Nỗ lực để người khuyết tật Lâm Đồng hòa nhập cộng đồng

06:12, 12/12/2019

Bằng sự đồng cảm, sẻ chia từ xã hội cùng sự quan tâm của các ban, ngành, cơ quan chức năng, đời sống tinh thần lẫn vật chất của người khuyết tật Lâm Đồng ngày càng được cải thiện, tự tin vượt qua mặc cảm, hòa nhập với cuộc sống.

Bằng sự đồng cảm, sẻ chia từ xã hội cùng sự quan tâm của các ban, ngành, cơ quan chức năng, đời sống tinh thần lẫn vật chất của người khuyết tật Lâm Đồng ngày càng được cải thiện, tự tin vượt qua mặc cảm, hòa nhập với cuộc sống.
 
Người khuyết tật tham gia thể thao. Ảnh: N.Quỳnh
Người khuyết tật tham gia thể thao. Ảnh: N.Quỳnh
 
Chỗ dựa tinh thần
 
Hình ảnh cô gái nhỏ với những bước chạy khập khiễng, cánh tay co quắp đang nỗ lực chạy thật nhanh để hoàn thành chặng đường đua điền kinh của mình, trong giải thi đấu thể thao dành cho người khuyết tật do tỉnh Lâm Đồng tổ chức vừa qua, đã để lại trong lòng người xem nhiều xúc động. Cô gái nhỏ ấy tên Nưng Sang Thu (15 tuổi), em đến từ Hội Người khuyết tật huyện Đơn Dương. 
 
Từ lúc sinh ra, Thu đã mắc chứng bệnh thiểu năng trí tuệ, liệt nửa người. Với bàn tay co quắp, nhiều lúc không theo kịp bạn bè, đã có những lúc em thấy bất lực và tự ti. Thế nhưng, từ ngày được mẹ cho tham gia vào Hội Người khuyết tật của huyện, tinh thần của em trở nên vui vẻ, lạc quan hơn. Em nhiều lần đoạt Huy chương Vàng trong các giải thi đấu điền kinh của huyện và tỉnh. Năm nay cũng không ngoại lệ, Thu đoạt giải nhất giải điền kinh và cũng là một trong những gương mặt được lựa chọn để tham gia Giải thể thao người khuyết tật toàn quốc năm 2020. 
 
Để có những thành tích này, em đã chạy và tập luyện nỗ lực hết mình, vượt qua những khuyết tật của bản thân. “Nhiều lúc em thấy buồn, tự ti với bạn bè, nhưng vào hội các cô chú trong hội luôn quan tâm, giúp đỡ em, em thấy rất vui. Em được vui chơi, tập luyện thể thao, có sức khỏe. Trong lúc chạy, em muốn vượt qua chính mình, chỉ có suy nghĩ cố gắng chạy thật nhanh để về đích”- em kể. Mẹ Thu, chị Nưng Sang Ma Thinh tâm sự: “Tôi đưa con đến hội chỉ mong muốn con có thể tự tin, lạc quan hơn. Từ khi tham gia hội, thấy những thay đổi của con từng ngày, vui vẻ và khỏe mạnh hơn, tôi thấy rất vui”.
 
Không chỉ riêng Thu, mà còn có rất nhiều hội viên khác trong Hội Người khuyết tật huyện Đơn Dương vẫn đang sống lạc quan và nỗ lực vượt qua chính mình bằng sự yêu thương đồng cảm, giúp đỡ lẫn nhau từ trong hội. 
 
Hội Người khuyết tật huyện Đơn Dương hiện có 210 hội viên. Để chăm lo đời sống tinh thần lẫn vật chất cho người khuyết tật, hội không chỉ thường xuyên tổ chức các chương trình ca nhạc gây quỹ, thi đấu thể thao, tổ chức tham quan, du lịch cho người khuyết tật mà còn liên kết với các mạnh thường quân để chăm lo hội viên. Cụ thể, trong năm qua, Hội đã tặng 7 chiếc xe lắc điện giá trị hơn 100 triệu đồng cho những hoàn cảnh khó khăn, bị bệnh nặng; tặng khoảng gần 4.000 suất quà gồm những nhu yếu phẩm cho hội viên. Hội đã xây dựng được tổng nguồn quỹ hơn 100 triệu đồng trao tặng quà, học bổng khuyến học cho những em học tập tốt và tặng 15 triệu đồng cho những em bị bệnh bại não, đồng thời, thăm khám, chữa bệnh cho hội viên. Chính từ những việc làm thiết thực và những sự quan tâm, đồng cảm, sẻ chia kịp thời này đã giúp cho tinh thần người khuyết tật trở nên lạc quan hơn, có thêm động lực vượt qua được những khó khăn, vươn lên hòa nhập với cộng đồng.
 
Dạy nghề - tạo việc làm 
 
Không chỉ chăm lo đời sống tinh thần cho người khuyết tật, các Hội Người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng còn chú trọng đến việc dạy nghề, tạo công ăn việc làm cho người khuyết tật đúng với phương châm “trao cần câu chứ không trao con cá”, để người khuyết tật tự tạo lập được cuộc sống.
 
Nổi bật như Hội Người khuyết tật huyện Đức Trọng. Năm 2007, hội đã thành lập Hợp tác xã Vươn lên, với 38 thành viên, giúp tạo công ăn việc làm cho hội viên. Các thành viên trong hợp tác xã đã liên kết xây dựng các cơ sở đan móc len, cửa hàng photo in ấn, từ đó giúp giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho hơn 80% hội viên người khuyết tật. Không chỉ tạo việc làm cho hội viên, hợp tác xã cũng hỗ trợ việc làm cho những phụ nữ bình thường không có việc làm ở địa phương. 
 
Hợp tác xã Vươn lên sau nhiều năm thành lập đã trở thành điểm tựa vững chắc cho người khuyết tật. Chị Quảng Thị Ngọc Thạch, Chủ tịch Hội Người khuyết tật huyện Đức Trọng cho biết: “Hợp tác xã được thành lập từ sự đồng cảm những khó khăn của hội viên trong việc tìm kiếm việc làm, nhờ đó mà giúp được rất nhiều hoàn cảnh khuyết tật có được công việc, có được thu nhập để trang trải cuộc sống. Ngoài ra, hội cũng thường xuyên tổ chức dạy nghề, cho học viên đi học nghề để có tay nghề được vững hơn”.
 
Thời gian qua, để tạo thêm nhiều cơ hội việc làm, nâng cao cuộc sống cho người khuyết tật, các hội khuyết tật trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng cũng đã tích cực tuyên truyền, vận động, phối hợp với các trường dạy nghề để tổ chức cho người khuyết tật học các nghề như: đan may, tin học văn phòng, nấu ăn,… đồng thời làm việc với các cơ sở, công ty, tìm kiếm việc làm cho người khuyết tật. Theo thống kê, hiện trên địa bàn tỉnh có 1.580 người khuyết tật được đào tạo nghề và tư vấn giới thiệu việc làm; giúp cho 1.325 người khuyết tật có việc làm ổn định. 
 
Ông Trần Mạnh Thu, Chủ tịch Hội Người khuyết tật tỉnh Lâm Đồng cho biết: “Bên cạnh những việc làm như đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm cho người khuyết tật, chúng tôi đang nỗ lực làm việc với Ngân hàng Chính sách xã hội tạo điều kiện để người khuyết tật được vay vốn hoặc người nhà có thể đứng ra bảo lãnh vay vốn, không cần phải thông qua tổ chức nào để người khuyết tật dễ dàng vay vốn, mạnh dạn làm kinh tế, ổn định cuộc sống hơn”.
 
NHẬT QUỲNH