Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Đam Rông, toàn huyện hiện có 80 công trình thủy lợi; trong đó, 24 công trình được kiên cố hóa, 56 công trình tạm...
Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Đam Rông, toàn huyện hiện có 80 công trình thủy lợi; trong đó, 24 công trình được kiên cố hóa, 56 công trình tạm. Nguồn nước tại các công trình thủy lợi và các ao, hồ nhỏ đáp ứng tưới được 8 ngàn ha; nguồn nước từ sông, suối, khe suối đáp ứng nguồn nước tưới được gần 5 ngàn ha cây trồng.
Tuy nhiên, do nắng hạn kéo dài, đến thời điểm này, mực nước tại các công trình thủy lợi, sông, suối, ao, hồ đã xuống thấp so với mực nước bình thường hàng năm. Việc các công trình thủy lợi Đạ Nhinh (Đạ Tông), công trình Đắk Mê (Đạ Long) và công trình hồ Bóp La (Phi Liêng) bị xuống cấp nên việc tích trữ nguồn nước gặp nhiều khó khăn. Nếu nắng hạn tiếp tục kéo dài các địa phương này sẽ xảy ra hạn hán cục bộ, thiếu nguồn nước tưới cho hơn 1.400 ha cây trồng, trong đó, lúa nước hơn 60 ha, cà phê hơn 1.350 ha.
Trước thực trạng này, ngành nông nghiệp huyện đang phối hợp với các địa phương thực hiện quyết liệt các biện pháp chống hạn cho diện tích cây trồng. Trong đó, tham mưu cho UBND huyện kiến nghị UBND tỉnh phân bổ nguồn vốn để nâng cấp, sửa chữa các công trình thủy lợi, kênh mương nội đồng đã xuống cấp, đào ao tích trữ nguồn nước để chống hạn; vận động Nhân dân tu sửa các công trình thủy lợi, nạo vét hệ thống kênh mương nội đồng, điều tiết nguồn nước hợp lý, tránh lãng phí nguồn nước.
Ông Nguyễn Văn Chính, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đam Rông, cho biết: “Từ thực trạng trên, Phòng tiếp tục tham mưu UBND huyện chỉ đạo vận hành các công trình hồ đập, các hệ thống cung cấp nước sạch phù hợp, tiết kiệm, để đảm bảo phục vụ cho sản xuất. Đồng thời, đề xuất báo cáo UBND huyện kịp thời sửa chữa những công trình thủy lợi và các công trình nước sinh hoạt để phục vụ cho người dân”.
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp huyện tiếp tục phối hợp với UBND các xã tuyên truyền, vận động Nhân dân chủ động chăm sóc cây trồng, sử dụng các biện pháp tưới nước tiết kiệm; thường xuyên thăm đồng lấy nước cho diện tích lúa; ủ gốc, cắt tỉa cành, chồi, phòng trừ sâu bệnh hợp lý cho cà phê sinh trưởng, phát triển tốt; khuyến cáo người dân chuyển đổi một số diện tích đất nông nghiệp nằm xa nguồn nước sang các loại cây trồng ít nước, nhằm giảm thiểu tối đa tác động của hạn hán đến sản xuất nông nghiệp, đời sống của Nhân dân.
Do nắng hạn kéo dài, một số giếng nước sinh hoạt đã cạn nước, hệ thống nước tự chảy không cung cấp đủ nước theo công suất thiết kế, một số công trình nước sinh hoạt bị hư hỏng hoặc hoạt động kém hiệu quả đã ảnh hưởng đến việc cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho Nhân dân. Cụ thể, hiện nay có khoảng 700 hộ có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt, trong đó, 300 hộ ở Đa Kao 1, Đa Kao 2, Liêng Trang 1, xã Đạ Tông; 400 hộ ở các thôn Tu La, Đa Xế, Liêng Krắc 1, xã Đạ M’rông. Để giải quyết vấn đề này, ngành nông nghiệp huyện đã tham mưu cho UBND huyện bố trí nguồn vốn kịp thời nâng cấp, sửa chữa các công trình nước sinh hoạt tự chảy, nhằm đảm bảo nguồn nước cho Nhân dân sử dụng.
Để công tác phòng, chống hạn cho diện tích cây trồng và đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho Nhân dân ổn định, ngoài những giải pháp mà cấp ủy, chính quyền đang tích cực triển khai thì rất cần sự chung tay góp sức của cộng đồng doanh nghiệp, của Nhân dân trong việc xã hội hóa công trình thủy lợi và công trình nước sinh hoạt. Có như vậy, thì công tác phòng, chống hạn mới mang tính lâu dài, bền vững, góp phần phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
VĂN TÂM