Tại xã Tam Bố (huyện Di Linh), phong trào góp sức xây dựng những con đường liên thôn, liên xóm trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số được người dân ủng hộ mạnh mẽ. Sự đồng thuận của lòng dân là sức mạnh lớn nhất để xã hoàn thành sớm hệ thống giao thông nông thôn.
Tại xã Tam Bố (huyện Di Linh), phong trào góp sức xây dựng những con đường liên thôn, liên xóm trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số được người dân ủng hộ mạnh mẽ. Sự đồng thuận của lòng dân là sức mạnh lớn nhất để xã hoàn thành sớm hệ thống giao thông nông thôn.
Những con đường khang trang tại Thôn 4 được hoàn thành từ sự đồng thuận của lòng dân. Ảnh: V.Q |
Những ngày đầu năm học mới, trẻ em Thôn 4, Thôn 5 ríu rít đi bộ đến trường trên con đường rộng rãi, khang trang, sạch đẹp. Tháng 5 vừa rồi, Thôn 4 đã kịp hoàn thành đoạn đường bê tông dài 1 km dẫn đến Trường Tiểu học Tam Bố, nâng tổng số đường được bê tông hóa trong thôn lên 80%. Trò chuyện với anh K’Tuyền - Trưởng Thôn 4 về quá trình vận động người dân nơi đây hiến đất, hiến công làm đường, mới hiểu rõ vì sao Chủ tịch UBND xã Tam Bố Trần Thị Thúy Kiều lại nói rằng, đó là một câu chuyện đặc biệt về sự đồng thuận của lòng dân.
Thôn 4 là một trong 2 thôn đồng bào dân tộc thiểu số của xã Tam Bố, với trên 90% người dân là người K’Ho. Toàn thôn hiện có 450 hộ với 1.985 khẩu. Khác với hình ảnh đường sá khang trang bây giờ, Thôn 4 của cách đây vài năm là những con đường đất nhỏ, lầy lội, gồ ghề. Người già, trẻ con không dám ra đường mỗi mùa mưa đến. Thế nên, việc mở rộng đường và đổ bê tông là nguyện vọng đã từ rất lâu của bà con. Dù vậy, khi Nhà nước phát động phong trào xây dựng nông thôn mới từ năm 2013, việc vận động sự đóng góp của người dân lại không hề dễ dàng. “Thật khó để xóa bỏ tâm lý trông chờ, ỷ lại đã in sâu bao lâu nay trong suy nghĩ của người đồng bào dân tộc thiểu số. Càng khó khăn hơn nữa bởi đời sống kinh tế của bà con còn thiếu thốn. Thôn phải tập trung tuyên truyền lâu dài theo kiểu “mưa dầm thấm lâu” để người dân hiểu được” - anh K’Tuyền chia sẻ. Đó là lý do mà đến tận năm 2016, tư tưởng của người dân mới thật sự được thông suốt, những đoạn đường đổ bê tông đầu tiên mới bắt đầu được tiến hành.
Từ đầu năm 2016, khi xã Tam Bố phát động phong trào làm đường bê tông nông thôn với hình thức Nhà nước và Nhân dân cùng làm theo tỷ lệ 70 - 30, Thôn 4 đã bầu ra Ban giám sát công trình là những người có uy tín như Bí thư, Trưởng thôn, Cựu chiến binh, Nông dân, Thanh niên... để cùng tham gia kiểm tra, giám sát công trình. Mỗi công việc được triển khai đều có sự bàn bạc và công khai tới từng hộ gia đình, từ đó mà tạo được sự đồng thuận cao trong Nhân dân.
Anh K’Tuyền năm nay 32 tuổi, nhưng anh đã có 2 năm làm phó thôn và 6 năm làm trưởng thôn. Chính vì vậy mà anh chứng kiến cũng như đồng hành với toàn bộ quá trình làm đường tại thôn mình. Đó là những ngày đầu họp thôn để tính toán số tiền phải đóng sao cho phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện của từng hộ. Nhà nào có điều kiện, có xe máy cày thì đóng nhiều hơn. Nhà nào neo người, khó khăn thì đóng ít hơn một chút. Với 95% người dân trong thôn theo đạo Công giáo, ban điều hành thôn đã kết hợp với nhà thờ để phân tích, vận động người dân ủng hộ cho phong trào. Hay khéo léo xem xét tình hình con đường mở rộng sẽ đụng đất, đụng cây nhà nào để thuyết phục bà con hy sinh một chút lợi ích riêng cho lợi ích chung. Rồi trải qua những ngày cả thôn xóm rộn ràng vì người dân trực tiếp thi công. Theo quy định, đến đoạn đường nào thì các hộ dân ở đoạn đó sẽ thi công. Toàn Thôn 4 có 6 xóm, mà không phải xóm nào cũng nhận được sự đồng thuận của toàn bộ người dân ngay từ đầu. Thế nên, “chúng tôi chọn xóm có ít hộ dân nhất để làm đoạn đường đầu tiên. Đường hoàn thành, những hộ dân xung quanh nhìn thấy được hiệu quả, đường sá khang trang, đi lại thuận lợi, vậy là người dân bắt đầu có niềm tin hơn, và chúng tôi bắt đầu tiến hành từng đoạn một. Tiền đóng qua nhiều lần, chúng tôi đi mua chịu vật liệu, rồi vừa thi công vừa vận động bà con. Đến khi con đường hoàn thành thì người dân cũng đóng góp đủ” - anh K’Tuyền cho hay. Thế nhưng, khi lòng dân đã đồng thuận, người dân Thôn 4 sẵn sàng bỏ ra nhiều ngày công hơn để cùng giúp nhau làm đường, không hề tính toán thiệt hơn, không tiếc công tiếc sức.
Đã qua 65 mùa rẫy và hơn một nửa chừng đó thời gian gắn bó với Thôn 4, bà Ka Wêr không giấu vẻ vui mừng khi nhắc đến những con đường mới. Bà kể rằng “khi nghe tin Nhà nước hỗ trợ làm đường, chúng tôi mừng lắm, nên khó thì khó, thiếu thì thiếu, tôi cũng vay tiền để đóng kịp với mọi người trong xóm làm đường. Có nhà mất một chút đất, có nhà mất vài hàng cây cà phê, nhưng chúng tôi vui nhiều vì từ nay đi học, đi khám bệnh hay chở cà phê đều thuận tiện hơn trước rất nhiều”.
Bà Trần Thị Thúy Kiều - Phó Chủ tịch UBND xã khẳng định: Những con đường ở Thôn 4, Thôn 5 là những con đường liên xóm, liên thôn đầu tiên trong xã được bê tông hóa. Việc người đồng bào dân tộc thiểu số bỏ ra vài triệu đồng và sẵn sàng bỏ công ra để làm đường là điều rất khó, vậy nhưng ban điều hành Thôn 4 đã làm được. Theo đúng tinh thần Nông thôn mới, công trình là do “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, thế nên người dân hoàn toàn yên tâm về chất lượng của công trình”.
VIỆT QUỲNH