Mùa hái hồng thuê

07:10, 03/10/2019

Những cây hồng rộ đỏ, lúc lỉu trái, đây là thời điểm những người đi hái hồng thuê lại có việc để làm. Họ tranh thủ thời gian nhàn rỗi khi chưa tới vụ cà phê để hái hồng thuê.

Những cây hồng rộ đỏ, lúc lỉu trái, đây là thời điểm những người đi hái hồng thuê lại có việc để làm. Họ tranh thủ thời gian nhàn rỗi khi chưa tới vụ cà phê để hái hồng thuê.
 
Người hái thuê “treo” người trên cây để hái hồng
Người hái thuê “treo” người trên cây để hái hồng
 
Đến những khu vườn ngoại ô thành phố Đà Lạt, Đơn Dương những ngày này, có thể dễ dàng thấy những cây hồng sai trĩu quả. Là loại trái cây Á nhiệt đới, phù hợp với những vùng có khí hậu lạnh nên hồng được trồng nhiều tại đây. Thời điểm khoảng từ tháng 7 đến tháng 11 hàng năm sẽ là mùa thu hoạch của trái hồng. Cụ thể, thời gian thu hoạch hồng giòn sẽ kết thúc sớm hơn so với hồng chín, hay như thời gian thu hoạch hồng chín và làm hồng treo có thể kéo dài đến tháng 12.
 
 Để thu hoạch hồng, người dân chuẩn bị đầy đủ các loại dụng cụ, như thang tre, thang xếp, xô, chậu, móc (ngoéo)... Nhiều gia đình có nhân công thì tự thu hoạch, một số khác phải bỏ chi phí thuê người hái.
 
Dạo chơi trong một khu vườn của nông dân Cầu Đất giống như đi giữa khu vườn cổ tích với những cây hồng chuyển màu từ xanh sang đỏ sai trĩu quả. Xa xa nhìn lên cây nhiều người đang vắt mình trên cây khẳng khiu để hái hồng. Bởi nghề mỗi năm chỉ phát huy tác dụng trong vòng 2-3 tháng, nhưng lại đòi hỏi rất đặc biệt nên nghề cũng kén người. 
 
Từng loại hồng sẽ được thu hái khác nhau, hồng khi hái không để trầy xước, nứt hay dập… đòi hỏi người hái phải rất cẩn thận nâng niu từng quả một. Do vậy, công hái hồng ở đây được trả khá cao. Anh Nguyễn Bảo Hùng, thôn Đất Làng (Xuân Trường) cho biết, anh đã có thâm niên hái hồng thuê nhiều năm, năm nào cũng vậy anh được chủ vườn thuê để hái. Dụng cụ mang theo là có giỏ, thùng để đựng hồng, móc để quèo nhánh hồng vào. Sau khi hái tầng dưới, tầng trên cao của cây sẽ được hái bằng cách trèo hoặc dùng sào. Muốn trèo phải có đủ sức khỏe để có thể leo trèo như sóc, cành cây có lúc đung đưa theo gió, người đứng dưới có thể sẽ sợ nhưng quen rồi nên không còn sợ nữa, chỉ cần lúc lắc theo gió, thân hồng dẻo dai nên sẽ không gãy…
 
Theo nhiều thợ lão làng, nghề hái hồng đòi hỏi tay nghề khá đặc biệt. Không chỉ cần có kỹ năng trèo cao như một số nghề hái các loại trái cây khác, mà còn nhiều kỹ năng khác đòi hỏi người hái phải thật nhẹ nhàng để hạn chế hồng bị trầy xước, hư hỏng vì hồng chỉ cần vết xước nhỏ có thể sẽ bị loại bỏ... Do đó, dù trên thực tế có nhiều người chuyên sống bằng nghề hái trái thuê, nhưng người hái hồng thì chỉ có một số ít đáp ứng được yêu cầu.
 
Mặt khác, như thỏa thuận bất thành văn, người hái hồng còn đảm nhận luôn cả việc vận chuyển hồng sau khi hái đến điểm tập kết để lực lượng tuyển lựa, phân loại làm hồng giòn hay hồng treo để cung cấp các thị trường. Do vậy, thường họ phải làm việc theo nhóm với sự bố trí, luân phiên nhịp nhàng, hiệu quả nhất. Vì vậy giá thuê hái hồng cũng khá cao, bình quân 1.500 - 2.000 đồng/kg. Thời điểm rộ mùa, bình quân mỗi người thợ hái thu nhập lên đến cả triệu đồng/ngày.
 
Anh Nguyễn Văn Bảo, thôn Trạm Hành 1 cho biết, mỗi ngày, tại đây, những cây hồng cao hàng chục mét, có rất nhiều trái và được trồng xen kẽ với những hàng cà phê. Người dân chủ yếu trồng xen để lấy bóng mát che cho cà phê và tăng thêm thu nhập. Tuy là cây phụ nhưng mỗi năm hồng cũng cho gia đình anh thu nhập đáng kể. Cứ tới mùa hồng anh và những người làm công của mình đến vườn và hái hồng bỏ đầy vào những chiếc sọt, sau đó mang về nhà làm hồng treo. Những trái hồng được chọn là những trái vừa chín tới, đủ độ đường và vàng đều. Sau khi hái tầng dưới, chúng tôi sẽ chuyển qua hái trên cao bằng cách trèo cây hoặc dùng những chiếc sào dài có túi vải để hái.
 
Theo thống kê thì vào mùa hồng có hàng trăm người hái hồng thuê. Thu hoạch hồng không chỉ tạo thu nhập cho người nông dân các xã vùng ven Đà Lạt Xuân Trường, Trạm Hành, Dran… đó còn là niềm vui của những người đi hái hồng thuê, vì dịp này họ lại có thêm một nguồn thu nhập đáng kể.
 
PHONG VÂN