Mái ấm của trẻ bất hạnh

06:01, 15/01/2020

Qua 30 năm hoạt động, Làng Trẻ em SOS Đà Lạt đã trở thành mái nhà chung nơi trẻ em bất hạnh được nuôi dạy, chăm sóc, được cảm thấy an toàn và được học tập, rèn luyện để phát triển bản thân. 

Qua 30 năm hoạt động, Làng Trẻ em SOS Đà Lạt đã trở thành mái nhà chung nơi trẻ em bất hạnh được nuôi dạy, chăm sóc, được cảm thấy an toàn và được học tập, rèn luyện để phát triển bản thân. 
 
Trẻ được chăm sóc, nuôi dưỡng trong các gia đình của Làng Trẻ em SOS Đà Lạt. Ảnh: T.H
Trẻ được chăm sóc, nuôi dưỡng trong các gia đình của Làng Trẻ em SOS Đà Lạt. Ảnh: T.H
 
Ông Trần Bảo Long - Giám đốc Làng Trẻ em SOS Đà Lạt cho hay: “Làng được khôi phục và đi vào hoạt động từ tháng 12/1989. Từ 36 trẻ ban đầu, đến nay Làng đã nuôi dạy hơn 400 trẻ sống trong 14 gia đình và nhà Lưu xá Thanh niên. Từ mái ấm trong các gia đình, trẻ được tạo điều kiện, hướng dẫn, giúp đỡ để học tập, rèn luyện, hình thành nhân cách, phát triển bản thân. Hiện Làng có 90 trẻ đang học phổ thông, 26 trẻ học đại học, 6 trẻ học cao đẳng, 2 trẻ học trung cấp và học nghề, đã làm việc và bán tự lập 20 trẻ. Và niềm vui của Làng là đã có 142 trẻ đã tự lập hoàn toàn, trong đó, có 101 trẻ đã lập gia đình. Một số trẻ thành đạt đã có những đóng góp cho Làng cũng như tổ chức SOS”.
 
Cũng theo Giám đốc Làng Trẻ em SOS Đà Lạt, tất cả các trẻ sau khi vào Làng đều được đi học. Do sức học của trẻ khi mới nhận thường học tập yếu hay chưa đi học, Làng luôn tổ chức các lớp phụ đạo nhằm bổ sung, củng cố kiến thức giúp trẻ theo kịp chương trình học tại trường. Do vậy, tỷ lệ trẻ tốt nghiệp các cấp hàng năm luôn đạt 100%, trong đó, 60% - 65% học sinh khá, giỏi.
 
Bên cạnh đó, công tác hướng nghiệp cũng được Làng Trẻ em SOS Đà Lạt chú trọng ngay từ đầu năm học đối với các trẻ cuối cấp THCS, THPT. Phần lớn các trẻ sau khi tốt nghiệp THPT đều được Làng tư vấn, hướng dẫn chọn một trường đại học, cao đẳng và trung cấp hay theo học ngành nghề phù hợp với sở thích, khả năng của bản thân và nhu cầu, xu hướng ngành nghề của xã hội. Trong số 142 trẻ đã sống tự lập, phần lớn đều có bằng cấp chuyên môn (2 cao học, 61 đại học - cao đẳng, 66 trung cấp và học nghề). Hiện nay, nhiều trẻ trưởng thành đang làm việc ở nhiều ngành nghề khác nhau như xây dựng, thông tin và truyền thông, công nghệ chế biến và chế tạo, sư phạm, y tế, kinh doanh tự do… 
 
Cùng với việc nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ, Làng Trẻ em SOS Đà Lạt thường xuyên mở các lớp ngoại khóa, tổ chức các hình thức sinh hoạt tập thể để giúp trẻ hình thành và nâng cao kỹ năng, nhận thức, cảm xúc…, chuẩn bị cho quá trình hòa nhập xã hội khi trưởng thành. 
 
Từ những lớp học năng khiếu như vẽ, cầu lông, cờ vua… đến các câu lạc bộ như: Bóng đá cộng đồng, Âm nhạc, tiếng Anh… đã tạo điều kiện cho trẻ gắn kết với nhau, cùng nhau thư giãn, hình thành những sở thích lành mạnh và rèn các kỹ năng mềm. Không những vậy, Làng còn tổ chức các hội thảo như: Hội thảo Thanh niên, Bình đẳng giới và các lớp tập huấn về Chính sách bảo vệ trẻ em, Quyền tham gia của trẻ, lớp rèn kỹ năng sống, phòng chống xâm hại và bạo lực trẻ em… Thông qua những hoạt động này, trẻ được khuyến khích nói lên suy nghĩ, ý kiến, đề xuất của mình và học các kỹ năng làm việc nhóm, thuyết trình… để giúp trẻ tự tin hơn.
 
Từ những kinh nghiệm và lòng yêu thương của các mẹ ở Làng Trẻ em SOS và sự hỗ trợ kịp thời của nhân viên giáo dục, các trẻ mới được nhận vào dần từng bước làm quen và hòa nhập với cuộc sống mới. Cô Lê Thị Thanh Nở năm nay đã hơn 60 tuổi, không lập gia đình, 30 năm làm việc tại Làng từ những ngày Làng mới đi vào hoạt động, từ bàn tay và lòng yêu thương của cô đã nuôi lớn biết bao mảnh đời trẻ bất hạnh. “Gắn bó với Làng, với những đứa trẻ kém may mắn, thấy các con rất thiệt thòi nên tôi và các mẹ, các dì luôn muốn dành nhiều tình thương yêu cho chúng. Mỗi gia đình SOS thường nuôi khoảng 25 - 30 trẻ, chúng tôi luôn cố gắng tạo ra không khí đầm ấm của các gia đình giúp trẻ nhanh chóng hòa nhập với cộng đồng Làng”, cô Nở chia sẻ. 
 
TUẤN HƯƠNG