Tìm cách khống chế dịch bệnh tả lợn châu Phi tại Lâm Ðồng

09:09, 01/09/2019

Lâm Ðồng là một trong 62 tỉnh được xác định có dịch tả lợn châu Phi. Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Lâm Ðồng, tính đến ngày 23/8/2019, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 1.357 hộ/ 300 thôn/ 67 xã, phường, thị trấn/9 huyện, thành phố.

Lâm Ðồng là một trong 62 tỉnh được xác định có dịch tả lợn châu Phi. Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Lâm Ðồng, tính đến ngày 23/8/2019, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 1.357 hộ/ 300 thôn/ 67 xã, phường, thị trấn/9 huyện, thành phố.
 
Xử lý heo dịch đúng quy trình góp phần hạn chế dịch bệnh lây lan. Ảnh: L.Hoa
Xử lý heo dịch đúng quy trình góp phần hạn chế dịch bệnh lây lan. Ảnh: L.Hoa
 
Các huyện, thành có dịch là: Đức Trọng, Lâm Hà, Đam Rông, Di Linh, Bảo Lộc, Bảo Lâm, Đạ Huoai, Đạ Tẻh và Cát Tiên làm 37.213 con lợn mắc bệnh; số lợn đã tiêu hủy là 36.857 con (chiếm tỷ lệ 10,9% so với tổng đàn của 9 địa phương đang có lợn mắc bệnh), trọng lượng 2.736.478 kg. Hiện còn 3 địa phương là thành phố Đà Lạt, huyện Lạc Dương và Đơn Dương chưa phát hiện có lợn mắc bệnh.
 
Mặc dù tốc độ lây lan đã giảm so với tháng trước, nhưng dịch tả lợn tiếp tục phát sinh gây thiệt hại cho các hộ chăn nuôi của tỉnh Lâm Đồng. Trước đây, mỗi ngày tới 1.000 con, nay khoảng 500 con/ngày nhiễm bệnh. Heo bệnh đã được tập trung xử lý, không vứt xác xuống kênh mương, chôn lấp đúng quy trình. Tính riêng trong tuần (từ ngày 17 - 23/8, bệnh phát sinh mới ở 150 hộ, 27 thôn và 4 xã (Đạ Quyn - huyện Đức Trọng; xã Mỹ Đức, Triệu Hải và Quảng Trị - huyện Đạ Tẻh). Tổng số lợn tiêu hủy là 3.652 con, trọng lượng tiêu hủy là 206.428 kg.
 
Theo Tổ chức Thú y thế giới (OIE), bệnh tả lợn châu Phi là bệnh truyền nhiễm do một loại virus có trong máu, cơ quan và dịch bài tiết của lợn nhiễm bệnh gây ra. Bệnh tả lợn lây lan nhanh với các loài lợn, xảy ra ở mọi giống lợn, mọi lứa tuổi lợn và tỷ lệ chết là 100% ở lợn nhiễm bệnh. Cho đến nay, bệnh tả lợn châu Phi đã xảy ra ở nhiều nước trên thế giới và ở một số quốc gia đã bùng phát thành dịch tả lợn châu Phi. Bệnh tả lợn châu Phi tuy không đe dọa trực tiếp đến sức khỏe con người nhưng nguy cơ tiềm ẩn là do lợn bị tả rất dễ mắc thêm các virus gây bệnh khác do bội nhiễm.

Cũng theo báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng: So với tuần trước đó (từ ngày 10-16/8), số lợn tiêu hủy giảm 721 con, trọng lượng tiêu hủy giảm 46.995 kg; số hộ giảm 12 hộ; số xã giảm 5 xã. Hầu hết các địa phương có số lợn mắc bệnh giảm so với tuần trước, tuy nhiên Đam Rông tăng 274 con, Cát Tiên tăng 172 con. Các địa phương có số lợn mắc bệnh phải tiêu hủy nhiều là: Đức Trọng (1.239 con), Cát Tiên (839 con), Đam Rông (484 con), Di Linh (384 con) và Lâm Hà (313 con). Đức Trọng và Đạ Tẻh là 2 địa phương phát sinh thêm 4 xã mới có lợn mắc bệnh. 

Trong tuần từ ngày 17-23/8, có 22 xã, thị trấn của 7 địa phương là Đức Trọng, Cát Tiên, Lâm Hà, Di Linh, Bảo Lộc, Đạ Huoai và Đạ Tẻh không phát sinh lợn mắc bệnh; trong đó có 2 xã, thị trấn là Phú Hội, Hiệp Thạnh thuộc huyện Đức Trọng đã qua 30 ngày không phát sinh lợn mắc bệnh. Nguyên nhân bệnh vẫn tiếp tục phát sinh được xác định là do ảnh hưởng của mưa lũ, tạo nên không khí ẩm làm mầm bệnh tiếp tục lây lan; bệnh cũng lây lan ở các địa phương có tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ khó áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học để phòng dịch; bệnh chưa có vắc xin tiêm phòng và thuốc điều trị nên lợn bị nhiễm bệnh hầu như không có khả năng cứu chữa.
 
Trong tuần qua, các tiêu chí về dịch bệnh tả lợn đều giảm cả về số lợn tiêu hủy, số hộ và số xã phát sinh mới đều giảm; số thôn tăng nhưng không đáng kể (2 thôn). Nguyên nhân có thể là do trong những ngày qua, giá lợn hơi trên thị trường có xu hướng tăng mạnh, từ 42.000 - 44.000 đồng/kg nên người dân có ý thức hơn trong việc phòng chống dịch bệnh, đàn lợn được chăm sóc kỹ, sức đề kháng tốt hơn và giảm khả năng lây nhiễm của dịch bệnh. Bệnh lây lan chậm ở Lâm Đồng cũng được cho là do thời tiết nóng lên và ngừng mưa.
 
Ở các địa phương khác, do đang là mùa hè, mưa nhiều nên thời tiết chủ đạo là nóng ẩm khiến dịch bệnh phát triển. Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S: Ở Ninh Thuận - tỉnh duy nhất chưa có dịch tả lợn châu Phi, được xác định là do thời tiết ở Ninh Thuận nóng khô nên virut không có cơ hội lây lan và phát triển. Một trường hợp đặc biệt ở Đồng Nai là hộ bà Nhung (huyện Thống Nhất, Đồng Nai) phát hiện heo bị dịch, đã tiêu hủy 1 chuồng 39 con; còn 1 chuồng 15 con, trong khi lấy mẫu đi xét nghiệm, gia đình cho heo ăn bã hèm rượu nóng và hun khói bằng mùn cưa để giữ ấm đã khiến đàn heo 15 con khỏe mạnh trở lại, ăn uống bình thường, dù kết quả xét nghiệm là dương tính với bệnh dịch. Đây là kinh nghiệm có thể áp dụng song song với công tác kiểm soát dịch bệnh tránh phát sinh và lây lan.      
 
LÊ HOA