Xuất phát từ đam mê với cây Atiso - một dược phẩm đặc trưng có giá trị, chị Phạm Thị Hà, một người phụ nữ Hà Nội đã bén duyên đất Đà Lạt. Chị đã nghiên cứu, theo chân người nông dân Đà Lạt học tập kinh nghiệm...
Xuất phát từ đam mê với cây Atiso - một dược phẩm đặc trưng có giá trị, chị Phạm Thị Hà, một người phụ nữ Hà Nội đã bén duyên đất Đà Lạt. Chị đã nghiên cứu, theo chân người nông dân Đà Lạt học tập kinh nghiệm. Đến nay, chị đã xây dựng nên thương hiệu Atiso Vạn Phúc có giá trị riêng biệt hướng đến bảo vệ, nâng cao sức khỏe cho người tiêu dùng.
|
Phạm Thị Hà hạnh phúc bên sản phẩm trà Atiso Vạn Phúc do chính bàn tay và niềm đam mê làm nên. Ảnh: N.Thu |
Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, năm 2004, chị Hà tình cờ được đến Đà Lạt - vùng đất mà chị mới chỉ biết qua phim ảnh và những trang sách, báo. Mới lên tới đèo Prenn, rừng thông, hoa, không khí mát lạnh tràn vào mặt… cho cô một cảm giác sảng khoái, bay bổng… Tình yêu Đà Lạt từ đó càng được nhân lên. Cô nhen nhóm ý định phải làm gì đó cho Đà Lạt, cho mình, cho người thân yêu và cũng là để được sống trong không gian, khung cảnh hữu tình của Đà Lạt - thiên đường trên mặt đất.
Mãi đến năm 2006, Hà chính thức vào Đà Lạt sau rất nhiều suy nghĩ và quyết tâm. Bởi gia đình Hà có 12 người nhưng đều ở Hà Nội, chỉ có mình Hà quyết chí dấn thân lập nghiệp tại Đà Lạt từ cây Atiso.
Thông qua một chị bạn, Hà đã tập tành mua cây con Atiso và ra chợ đêm bán. Sau 1 năm đi buôn bông Atiso tại chợ đêm Đà Lạt để có thu nhập trang trải cuộc sống cho bản thân và gia đình, cô tiếp tục mày mò, làm quen với Atiso từ vị trí là người đi buôn bán lẻ, làm thuê cho nông dân Phước Thành, cắt bông thuê. Càng tìm hiểu, Hà càng thấy thế mạnh của Đà Lạt chính là cây đặc sản có tên gọi Atiso này. Trong khi với các mặt hàng nông sản khác, cứ hàng Trung Quốc vào thị trường là nhất định các mặt hàng đó của Đà Lạt bị mất giá. Với cây Atiso thì không xảy ra điều đó. Đây chính là điểm mạnh để các doanh nghiệp cần phát huy.
Qua đi tìm hiểu thực tế, nghiên cứu trải nghiệm tại nhiều vùng trên cả nước, nhất là ở Sa Pa - nơi có khí hậu tương đồng như Đà Lạt, Hà nhận thấy cây Atiso Sa Pa cũng khá chất lượng nhưng không thể bằng Atiso Đà Lạt. Và quỹ đất của Sa Pa ít, sản lượng không nhiều. Vì thế sẽ không thể xây dựng được nguồn nguyên liệu bền vững tại Sa Pa.
Đó cũng là một trong những lý do được Hà phân tích, nghiên cứu và đặt lên bàn cân để tính toán đường đi cho Vạn Phúc. Đặc tính của cây Atiso là cây rất khó tính “Nắng không ưa - mưa không chịu”, cần chú trọng tất cả các khâu trong quy trình khép kín. Từ khâu gieo trồng, làm đất đến chăm sóc, thu hoạch, chế biến đều cần được quan tâm kỹ lưỡng . Vì thế, Hà đã quyết tâm đeo đuổi và tìm hiểu. Cô học hỏi kinh nghiệm theo mỗi bước chân người nông dân Thái Phiên suốt nhiều năm ròng. Có lúc phải chạnh lòng vì cô rất có nguyện vọng được cùng thu hoạch Atiso, cắt bông Atiso nhưng lúc đầu các chủ hộ không cho Hà cắt vì sợ bị hư cây. Chính từ sự khắt khe của người chủ hộ nông dân đó đã thôi thúc Hà phải quyết tâm, quyết chí làm cho bằng được. Làm sao để tự tay mình được trồng, được chăm sóc cây Atiso và trực tiếp tự tay mình được cắt bông Atiso để thu hoạch làm ra sản phẩm hữu ích như thế này.
|
Du khách tham quan vườn Atiso Vạn Phúc trong một không gian thơ mộng, trong lành tại Phường 7, Đà Lạt. Ảnh: N.Thu |
Niềm mơ ước và ý chí đó đã thôi thúc Hà qua 14 năm thử thách, vất vả và rồi giờ đây Phạm Thị Hà đã thành lập được một xưởng sản xuất Atiso mang tên “Vạn Phúc” đóng tại 148 Phước Thành - Phường 7, thành phố Đà Lạt. Không niềm hạnh phúc nào hơn khi được chính tay mình chăm sóc vườn Atiso, trực tiếp hái, cắt, thu hoạch và trực tiếp chế biến thành sản phẩm trà túi lọc Atiso Vạn Phúc với chất lượng nguyên chất 100%. Hà cùng với những người bạn thân từ thuở thiếu thời đã thành lập được vùng nguyên liệu Atiso chất lượng cao với gần 4 ha. Ngoài ra, còn liên kết sản xuất, thu mua mỗi năm khoảng 50 tấn Atiso của nhiều hộ nông dân với tổng diện tích liên kết là 35 ha Atiso.
Hà chia sẻ: Atiso được coi như “thần dược” giúp cho giải độc cơ thể hiệu quả, nhất là đối với gan. Vì thế, người Đà Lạt đã biết tận dụng thần dược này để dùng làm thức uống hàng ngày. Chúng tôi chỉ tiếp bước truyền thống ấy của người Đà Lạt để mong muốn nhiều người Việt Nam, nhiều người trên thế giới được dùng sản phẩm trà và các sản phẩm khác từ cây Atiso.
Từ thực tế minh chứng của mình, Hà năm nay đã 37 tuổi, có 3 người con và “Atiso Vạn Phúc” được Hà coi như đứa con thứ 4. Cô gắn bó với vườn, tự tay trồng, chăm sóc vườn Atiso. Cô có điều kiện để trực tiếp sử dụng các sản phẩm Atiso nhà mình, từ sản phẩm trà Atiso, lá cây Atiso, thân cây Atiso, rễ cây Atiso…, Hà cũng tận dụng Atiso để nấu ăn hàng ngày. Lá dùng để nhúng vào nồi lẩu, thân cây có thể trộn salat, nấu chè… Công việc đòi hỏi mỗi ngày Hà ở ngoài trời ít nhất 12 tiếng nhưng làn da của Hà rất mịn, trắng hồng, một phần là nhờ dùng Atiso hàng ngày, sức khỏe của Hà được cải thiện rõ rệt.
Cô chủ của gần 4 ha Atiso đã cho ra một Farm Atiso đạt chuẩn. Cô biết 15 ngày cây Atiso cần gì, 30 ngày chúng cần gì để lớn nhanh và đều, đẹp. 3 tháng sau cây cần gì, khi thu hoạch phải như thế nào để đảm bảo chất lượng, không làm mất chất dinh dưỡng… Mỗi nhà vườn sẽ có một bí quyết. Riêng Farm Atiso Vạn Phúc tại Phường 7 cho thấy cây to, đều, rất đẹp, bông Atiso to đều, cánh dày, nhiều tinh bột. Một màu xanh mướt của Atiso phủ đầy dưới triền thông thơ mộng cho thấy bàn tay chăm sóc của cô chủ và những người bạn cùng đồng hành với cô đã thật tỉ mẩn, chăm chút và đam mê đến nhường nào. Thưởng thức trà Atiso Vạn Phúc, khách sẽ cảm nhận vị nguyên chất 100%, từ khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch, sản xuất chế biến đều trong tầm kiểm soát và cho ra sản phẩm tốt nhất, an toàn nhất.
Nói về cái tên “Atiso Vạn Phúc”, Phạm Thị Hà chia sẻ rất chân tình: vì mình sống gần quê lụa Vạn Phúc, cuộc đời riêng của Hà cũng có những thăng trầm khác nhau. Và khi đến Đà Lạt lập nghiệp, cô có những trải nghiệm mới trong cuộc sống, công việc. Với một dòng sản phẩm tốt cho sức khỏe, tên Atiso Vạn Phúc được xây dựng với mong muốn mang đến “Vạn niềm vui - vạn sức khỏe - vạn hạnh phúc” cho khách hàng.
Hiện tại, các mặt hàng Atiso Vạn Phúc cùng với các doanh nghiệp khác đã có mặt tại cửa hàng trưng bày sản phẩm ở Trung tâm Hành chính tỉnh Lâm Đồng. Năm 2020, Công ty trà Atiso Vạn Phúc mong ước sẽ phát triển cây Atiso với vùng nguyên liệu nhiều hơn, sản phẩm trà Atiso Vạn Phúc cũng sẽ bay xa hơn cùng nhóm Dala Group.
Định hướng phát triển tiếp theo của Vạn Phúc chính là phát triển du lịch canh nông. Tại Farm, du khách sẽ được đi thăm vườn Atiso, được trải nghiệm trực tiếp hái Atiso và trực tiếp chế biến các món từ Atiso hoặc là rau lang, rau rừng tại vườn… Bữa tiệc hiện ra trên bàn ăn với các món ăn đặc sản Đà Lạt như: bông Atiso hầm giò heo, Atiso hầm chân gà, đậu phụng, Sup Atiso, chè Atiso, gỏi Atiso, thân cây xào thịt bò… sẽ rất hấp dẫn vì sản phẩm tươi hoàn toàn, sạch hoàn toàn và thưởng thức tại một không gian rất Đà Lạt.
NGUYỆT THU