Ðược thành lập vào đầu năm 2019, Cơ sở trợ giúp xã hội Hy Vọng (tại 43 Lê Lai, phường Lộc Tiến, TP Bảo Lộc) do các tu sĩ thuộc Dòng tu "Anh em bác ái" đến từ TP Hồ Chí Minh thành lập, đang là ngôi nhà chung ấm áp tình người của các bệnh nhân tâm thần đến từ nhiều địa phương.
Ðược thành lập vào đầu năm 2019, Cơ sở trợ giúp xã hội Hy Vọng (tại 43 Lê Lai, phường Lộc Tiến, TP Bảo Lộc) do các tu sĩ thuộc Dòng tu “Anh em bác ái” đến từ TP Hồ Chí Minh thành lập, đang là ngôi nhà chung ấm áp tình người của các bệnh nhân tâm thần đến từ nhiều địa phương.
|
Ra vườn, làm cỏ là một trong những liệu pháp thường xuyên được các tu sĩ áp dụng để bệnh nhân tâm thần cảm thấy mình sống có ích |
Giảm gánh nặng cho xã hội
Một ngày cuối tháng 8/2019, theo lời giới thiệu của một bác sĩ tại Trung tâm Y tế TP Bảo Lộc, chúng tôi đã tới thăm Cơ sở trợ giúp xã hội Hy Vọng (gọi tắt là Cơ sở Hy Vọng). Cơ sở nằm lọt thỏm trong con hẻm nhỏ trên đường Lê Lai (thuộc Tổ dân phố 4B, phường Lộc Tiến), nhưng được xây dựng khá khang trang và đầy đủ tiện nghi. Trong ngôi nhà chung ấy, 5 thầy (theo cách gọi của các bệnh nhân) đến từ Dòng tu “Anh em bác ái” thay nhau chăm sóc, cưu mang 14 bệnh nhân tâm thần. Để chăm sóc bệnh nhân, các tu sĩ mỗi người đảm nhiệm một công việc nhất định: Người thì chuyên đi chợ lo cơm nước; người lại chuyên thăm khám sức khỏe cho người bệnh; người khác lại có nhiệm vụ trò chuyện và tìm kiếm việc làm phù hợp để bệnh nhân quên đi buồn phiền cảm thấy mình sống có ích… Nhưng tất cả họ đều có cái tâm và trái tim nhân hậu, bác ái để giúp người bệnh xoa dịu nỗi đau sớm trở về bên người thân, gia đình.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Hữu Minh Tâm - Giám đốc Cơ sở Hy Vọng chia sẻ: “Hầu hết bệnh nhân tâm thần đều bị gia đình, người thân xa lánh, khiến cơ hội tái hòa nhập cộng đồng của họ bị cắt đứt. Ở đây, hầu hết bệnh nhân đều bị tâm thần phân liệt mãn tính (mang bệnh suốt đời). Hy Vọng là cái tên mà chúng tôi chọn, với mong muốn những bệnh nhân bị tâm thần phân liệt khi đến đây đều có được cuộc sống đúng nghĩa như bao người khác. Đó là được chăm sóc, chia sẻ, yêu thương và tôn trọng. Tất cả bệnh nhân đều được chúng tôi thăm khám thường xuyên và cho uống thuốc hàng ngày. Còn đối với chuyện ăn uống, hàng ngày, chúng tôi ăn gì thì họ cũng ăn vậy, không có sự phân biệt”.
Theo ông Tâm, ngôi nhà chung Hy Vọng mới được thành lập chưa đầy 1 năm, nhưng đã có hơn 60 gia đình ở nhiều tỉnh, thành phố tìm đến xin gửi người thân mắc bệnh tâm thần.
Nhưng do bước đầu, quy mô cơ sở còn nhỏ nên không thể cưu mang hết. Hiện tại, trong 14 bệnh nhân (tất cả đều là nam giới) mà cơ sở đang cưu mang, có 1 người ở TP Hồ Chí Minh và 1 người bị tai nạn giao thông không chốn đi về, được Công an huyện Di Linh gửi gắm. Số bệnh nhân còn lại đều là người sống tại TP Bảo Lộc. Mỗi bệnh nhân đều có một hoàn cảnh và số phận khác nhau. Có người đã 30 năm cuộc đời, nhưng chưa một ngày được làm người bình thường đúng nghĩa. Có người trước một biến cố của cuộc sống lại phải vào đây và cách biệt hoàn toàn với xã hội… Song, điều đáng thương nhất ở họ vẫn là những mảnh đời bất hạnh không biết mình là ai, sinh ra ở đâu, ngày tháng năm nào, cha mẹ tên gì... Ngay cái tên của mình, có khi họ cũng chẳng nhớ nổi.
Thế nhưng, khi được Hy Vọng cưu mang, họ lại được gắn kết, được yêu thương và được thấu hiểu. Chính điều đó đã và đang giảm bớt gánh nặng cho chính gia đình của họ và cho xã hội.
Ấm tình người
Theo chia sẻ của các tu sĩ tại ngôi nhà chung Hy Vọng, những bệnh nhân tâm thần đang được cưu mang tại đây, có người may mắn được người thân chăm sóc, nhưng cũng không ít người phải sống vật vờ ở lề đường, góc phố. Đa phần các bệnh nhân không được dùng thuốc men đầy đủ và thường xuyên tiếp xúc với các chất kích thích như thuốc lá, rượu nên bệnh tình ngày càng nặng thêm. Vì vậy, khi mới đến với Hy Vọng, họ đều quậy phá, la ó, chửi bới và thậm chí hành hung luôn các tu sĩ. Cá biệt, có bệnh nhân còn tìm cách bỏ trốn hoặc tự sát, khiến việc quản lý, chăm sóc của các tu sĩ gặp vô vàn khó khăn.
Là người gần gũi, chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ cho các bệnh nhân tâm thần tại Hy Vọng, tu sĩ Nguyễn Văn Công tâm sự: “Đây là con đường mà chúng tôi đã chọn, nên mỗi người đều ý thức phải chăm sóc, dành những tình cảm tốt đẹp nhất cho người bệnh để họ được sống vui vẻ, bình an. Những ngày tháng qua, tất cả chúng tôi đã trải qua nhiều cung bậc cảm xúc, chứng kiến niềm vui, nỗi buồn và bệnh tình khi tăng, lúc giảm của từng người bệnh. Ngay cả việc đối diện với những ánh mắt, hành động dữ dằn mỗi khi bệnh nhân lên cơn kích động. Riêng bản thân tôi là đầu bếp nên gần gũi với bệnh nhân nhiều nhất nhưng cũng bị họ dùng gậy hành hung khi lên cơn. Song, tình cảm mà chúng tôi dành cho họ như những người thân trong gia đình. Chúng tôi đều mong muốn, tất cả bệnh nhân vào đây đều sớm vượt qua bệnh tật và trở về với cuộc sống đời thường”.
Đến với Cơ sở Hy Vọng, các bệnh nhân tâm thần, không chỉ được chăm sóc chu đáo, uống thuốc đầy đủ hàng ngày, mà còn được “cai” các chất kích thích như thuốc lá, rượu. Ngoài ra, các tu sĩ còn áp dụng nhiều liệu pháp khác để hỗ trợ cho bệnh nhân như thường xuyên nói chuyện, cho bệnh nhân ra vườn trồng cây, làm cỏ, phụ bếp, dọn dẹp... Cùng với đó, ngay trong phòng sinh hoạt tập thể, các tu sĩ còn trang bị ti vi, thiết bị chơi bóng bàn… Tất cả đều giúp bệnh nhân tăng cường sức khỏe, thư giãn đầu óc tạo môi trường vui vẻ, gắn kết, hòa đồng giúp họ được sống có ích mỗi ngày.
“Hiện tại, để chăm sóc tốt cho bệnh nhân, trung bình mỗi tháng, tiền ăn và thuốc men chúng tôi phải chi phí ít nhất 30 triệu đồng. Số tiền này, người nhà bệnh nhân hỗ trợ khoảng 10 triệu đồng, số còn lại do bản thân chúng tôi tự chi và Dòng tu “Anh em bác ái” hỗ trợ. Tới đây, chúng tôi sẽ đầu tư mở rộng cơ sở để đáp ứng cưu mang khoảng 60 - 70 bệnh nhân tâm thần” - ông Nguyễn Hữu Minh Tâm cho biết dự định của ngôi nhà chung Hy Vọng.
Ông Lê Hoài Bảo - Phó Chủ tịch UBND phường Lộc Tiến (TP Bảo Lộc) cho biết: “Địa phương rất trân trọng những việc làm ý nghĩa và tình cảm quý báu mà các tu sĩ Dòng tu “Anh em bác ái” đã và đang mang lại cho các bệnh nhân tâm thần. Tới đây, khi cơ sở có đủ điều kiện và nhu cầu mở rộng quy mô, địa phương sẽ có phương án hỗ trợ tối đa về các thủ tục pháp lý. Mong rằng, để cơ sở thực hiện tốt vai trò bảo trợ xã hội của mình, Hy Vọng sẽ nhận được nhiều sự quan tâm, giúp đỡ từ các tổ chức, đoàn thể, các nhà hảo tâm và mạnh thường quân”.
KHÁNH PHÚC