Hơn 10 năm qua, tách từ bưu chính - viễn thông "ở riêng", Bưu điện tỉnh Lâm Đồng luôn nhận cờ, bằng khen của Chính phủ, UBND tỉnh... về hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ sản xuất kinh doanh và chất lượng dịch vụ...
Hơn 10 năm qua, tách từ bưu chính - viễn thông “ở riêng”, Bưu điện tỉnh Lâm Đồng luôn nhận cờ, bằng khen của Chính phủ, UBND tỉnh... về hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ sản xuất kinh doanh và chất lượng dịch vụ. Mấy tháng nay, phát huy chức năng và sự năng động, sáng tạo, ngành Bưu điện nói chung và Bưu điện Lâm Đồng nói riêng nỗ lực tham gia đẩy lùi dịch COVID-19 cùng Chính phủ rất hiệu quả.
|
Nhân viên Bưu điện sắp xếp hàng hóa để vận chuyển kịp thời đến các khách hàng. |
Thực hiện nhiệm vụ của Chính phủ về dịch vụ bưu chính công ích, Bưu điện Lâm Đồng là một trong những đơn vị triển khai sớm trên toàn quốc. Từ tháng 4/2019, Bưu điện tỉnh đã cử người thay thế nhân viên của các sở, ngành tại Trung tâm Hành chính công (TTHCC) của tỉnh và bộ phận “một cửa” của UBND thành phố Đà Lạt, các huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Lâm Hà và thị trấn D’ran. Sau quá trình triển khai thí điểm, tháng 11/2019, UBND tỉnh tổ chức sơ kết đánh giá và kết luận việc thực hiện của ngành Bưu điện rất hiệu quả. Vì vậy, tháng 2/2020, UBND tỉnh có kế hoạch triển khai mở rộng đối với 8 huyện, thành phố còn lại. Tất cả tại bộ phận “một cửa” của 12/12 UBND huyện, thành phố đã có nhân viên Bưu điện đến tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính thay công chức, viên chức của UBND, nhờ vậy, người lao động các sở, ngành được giảm tải để tập trung chuyên môn. Việc tích hợp các dịch vụ chuyển phát từ UBND đến nhà dân và có thể cả từ nhà dân đến UBND, người dân có thể không phải đến bộ phận “một cửa” nữa, tránh tụ tập đông người, góp phần giảm ùn tắc giao thông. Việc tham gia của Bưu điện cũng có thể giải quyết được vấn đề gây phiền hà, nhũng nhiễu của cá nhân cơ quan công quyền nếu có.
Thời điểm cả nước thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19, Bưu điện Lâm Đồng phát huy chức năng của mình đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành tuyên truyền đến người dân thực hiện nhiệm vụ dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, cấp độ 4 và thực hiện việc chuyển phát hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu điện. Đơn vị phối hợp với Sở Thông tin - Truyền thông và TTHCC của tỉnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và tại các bộ phận “một cửa”. Khi thực hiện phòng, chống dịch, một số bộ phận ngưng làm việc, ngành Bưu điện vào cuộc, đã góp phần quan trọng giải quyết “điểm nghẽn” bằng trực tiếp tham gia guồng máy và công bố đường dây nóng 02633 819 999 để phục vụ người dân. “Bất cứ địa điểm nào trên địa bàn tỉnh, người dân có thể gọi điện vào đường dây nóng nêu nhu cầu cần nộp hồ sơ thì Bưu điện đến tận nhà hướng dẫn họ làm hồ sơ và tiếp nhận hồ sơ của họ mang đến cơ quan công quyền để thụ lý. Khi giải quyết xong, Bưu điện có trách nhiệm mang hồ sơ đó đến tận nhà người dân”, Giám đốc Bưu điện Lâm Đồng Vũ Xuân Việt cho biết.
Phát huy thành quả trước đó, thời gian vừa qua, không chỉ bộ phận “một cửa” của các UBND cấp huyện mà của tất cả sở, ngành đều ký phối hợp với ngành Bưu điện. Nhờ vậy, trong thời gian phòng, chống dịch COVID-19, hồ sơ do Bưu điện tham gia giải quyết đã tăng trưởng 62%. Bưu điện còn tham gia chi trả lương hưu tháng 4 và 5 tại nhà cho các đối tượng với khoảng 15.500 đối tượng. Tuy nhiên, số lượng đối tượng thụ hưởng quá lớn, nhân viên Bưu điện đến tận từng nhà chứ không chi tập trung một lúc như trước nên việc chậm nhận trong một số ngày là yếu tố khách quan bất khả kháng, ngành Bưu điện mong được sự thông cảm chia sẻ.
Ảnh hưởng dịch COVID-19, các đối tác dịch vụ khác đều chững lại, thậm chí công ty nhỏ phải đóng cửa, ngành Bưu điện càng nỗ lực phục vụ. Một mặt, đây là ngành phục vụ nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước về thực thi chuyển phát công văn giấy tờ thuộc KT1 nên vẫn phải đảm bảo thông suốt; mặt khác, phát huy năng lực và kinh nghiệm của nội bộ, ngành Bưu điện Việt Nam đã tăng cường lĩnh vực vận tải như thuê riêng một chuyến bay Hà Nội - TP Hồ Chí Minh, huy động 20 toa tàu hỏa chuyên dụng, 23.000 xe tải chuyên dụng các loại và 14.000 xe máy để vận chuyển hàng hóa ưu tiên và công văn, giấy tờ. Vì vậy, mặc dù các ngành khác phải thực hiện giãn cách, làm việc tại nhà, nhưng với Bưu điện, cả 13.000 điểm giao dịch đều không đóng cửa, 52.000 người phục vụ đều “lăn xả” và nỗ lực làm việc. Mọi quy định an toàn về phòng, chống dịch COVID-19 đều được quán triệt chặt chẽ trong toàn ngành. Riêng Lâm Đồng có 157 điểm phục vụ với 36 điểm giao dịch và các trung tâm văn hóa xã; số lao động khoảng 800 người; khoảng 40 xe ô tô các loại; hơn 100 xe máy. Nhờ đó, mọi nhu cầu thiết yếu của người dân được Bưu điện đáp ứng. Một hoạt động khác, phù hợp xu thế 4.0 là Bưu điện phục vụ các hàng hóa thiết yếu đối với khách hàng thông qua giao dịch sàn thương mại điện tử của các đơn vị kinh doanh và của chính ngành Bưu điện. Khách hàng chỉ việc ở nhà nhận hàng, hạn chế ra đường như tinh thần chỉ đạo của Chính phủ. Trong thời gian khoảng 1 tháng (từ tháng 3 đến tháng 4), Bưu điện Lâm Đồng đã cung cấp tổng trị giá hàng hóa theo dịch vụ này khoảng hơn 1 tỷ đồng.
Với nhiệm vụ chính trị, có thể khẳng định, Bưu điện Lâm Đồng thời gian qua đã hoàn thành xuất sắc. Tuy nhiên, cũng như mọi doanh nghiệp khác, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, quý I năm 2020, Bưu điện Lâm Đồng chỉ đạt 22% doanh thu/năm, kế hoạch là 25%. Trong lúc nhiệm vụ sản xuất kinh doanh do Tổng công ty giao năm sau tăng trưởng hơn năm trước 30%. Với Bưu điện Lâm Đồng, so với năm đầu tiên tách ra hoạt động độc lập (năm 2008), đến nay, tốc độ phát triển doanh thu tăng gấp 10 lần. Với sức mạnh tổng hợp từ năng lực, sáng tạo và đoàn kết, hy vọng Bưu điện Lâm Đồng tiếp tục vượt qua khó khăn chung của doanh nghiệp khi chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch COVID-19.
MINH ĐẠO