Gìn giữ nghề dệt truyền thống

06:10, 02/10/2019

Cùng với việc gìn giữ một nghề truyền thống của dân tộc thì dệt thổ cẩm cũng được đánh giá là công việc để những cô gái người Cil có thể mở rộng cơ hội nghề nghiệp của mình trong những khu du lịch cộng đồng đang phát triển ở địa phương.

Cùng với việc gìn giữ một nghề truyền thống của dân tộc thì dệt thổ cẩm cũng được đánh giá là công việc để những cô gái người Cil có thể mở rộng cơ hội nghề nghiệp của mình trong những khu du lịch cộng đồng đang phát triển ở địa phương.
 
Nghệ nhân Ka Tuyn tận tình hướng dẫn học viên. Ảnh: H.Thắm
Nghệ nhân Ka Tuyn tận tình hướng dẫn học viên. Ảnh: H.Thắm
 
Dạy nghề cho phụ nữ dân tộc thiểu số
 
Sau hơn 3 tháng miệt mài, những cô gái Cil nay đã tự tin khoe sản phẩm mình làm ra, dù đó chỉ là một tấm khăn với những họa tiết đơn giản, cơ bản nhất.
 
Nghệ nhân Ka Tuyn - người dành một đời mình cho việc gìn giữ thổ cẩm của người Cil mỉm cười nhìn những cô gái học trò của mình. Bà Ka Tuyn bảo rằng đây là một thế hệ trẻ tiềm năng. Vì còn trẻ, họ có học vấn, có hiểu biết để ghi chép, ghi nhớ những gì đã học, không chỉ bằng trí nhớ mà cả trên sách vở, khác với những người bà, người mẹ của mình ngày xưa. Từ đó, khả năng các bạn còn gắn bó được với nghề này sẽ rất cao. Vấn đề còn lại là làm thế nào chính bản thân các em giữ cho mình niềm yêu thích với nghề truyền thống này.
 
Vẫn còn luống cuống, vụng về cả khi giăng chỉ, những chiếc ùi nhỏ sắp hoàn thành vẫn có những lỗi sai, đường chỉ viền rối bời; thế nhưng, với những cô gái ấy, đó là cả một sự nỗ lực, với một thái độ cẩn thận, tỉ mẩn. Với Sơ Kết Ka Luyên (22 tuổi), đây là lần đầu tiên em ngồi bên khung dệt. Nhà không có ai rành rẽ dệt nên từ nhỏ, em chỉ được xem những người phụ nữ khác dệt vải hay qua một vài chương trình trên ti vi. Lần đầu học, Ka Luyên thấy cái gì cũng khó. Chân tay cứng hết cả, chẳng biết phải làm sao với những sợi chỉ mềm mại, một lúc lại rối nùi lên. Rồi tay lại mỏi, ngồi mãi một chỗ cũng đau lưng, đau chân. Thế nhưng Ka Luyên vẫn còn thích, mỏi quá thì dừng lại, cứ ngồi nghỉ một lát rồi tiếp tục. 
 
“Ban đầu em nghĩ học dệt thổ cẩm khó lắm. Nhìn những bộ đồ truyền thống của bà, của mẹ ở nhà rất đẹp nên em nghĩ chắc mình không thể làm được như vậy đâu. Trong lớp có nhiều người không kiên nhẫn theo được nên đã nghỉ. Học rồi em mới thấy thích, nhất là khi bắt đầu dệt thành hình mấy hoa văn. Nhiều sản phẩm công nghiệp bây giờ em thấy không đẹp bằng mình dệt thủ công thế này. Sau này nhất định phải theo và học thêm kỹ thuật nhiều hơn nữa, để có thể may thành váy áo, túi đựng như ở ngoài kia”, Ka Luyên thật thà chia sẻ.
 
Lớp học nghề dệt thổ cẩm đầu tiên ở Đạ Chais (huyện Lạc Dương) dành cho 35 người. Nhưng rồi sĩ số vơi dần, đến ngày cuối còn lại 20 học viên. Hơn 3.000 giờ học những kiến thức căn bản, đây chỉ là những bước đi đầu tiên trong hành trình trở thành một người dệt thổ cẩm thành thạo, chứ chưa nói đến việc có thể mưu sinh được với nghề này. Theo nghệ nhân Ka Tuyn, người nào học nhanh thì cũng phải 1 - 2 năm mới có thể dệt thành thục. Nhưng nhìn thấy được sự quyết tâm từ những cô gái trẻ như Ka Luyên, mọi người đều tin rằng những đôi bàn tay kia chẳng mấy chốc mà trở nên thoăn thoắt, điêu luyện.
 
Hướng mở cho du lịch cộng đồng
 
Dạy nghề dệt thổ cẩm một phần là để gìn giữ nghề truyền thống của đồng bào Cil từ bao đời, xa hơn, đó là tạo việc làm trong thời gian nông nhàn, kết hợp với làm du lịch.
 
Dọc tuyến đường 27C đi qua địa bàn xã Đạ Chais hiện nay, nhiều khu du lịch đã và đang hình thành. Ông Liêng Jrang Ha Thuyên - Phó Chủ tịch UBND xã Đạ Chais cho biết, trong hơn 1 năm trở lại đây, du lịch địa phương dần phát triển khi nhiều doanh nghiệp tư nhân đến đầu tư. Hiện nay thống kê có 11 khu du lịch đã và sắp đi vào hoạt động, trong đó có kết hợp yếu tố văn hóa, phát triển du lịch cộng đồng. Với vị trí cửa ngõ, nhiều đoàn khách du lịch chọn nơi đây dừng chân và tìm mua những sản phẩm truyền thống thổ cẩm dệt tay của người đồng bào Cil nhưng số lượng vẫn còn hạn chế. Một vài cửa hàng nhập sản phẩm công nghiệp từ nơi khác về bày bán. 
 
“Địa phương bước đầu đã làm việc với các khu du lịch, dự án trên địa bàn để nắm bắt nhu cầu của khách hàng về những mặt hàng lưu niệm được làm từ những tấm thổ cẩm truyền thống. Với việc có những người thợ có tay nghề thì quá trình tham gia kết hợp sẽ dễ dàng hơn, quan trọng là tạo ra được các sản phẩm chất lượng với kiểu dáng phù hợp”, ông Ha Thuyên cho biết thêm.
 
Với định hướng đó, nhiều khu du lịch trên địa bàn cũng bày tỏ mong muốn kết hợp cùng với bà con DTTS để đưa hình ảnh của mảnh đất anh hùng Đạ Chais đến với du khách. Bà Nguyễn Lê Thạch Thảo - đại diện Chapicoffee - tour du lịch về cà phê đang đóng chân trên địa bàn cho biết: Khách du lịch, đặc biệt là người nước ngoài luôn có nhu cầu tìm hiểu về văn hóa ở mỗi địa phương họ dừng chân. Với xu thế đó thì kết hợp thêm các sản phẩm về dệt thổ cẩm truyền thống cũng là cách để các bên cùng có lợi, phát triển, qua đó quảng bá thêm về hình ảnh địa phương.
 
HỒNG THẮM