Cất cao tiếng hát thiện nguyện

05:02, 06/02/2020

Sau một ngày dài làm việc mệt mỏi, dường như chúng ta chỉ muốn về nhà để được nghỉ ngơi, quây quần bên gia đình...

Sau một ngày dài làm việc mệt mỏi, dường như chúng ta chỉ muốn về nhà để được nghỉ ngơi, quây quần bên gia đình. Thế nhưng, hằng đêm những thành viên của nhóm “Tiếng hát cho đời” vẫn tiếp tục rong ruổi đến các quán ăn cất cao tiếng hát của mình để quyên góp từ thiện, có thêm nhiều phần quà ý nghĩa mang đến cho những hoàn cảnh khó khăn, giúp ích thêm cho đời.
 
Nhóm thiện nguyện “Tiếng hát cho đời” tặng nhà tình thương cho người dân xã Lạc Lâm, Đơn Dương
Nhóm thiện nguyện “Tiếng hát cho đời” tặng nhà tình thương cho người dân xã Lạc Lâm, Đơn Dương
 
Cái duyên “thiện nguyện”
 
Phố đêm Đà Lạt với khí trời se lạnh nhưng không ngăn được những bước chân thiện nguyện của những thành viên nhóm “Tiếng hát cho đời”. Gọi là cái duyên “thiện nguyện” bởi câu chuyện đi hát rong, bán kẹo kéo quyên góp tiền giúp đỡ cho người nghèo của nhóm lại vô cùng tình cờ. Một chàng trai mê hát, xuất thân là Phó Giám đốc của một công ty bất động sản tên Bùi Quang Anh cùng với 2 người bạn của mình cùng thử thách vượt qua rào cản của bản thân bằng cách mang loa đi hát dạo. Họ không ngờ đêm ấy cũng có thể kiếm được khoản tiền kha khá. Quang Anh chợt có ý tưởng, tại sao họ không dùng tiếng hát của mình để làm từ thiện, vừa có thể hát cho thỏa đam mê, vừa có thể giúp được cho người nghèo, giúp ích cho đời.
 
Cứ thế 3 chàng trai người Đà Lạt tên Phan Công Thiên Vũ (trưởng nhóm), Bùi Quang Anh cùng Đặng Văn Nhật, người hát, người chỉnh nhạc và người bán kẹo, hằng đêm cứ thế rong ruổi tại các hàng ăn vào mỗi chiều tan làm, hát cho đến khi tối muộn mới về nhà nghỉ ngơi. Nhớ lại những ngày đầu tiên mang loa đi hát, bán kẹo kéo, Quang Anh kể: Đó là những ngày đầu của tháng 11/2019, đêm đó Đà Lạt mưa bay, ba anh em đội mưa đi hát, cứ đi và hát thế, tùy lòng hảo tâm mà mọi người mua kẹo quyên góp. Đêm ấy thu về được 300 nghìn đồng, mặc dù không nhiều, nhưng cả ba đều nghĩ 300 nghìn đồng này cũng đã có một phần quà cho người nghèo. Nghĩ vậy, Quang Anh cùng 2 người bạn của mình cứ thế kiên trì, tiếp tục “công việc” thiện nguyện của mình.
 
Khi được hỏi anh chiều nào làm việc về cũng đi hát luôn đến tối khuya mới về, thời gian dành cho gia đình, nghỉ ngơi không có nhiều, vậy có được mọi người ủng hộ không? Anh Thiên Vũ chỉ cười và nói: Ai cũng đều giơ 2 tay đồng thuận cả, vì mình làm việc thiện mà, giúp cho người mà cũng để đức cho con cháu, vậy thì ai mà ngăn cản. Đó là động lực để nhóm tiếp tục công việc “đi hát cho đời”. Có khi hôm nào không đi hát, mọi người cũng nhớ.
 
Tuy nhiên, những ngày đi hát ấy nhóm “Tiếng hát cho đời” gặp không ít khó khăn, họ thường phải bắt gặp những ánh mắt coi thường, hồ nghi, xua đuổi. “Nhiều lúc nghĩ cũng buồn, nhưng buồn chút ít rồi lại thôi, rồi anh em lại kéo loa đi hát tiếp. Ai cũng đều quyết tâm, chinh phục mọi người bằng tấm lòng, bởi công việc xuất phát từ điều thiện nên không phải ngại ngùng gì” - Quang Anh (Người thành lập nên nhóm “Tiếng hát cho đời” tâm sự.
 
Để nhóm hoạt động được “danh chính ngôn thuận” hơn, các thành viên cũng đã đến Hội Chữ thập đỏ thành phố để xin gia nhập cấp giấy hoạt động từ thiện và tự thiết kế đồng phục nhóm. Nhờ đó đến nay mọi người cũng đã tin tưởng và ủng hộ nhóm nhiều hơn. Khi nhắc đến nhóm “Tiếng hát cho đời”, ông Lê Thanh Bảo (Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thành phố Đà Lạt” dành lời khen ngợi: Nhóm thiện nguyện “Tiếng hát cho đời” dù chỉ mới thành lập hơn 2 tháng nhưng đã có nhiều đóng góp cho xã hội, việc làm của các bạn trẻ vô cùng ý nghĩa, đã giúp được rất nhiều hoàn cảnh khó khăn”.
 
“Góp nhặt yêu thương”
 
Bằng sự nhiệt tình và thành tâm, ba chàng trai đã khiến mọi người cảm động và thấu hiểu được việc làm xã hội đầy ý nghĩa này. Nhiều người còn xin tham gia vào nhóm, dù chỉ mới thành lập được hơn 2 tháng, nhưng số thành viên tham gia nhóm đã tăng rất nhanh với hơn 400 thành viên ủng hộ thường xuyên và hơn 20 thành viên hát chính. Họ ở nhiều lứa tuổi, công việc khác nhau, có người là công an, sinh viên, công nhân, nhân viên văn phòng,... nhưng họ đều có một điểm chung là có cái tâm muốn làm việc thiện. Các thành viên trong nhóm đều chỉ mong sao có thể góp phần nhỏ công sức của mình để giúp được nhiều hoàn cảnh bất hạnh, giúp họ có thêm nghị lực vượt qua khó khăn.
 
Sau mỗi đêm đi hát nhóm sẽ gom tiền lại đến cuối tuần đi trao quà cho các bệnh nhân, bệnh nhi nghèo có hoàn cảnh khó khăn. Công việc này được nhóm thực hiện hằng tuần, mỗi lần như thế sẽ có 20 phần quà tổng trị giá 6 triệu đồng được trao đến tận tay cho những hoàn cảnh khó khăn. Mỗi hoàn cảnh nhóm “Tiếng hát cho đời” chọn lựa trao quà là mỗi một câu chuyện khiến cho các thành viên có những phút trầm lặng, nghẹn lòng. Họ thấu hiểu được những khó khăn của những bệnh nhân nghèo, neo đơn phải trải qua và mỗi lần như thế họ lại càng cảm thấy công việc của mình ý nghĩa hơn bao giờ hết. 
 
Cho đến hiện tại, chỉ trong 2 tháng hoạt động, nhóm “Tiếng hát cho đời” đã trao từ thiện hơn 200 triệu đồng cho các bệnh nhân nghèo, người bệnh nan y, người nghèo có hoàn cảnh neo đơn tại Bệnh viên Đa khoa tỉnh Lâm Đồng, Bệnh viện Nhi, Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh. Mới đây, nhóm cũng đã xây tặng căn nhà tình thương với số tiền 31 triệu đồng cho gia đình anh K’Xinh ở xã Lạc Xuân, huyện Đơn Dương. Gia đình anh thuộc diện khó khăn, vợ chồng làm thuê, phải nuôi 3 con nhỏ, cả gia đình 5 người sống chật vật trong căn nhà đất xập xệ. “Không có nhóm giúp đỡ, không biết khi nào gia đình tôi mới có được căn nhà như bây giờ” - anh K’Xinh xúc động.
 
Dịp tết đến, xuân về nhóm cũng tổ chức buổi trao quà tết từ thiện, tặng 210 suất quà tết với tổng số tiền 82 triệu đồng cho bà con nghèo, khó khăn tại huyện Đam Rông. Món quà mà họ nhận được chính là niềm vui, nụ cười hay những giọt nước mắt hạnh phúc của những cuộc đời còn nhiều khó khăn.
 
Đó chính là thành quả từ những nỗ lực không mệt mỏi mỗi tối của các thành viên nhóm, là sự hỗ trợ của các tấm lòng thiện tâm cùng chung tay “góp nhặt yêu thương” san sẻ những khó khăn cho những hoàn cảnh bất hạnh.
 
NHẬT QUỲNH