Mang yêu thương vào vùng sâu

06:01, 10/01/2020

Trong những ngày thành phố Đà Lạt rạo rực bởi các lễ hội và muôn sắc hoa đón mùa xuân về thì những người làm từ thiện rời thành phố đến những vùng rất xa xôi. Đó là các xã Tà Hine (huyện Đức Trọng), Đạ Long (huyện Đam Rông), Nam Hà (huyện Lâm Hà)…

Trong những ngày thành phố Đà Lạt rạo rực bởi các lễ hội và muôn sắc hoa đón mùa xuân về thì những người làm từ thiện rời thành phố đến những vùng rất xa xôi. Đó là các xã Tà Hine (huyện Đức Trọng), Đạ Long (huyện Đam Rông), Nam Hà (huyện Lâm Hà)… Ở những vùng đất ấy, cuộc sống của người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) còn nhiều khó khăn. 
 
Trao quà tại xã Đạ Long, huyện Đam Rông. Ảnh: M.Đạo
Trao quà tại xã Đạ Long, huyện Đam Rông. Ảnh: M.Đạo
 
Đến với nhiều mảnh đời khó khăn
 
Với những người làm từ thiện thuộc nhóm Từ Tâm, đưa niềm vui đến người khác là hạnh phúc của mình. Họ chủ yếu ở Đà Lạt, cuộc sống không dư dả bởi hầu hết là giáo viên, người lao động bình thường có thu nhập thấp, hoặc đã nghỉ hưu… Vậy mà nhiều năm nay, họ đến với nhiều vùng đất của tỉnh Lâm Đồng để san sớt tình yêu thương: Cát Tiên, Đạ Huoai, Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà, Đam Rông… và Đà Lạt. Riêng tháng 12 năm 2019 và tháng 1 năm 2020, họ tổ chức được mấy chuyến thiện nguyện với tổng trị giá thành tiền là 145 triệu đồng. Chương trình “Sưởi ấm mùa đông” trao 527 áo ấm, 155 phần quà nhu yếu phẩm, 3.000 cuốn vở, 600 bút bi, 7 chiếc xe đạp và 500 phần quà bánh kẹo cho các em học sinh (HS) và các gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở 2 xã Tà Hine và Đạ Long. Sau 2 chuyến đi liên tục vào thứ bảy và chủ nhật, trở về Đà Lạt, họ xây dựng kế hoạch, triển khai chương trình “Xuân yêu thương” với tổng trị giá tiền huy động 25 triệu đồng. Chương trình trao 10 suất học bổng và 81 phần quà cho HS có hoàn cảnh khó khăn tại Trường Tiểu học Hai Bà Trưng huyện Lâm Hà; 5 suất quà tết cho 5 sinh viên có hoàn cảnh khó khăn và 25 thùng mì tôm; 10 suất quà tết cho 10 gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở Đà Lạt.
 
Lan tỏa và cộng hưởng
 
Điều đặc biệt từ những chuyến đi làm từ thiện của nhóm bạn bè đồng điệu ở tấm lòng nhân ái Từ Tâm là luôn có sức lan tỏa mạnh trong cộng đồng. Các chuyến thiện nguyện luôn có hỗ trợ vật chất hoặc tinh thần từ các tổ chức Chữ thập đỏ của tỉnh, huyện, thành phố và các nhóm thiện nguyện khác như Câu lạc bộ Mô tô Đà Lạt, Câu lạc bộ Hành trình đỏ Đà Lạt, các nhóm thiện nguyện của cô Hào, cô Lâm Thị Hường, nhóm Tùy duyên… và các trường học, chính quyền nơi đoàn đến… Những kết quả thiện nguyện đưa lại ý nghĩa thiết thực và minh bạch trong triển khai đã tạo được niềm tin để các mạnh thường quân chung tay góp sức. Việc làm thiện nguyện đến đâu cũng nhận được nhiều cảm tình yêu mến của địa phương. Giá trị đem lại có nhiều ý nghĩa nhân văn, vừa hỗ trợ vật chất, vừa động viên, khích lệ những cá nhân và hộ gia đình tự tin để vượt qua hoàn cảnh. Đó là nhận xét chung từ những đại diện nơi đến đã trao đổi với chúng tôi: Chị Ma Vương Nai Huyền - Phó Chủ tịch UBND xã Tà Hine, cô giáo Lê Thị Hồng - Hiệu trưởng Trường THCS Tà Hine, anh Trương Văn Sáng - Bí thư Đảng ủy xã Đạ Long, thầy giáo Phan Quang Hiệp - Hiệu phó Trường THCS Đạ Long và đại diện các Hội Chữ thập đỏ Đức Trọng, Đam Rông, Đà Lạt…
 
Những hành trình của đoàn thiện nguyện về vùng sâu thấm nhiều ý nghĩa. Cuộc sống người dân còn không ít khó khăn và thiếu thốn, nhưng tình yêu thương đùm bọc của cộng đồng đã truyền thêm sức mạnh cho họ. Khi đoàn thiện nguyện Đà Lạt chúng tôi đến Tà Hine thì đồng thời cũng có đoàn y, bác sĩ thiện nguyện Thành phố Hồ Chí Minh khám và cấp thuốc miễn phí về bệnh răng cho hơn 1.000 người dân các xã Tà Hine, Đà Loan. Theo chị Nai Huyền, Tà Hine chỉ còn 1,98% hộ nghèo nhờ mấy năm nay địa phương triển khai các chương trình sinh kế của Nhà nước hỗ trợ. Từ năm 2016, Tà Hine đã thoát được “xã đặc biệt khó khăn”, tuy nhiên còn là “xã loại 2” nên 100% hộ đồng bào DTTS được hỗ trợ cấp thẻ BHYT. Năm học này, xã có khoảng 700 HS mầm non, tiểu học và THCS; trong đó, tiểu học và THCS đều huy động ra lớp trong độ tuổi đạt 100%; Mầm non khoảng 40% ở 3 tuổi, từ 4 tuổi đạt 81% và 5 tuổi là 100%. Hiệu trưởng Lê Thị Hồng cho biết thêm: Trường THCS có 182 HS, trong đó 80% là DTTS, chủ yếu dân tộc Churu và K’Ho với 71%, còn lại các dân tộc Nùng, Thái, Mường, Hoa… Đầu năm học, nhà trường được đoàn từ thiện hỗ trợ máy lọc nước uống và 100 bộ sách giáo khoa. Từ sự phối hợp giữa nhà trường và các tổ chức đoàn thể của xã nên duy trì sĩ số đạt gần 98%… Còn ở Đạ Long, xã cuối cùng của huyện nghèo Đam Rông còn khó khăn nhiều hơn. Bí thư Trương Văn Sáng cho hay: Xã còn gần 22,7% hộ nghèo, với 155 hộ và gần 42,2% hộ cận nghèo, với 288 hộ. Toàn xã có 683 hộ, DTTS chiếm 95,2%. “Việc đoàn đến làm công tác từ thiện với người dân của xã thực sự rất quý và nhiều ý nghĩa. Hoạt động này đã cùng chung tay với địa phương chăm lo đời sống của người dân, tạo thêm sự gắn bó và tình yêu thương đoàn kết trong xã chúng tôi”, anh Trương Văn Sáng bày tỏ. Một vài con số mà thầy giáo Phan Quang Hiệp cung cấp phần nào phản ánh tinh thần vươn lên trong hành trình tìm cái chữ của xã Đạ Long: Có 174 HS THCS năm học 2019-2020, trong đó 92,5% là DTTS; huy động HS từ lớp 5 lên lớp 6 đạt 100%; duy trì sĩ số của toàn trường đạt 97%...
 
Người cho vui hơn người nhận
 
Tôi khép lại bài viết này với một vài cảm xúc từ người trong cuộc. Để duy trì và phát huy hiệu quả tích cực của hoạt động thiện nguyện nhiều năm nay, một trong những người tiên phong là cô giáo Nguyễn Thị Ngọc - Chi hội trưởng Chi hội Chữ thập đỏ Trường Tiểu học Phan Như Thạch, Đà Lạt. Cô thường xuyên trăn trở để xây dựng, thiết kế, tổ chức và kêu gọi cộng đồng chung tay thiện nguyện. Cô Ngọc chia sẻ với tôi: “Mệt mà vui anh ơi. Mỗi lần đi về đều trăn trở nhiều hơn. Chỉ ước gì có thật nhiều tiền. Người cho vui hơn nhiều người nhận. Mỗi chuyến đi về ai cũng hoan hỉ. Và muốn được đồng hành những chuyến tiếp theo…”. Cô giáo Tạ Thị Thanh Xuân, Trường Tiểu học Hùng Vương, Đà Lạt sau chuyến đi thiện nguyện lần đầu bày tỏ với cô Ngọc: “Một ngày cùng trải nghiệm với mọi người, em mới hiểu những hành trình đầy ý nghĩa của các chị và mọi người. Tuyệt vời! Những tấm lòng cao cả. Cầu chúc cho mọi người có sức khỏe để mang lại hạnh phúc cho nhiều người. Thật ấm áp tình thương mến thương, ước gì có nhiều chuyến đi như thế…”. Chị Hồng Hạnh không giấu cảm xúc: “Xuân về mang yêu thương! Có chị Nguyễn Ngọc nơi nào là nơi đó có nhiều niềm vui, hạnh phúc cho mọi người…”.
 
Vâng, rất nhiều ánh mắt, nụ cười rạng rỡ của Ka Xuyến, Ka Oanh, Ka Chính, K’Huan, K’Toán… khi đón nhận những món quà yêu thương. Và cũng rất nhiều sự an lạc, hoan hỉ tôi cũng cảm nhận được từ những người ra về: các cô giáo Trần Công Nga, Hoàng Thị Nga, Hán Thị Đạo; thầy giáo Nguyễn Văn Bá; vợ chồng doanh nghiệp Đỗ Cát Tiên; anh Phan Văn Tài…
 
MINH ĐẠO