Đơn Dương tăng cường chống hạn cho mùa khô

06:03, 20/03/2020

Là vùng rau lớn nhất tỉnh với hơn 11.700 ha đất canh tác nông nghiệp, Đơn Dương luôn chú ý tăng cường cung cấp nước cho sản xuất mỗi khi mùa khô đến.

Là vùng rau lớn nhất tỉnh với hơn 11.700 ha đất canh tác nông nghiệp, Đơn Dương luôn chú ý tăng cường cung cấp nước cho sản xuất mỗi khi mùa khô đến.
 
Thu hoạch hoa màu tại xã Lạc Lâm - Đơn Dương
Thu hoạch hoa màu tại xã Lạc Lâm - Đơn Dương
 
Củng cố hệ thống thủy lợi
 
Là vùng rau chuyên canh lớn nhất Lâm Đồng hiện nay, theo ngành chức năng Đơn Dương, cung cấp nước cho sản xuất luôn được đặt lên hàng đầu.
 
Toàn huyện hiện có 38 công trình thủy lợi, trong đó có những hồ đập lớn cung cấp nước tưới phục vụ sản xuất với tổng diện tích tưới thực tế trên 2.300 ha. Huyện hiện có 2 hệ thống thủy lợi phục vụ tưới liên xã đang hoạt động khá hiệu quả. Cùng đó, việc kiên cố hóa kênh mương thủy lợi được huyện đẩy mạnh những năm gần đây. Với trên 117 km kênh mương và đường ống dẫn nước tưới trên địa bàn, hiện đã có hơn 82 km được kiên cố hóa, chiếm tỷ lệ trên 70%. 
 
Tính trong năm  2019, theo ngành chức năng Đơn Dương, huyện đã bảo đảm nước tưới cho diện tích gần 2.285,4 ha, trong đó có 893,54 ha lúa và củ năng; gần 1.339 ha rau màu, cây ngắn ngày và 52,87 ha các loại cây trồng khác trong vụ Đông Xuân. Còn trong vụ Hè Thu đã có gần 2.349 ha được cung cấp nước tưới, trong đó có gần 945 ha lúa; gần 1.352 ha rau màu, cây ngắn ngày và 53 ha các loại cây trồng khác. Bên cạnh diện tích được cung cấp nước này, người dân trong huyện trong canh tác còn sử dụng nguồn nước ngầm từ các giếng khoan và các con suối nhỏ để tưới. Về cơ bản nguồn nước tưới hiện nay đáp ứng được diện tích sản xuất nông nghiệp đang có.
 
Để hệ thống thủy lợi đang có hoạt động hiệu quả,  năm 2019 huyện đã huy động và vận động được 1.295 công lao động,1.350 công cơ giới tham gia thực hiện nạo vét năm vừa qua và dự kiến huy động 3.485 công nạo vét trong vụ Đông Xuân 2019-2020 này. Cũng trong năm, Đơn Dương còn cho kiểm tra tất cả các công trình thủy lợi bị hư hỏng xuống cấp, đề xuất nâng cấp, sửa chữa, nạo vét để đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ cũng như phát huy tối đa công suất thiết kế phục vụ sản xuất.
 
Vì vậy,  năm vừa qua, ngành nông nghiệp huyện đã cho sửa  chữa nhiều hạng mục thủy lợi bị hư hỏng, nạo vét trên 13 km kênh mương, kiên cố hóa thêm gần 3,4 km kênh, lắp 7.297 tấm đan trên kênh và gia cố chống sạt lở 44 m bờ suối. Còn Trung tâm Quản lý Khai thác công trình công cộng huyện năm 2019 cũng cho sửa chữa, bảo dưỡng các công trình thủy lợi lớn trên địa bàn như hồ Sao Mai, đập suối Ông Tùy, đập Pơliêng1, hệ thống tưới Kăn Kil, cống dâng Suối Ngang và hiện đang thi công công trình chỉnh trị sông Đa Nhim giai đoạn 1.
 
Nhờ những biện pháp kịp thời nên như huyện đánh giá, dù mùa khô năm 2019 trên địa bàn huyện xảy ra nắng nóng, mùa mưa đến muộn so với cùng kỳ các năm trước, nhưng vẫn đảm bảo nước tưới cho sản xuất lẫn cho sinh hoạt của người dân.
 
Thêm 6 công trình được sửa chữa 
 
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đơn Dương, do mùa mưa 2019 vừa qua lượng mưa ít, mưa rải rác trong năm nên lượng nước tích tại các hồ chứa nước trên địa bàn hầu hết không đạt, mực nước thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2018 trước đó.
 
Cùng đó, cũng do nhiều công trình thủy lợi xây dựng và sử dụng lâu năm nên hồ chứa, kênh dẫn nước bị bồi lắng, khả năng tích nước và dẫn nước trong hồ, kênh bị hạn chế ít nhiều.  
 
Ngay đầu mùa khô năm nay, diện tích đất canh tác trong huyện đăng ký sử dụng nước từ hồ thủy lợi đã tăng lên với khoảng 3.000 ha.  
 
Mặc dù gần đây trên địa bàn huyện đã xuất hiện các cơn mưa đầu mùa, góp phần không nhỏ giảm áp lực tưới cho nhiều diện tích trong một khoảng thời gian, tuy nhiên,  dự báo lượng nước phục vụ cho sản xuất vụ Đông Xuân hạn chế nếu trời tiếp tục nắng và mưa đến chậm có khả năng bị hạn vào cuối vụ. 
 
Để khắc phục hạn hán trong mùa khô năm nay, theo bà Đinh Thị Mai, Phó Chủ tịch UBND huyện Đơn Dương, huyện đã đưa ra nhiều giải pháp ngay từ đầu năm 2020, trong đó xem xét tình hình hạn hán, việc sử dụng nước, tiến độ nạo vét kênh mương trên địa bàn để yêu cầu các đơn vị chức năng tiến hành phân khu vực tưới cho từng công trình, diện tích tưới cụ thể. Đồng thời, căn cứ vào tình hình dự báo khí tượng thủy văn để đánh giá khả năng cung cấp nước của từng công trình hồ đập,  xây dựng kế hoạch chi tiết ứng phó khẩn cấp khi hạn hán xảy ra nhằm giảm thiểu thiệt hại. Trước mắt, các đơn vị quản lý hồ đập của huyện theo yêu cầu cần kiểm tra chặt chẽ nguồn nước, thực hiện tốt việc tích nước. 
 
Huyện cũng vận động người dân trong huyện trữ nước trong ao, hồ khi có mưa, thực hiện các biện pháp tiết kiệm nguồn nước để đề phòng mùa khô và hạn hán kéo dài; tăng cường các biện pháp sử dụng nước tiết kiệm và áp dụng các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước. Bên cạnh đó, yêu cầu ngành chức năng huyện lập kế hoạch sản xuất chi tiết cụ thể giao cho các cụm công trình và các tổ hợp tác dùng nước để thực hiện; có lịch tưới cho từng tuyến kênh, từng vùng tưới áp dụng phương thức tưới luân phiên, tưới theo ngày; kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc điều tiết phân phối nước ở các công trình.
 
Bà Mai cũng cho biết thêm, Đơn Dương đã liên hệ với Công ty Cổ phần Thủy điện Đa Nhim xả nước cứu hạn cho người dân, Ban Quản lý hồ Đa Nhim đã cho xả nước từ đập vào sông Đa Nhim cứu hạn 2 đợt vào ngày 14/2 và ngày 4/3 vừa qua.
 
Trong năm nay, để phục vụ công tác chống hạn, tưới tiêu cho nông nghiệp, Đơn Dương đã lên danh sách nạo vét, sửa chữa thêm 6 công trình thủy lợi trên địa bàn với tổng kinh phí 5,76 tỷ đồng, góp phần vào công tác chống hạn trên địa bàn huyện.  
 
GIA KHÁNH