTTS vẫn còn tục thách cưới, tổ chức ăn uống linh đình trong đám tang, đám cưới có giảm nhưng vẫn còn tồn tại. Do những phong tục tập quán đã tồn tại lâu đời nên việc tuyên truyền, vận động xóa bỏ hoàn toàn đòi hỏi cần có thời gian và sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị từ xã đến thôn. Vì vậy, trong thời gian đến, các mô hình tiêu biểu trong thôn đồng bào DTTS như Hàng Làng cần tiếp tục được duy trì và nâng cao chất lượng hơn nữa, để thôn, buôn DTTS ngày càng thay đổi theo hướng tích cực, đời sống vật chất và tinh thần của bà con dần được nâng lên.
 
NGUYỆT THU