Dấu ấn trong xây dựng nông thôn mới ở Đạ Tẻh

06:04, 20/04/2020

Đến tháng 3 năm 2019, 10 xã của huyện Đạ Tẻh được Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng công nhận xã nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020. Trong "vườn hoa nông thôn mới" ấy, chúng tôi muốn chọn ra một vài bông hoa có hương thơm đặc trưng và lấp lánh sắc màu, làm đẹp thêm bức tranh nông thôn mới của Đạ Tẻh hôm nay. 

Đến tháng 3 năm 2019, 10 xã của huyện Đạ Tẻh được Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng công nhận xã nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020. Trong “vườn hoa nông thôn mới” ấy, chúng tôi muốn chọn ra một vài bông hoa có hương thơm đặc trưng và lấp lánh sắc màu, làm đẹp thêm bức tranh nông thôn mới của Đạ Tẻh hôm nay.
 
Một đoạn đường hoa của Thôn 4, xã An Nhơn
Một đoạn đường hoa của Thôn 4, xã An Nhơn
 
Từ điểm mới trong phát triển kinh tế...
 
Mỹ Đức là một xã nằm ở phía Đông Bắc so với trung tâm huyện Đạ Tẻh. Cư dân chủ yếu là đồng bào Hà Tây cũ (nay là Hà Nội) vào xây dựng kinh tế từ năm 1980. Toàn xã có 935 hộ, 4.145 khẩu; trong đó, đồng bào Châu Mạ có 122 hộ, 540 khẩu, chiếm 13%. Mấy năm trước đây Mỹ Đức thuộc diện xã nghèo. Đời sống Nhân dân còn nhiều khó khăn. 
 
Từ khi thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về xây dựng nông thôn mới, Mỹ Đức như được bồi thêm sinh khí mới. Đời sống Nhân dân, kể cả bà con dân tộc thiểu số được nâng lên. Bộ mặt nông thôn khởi sắc. Niềm tin của người dân với Đảng, Nhà nước được nâng cao. Bí quyết nào giúp Mỹ Đức bật nhanh như vậy? 
 
Ông Nguyễn Ngọc Thư - Chủ tịch UBND xã Mỹ Đức trao đổi:
 
- Khi tập trung xây dựng nông thôn mới, trong 19 tiêu chí, chúng tôi chọn 3 tiêu chí có tính đột phá để tập trung thực hiện ngay, đó là: Quy hoạch và thực hiện quy hoạch; nâng cao thu nhập cho người dân và xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất.
 
Ba tiêu chí này có mối quan hệ hữu cơ với nhau. Quy hoạch và thực hiện quy hoạch tốt thì tạo sự phát triển đúng hướng, nhất là việc chuyển đổi mạnh cơ cấu cây trồng, hình thành các vùng chuyên canh cây trồng theo hướng hàng hóa. Xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất nhằm xây dựng chuỗi sản xuất liên kết theo các nhóm sản phẩm chủ lực của địa phương, ứng dụng công nghệ cao trên diện rộng, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
 
Thực tế cho thấy, trước đây Mỹ Đức trồng lúa là chính, năm hai vụ, hiệu quả kinh tế thấp. Nhưng đến thời điểm này, Mỹ Đức không còn đất trồng lúa mà tất cả diện tích đã chuyển sang trồng dâu, nuôi tằm. 
 
Ông Nguyễn Gia Long - Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Mỹ Đức chia sẻ:
 
- Chúng tôi đã chuyển đổi được 231 ha dâu. Cứ mỗi ha cho 2,5 tấn kén, thì thu nhập nâng lên 200 triệu đồng một ha. Trồng lúa có nằm mơ cũng không thấy, cho nên bà con đầu tư mạnh cho cây dâu, con tằm là thế. Hội chúng tôi mạnh dạn vận động hội viên trồng dâu tập trung đồng trà, vừa dễ chăm sóc, vừa tránh bệnh cho cây dâu. Làm cho tằm khỏe mới nhả nhiều tơ.
 
Khi cây dâu đã là mũi nhọn của phát triển kinh tế, thì làm thế nào để giữ vững vùng nguyên liệu, ổn định lâu dài đời sống của nông dân, lại là bài toán mới cần lời giải. Đích thân ông Chủ tịch, có đến bảy lần lên Bảo Lộc kêu gọi đầu tư xây dựng nhà máy ươm tơ tại địa phương. 
 
Có công mài sắt có ngày nên kim, giờ đây, nhà máy ươm tơ do Công ty TNHH Tơ lụa Minh Quân đầu tư đã được mọc lên với công suất 500 tấn tơ một năm. Một mũi tên mà trúng nhiều đích. Nông dân phấn khởi thêm yêu nghề “tằm tang”. Tạo được công ăn việc làm cho lao động - công nhân tại chỗ. Thu hút nhiều hộ nông dân trồng dâu ở các xã xung quanh như: Hà Đông, Quốc Oai, Triệu Hải, Quảng Trị… cung cấp kén cho nhà máy. Hơn nữa “tiền trao, cháo múc”, đem kén bán cho nhà máy là có tiền ngay. Nhưng cái được lớn hơn là: hình thành những vùng chuyên canh cây trồng có giá trị kinh tế cao theo mô hình cánh đồng lớn, phát triển các mô hình nông thôn mới, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động và kinh tế nông thôn để tăng thu nhập người dân.
 
Hiện Đạ Tẻh đã quy hoạch được vùng sản xuất cao su tập trung 62 ha tại buôn Con Ó cho 62 hộ đồng bào dân tộc Mạ ở Mỹ Đức. Lý do để huyện quyết định phải trồng cao su tập trung, không cấp đất riêng lẻ cho từng hộ, là để giúp bà con giữ được đất. Khi bà con giữ được đất, giữ được tư liệu sản xuất thì mới tính đến chuyện trồng, chăm sóc và thu hoạch như thế nào. Đây là mô hình có tính đột phá đầu tiên trong toàn tỉnh đối với việc phát triển sản xuất vùng đồng bào DTTS. Giờ đây cao su đã cho thu hoạch. Chắc chắn đời sống của bà con sẽ ổn định và phát triển.
 
Đến mới trong xây dựng con người - văn hóa
 
Chúng tôi đến Hà Đông, xã về đích nông thôn mới từ năm 2017. Nhân dân ở đây từ các huyện Ứng Hòa, Thường Tín, Phú Xuyên thuộc tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội) vào xây dựng kinh tế mới từ năm 1980.
 
Gặp ông Đoàn Văn Duệ - Bí thư Đảng ủy, ông hồ hởi khoe ngay:
 
- Một trong những nhân tố góp phần cho chúng tôi được công nhận là xã nông thôn mới chính là các hoạt động văn hóa - thể thao. Tôi đưa anh đến, anh sẽ thấy. Và ông kéo tôi đến thôn Hai - nơi được huyện công nhận là Thôn văn hóa kiểu mẫu xuất sắc toàn huyện.
 
Chưa đến nơi, chúng tôi đã nghe vọng ra tiếng trống, tiếng đàn và giọng hát được truyền qua chiếc loa di động công suất lớn. À, thì ra hôm nay Chủ nhật, là ngày sinh hoạt câu lạc bộ đàn hát dân ca.
 
Hơn một chục ông bà, ông Thảo - đàn bầu, ông Được - đàn nhị, ông Ngâm - thổi sáo, ông Phương tay trống, ông Ngọc - đàn Nguyệt. Bà Trà, bà Thức, bà Thu, bà Năm, bà Sâm đang tập một tiết mục múa theo làn điệu chèo Đào Liễu: “Hà Đông đổi mới” do bà Thưởng tự biên và đạo diễn. Không khí rộn lên theo từng câu hát ngọt ngào.
 
Quê hương Hà Đông đổi mới từng ngày
 
Đường rộng thênh thang, cây cao rợp bóng
 
Trống rộn sân trường, cuộc sống đổi thay
 
Ơn Đảng, ơn Bác Hồ mới có hôm nay…”.
 
Chiếu chèo tạm nghỉ, tiếp chúng tôi là bà Đặng Thị Thưởng - Bí thư chi bộ kiêm Thôn trưởng thôn Hai, kiêm luôn Chủ nhiệm câu lạc bộ của xã:
 
- Các anh ạ, các cụ ta xưa thường nói “no cơm ấm cật, dậm dật mọi bề”. Nhân dân xã tôi nhờ có nông thôn mới nên đời sống ổn định và đang phát triển. Các ông bà “diễn viên, nhạc công” đây đều là nông dân. Âm ly, nhạc cụ, quần áo biểu diễn đều do họ bỏ tiền túi ra sắm, tính ra cả trăm triệu đấy. Cả tuần lao động vất vả mới có một ngày nghỉ ngơi để sinh hoạt câu lạc bộ. Vui lắm!
 
Vừa nói vừa cười, một bên má lúm đồng tiền, hiện về nét duyên thời còn xuân sắc, bà Thưởng giãi bầy:
 
- Nói là nghỉ ngơi, nhưng các anh thấy đấy, nhạc công và diễn viên đều đổ mồ hôi hột… không tập thì diễn không hay. Chúng tôi đang chuẩn bị cho đêm liên hoan các câu lạc bộ đàn hát dân ca toàn huyện đấy. Hôm nay vui hết mình, ngày mai lao động cật lực. 
 
Đồng chí Bí thư Đảng ủy Đoàn Văn Duệ tiếp lời:
 
- Đảng ta khẳng định: Văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực không sai vào đâu được. Câu lạc bộ của chúng tôi như một chất xúc tác quan trọng trong phát triển kinh tế. Người diễn, người xem như không có ranh giới. Họ cùng bay lên, bay lên theo điệu chèo quê hương. Sống thật vui, thế là khỏe, để lao động sản xuất tốt và công tác tốt hơn. 
 
Bà Thưởng nêu một chút băn khoăn:
 
- Tiêu chí thứ sáu xây dựng nông thôn mới về “cơ sở vật chất văn hóa” chỉ quy định là: “Có nhà văn hóa và khu thể thao đạt chuẩn”, tôi thấy chưa đủ. Có nhà cho to đẹp mà không có phong trào thì rồi cũng đắp chiếu để đó thôi.
 
Mọi người im lặng nhìn nhau, nhưng lại cảm thông tấm lòng của người chủ nhiệm câu lạc bộ. Đúng là phải đi vào thực chất thì mới phát huy tác dụng của nông thôn mới.
 
Ngoài chuyện về văn hóa, ở Hà Đông còn nhiều chuyện hay trong huy động sức dân được kể truyền tai nhau, như: Nhà nào muốn được đem nước uống phục vụ dân làm đường giao thông thì phải đăng ký trước mới đến lượt. Trồng cỏ lạc làm đẹp ven đường, làm vệ sinh môi trường, có nhà, cả ba thế hệ ông bà, con, cháu cùng tham gia…
 
Nếu Mỹ Đức và Hà Đông chăm lo chu đáo đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân thì Hương Lâm thành công trong xóa đói giảm nghèo, vươn lên nông thôn mới ở một khía cạnh khác: 
 
Và điều cốt lõi là niềm tin của con người
 
Hương Lâm trước đây là xã nghèo nhất huyện. Bà con phần lớn là người Huế vào lập nghiệp, sau này có thêm dân ở Hà Nam, Cao Bằng và Lạng Sơn.
 
Trước khi xây dựng nông thôn mới, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt trên 5 triệu đồng một năm. Hộ nghèo chiếm đến 34,6%. Từ năm 2017 đến nay, số hộ nghèo còn 3,75% (giảm 10,8%), thu nhập bình quân đầu người 39,4 triệu đồng một năm (tăng 7,8%).
 
Có đến Hương Lâm mới thấy những con số nêu trên có ý nghĩa như thế nào. Trên 80% diện tích là đồi núi. Dân sống chủ yếu dựa vào cây tiêu, củ mỳ, cây điều. Vậy mà hôm nay, Hương Lâm có 142 ha cây ăn trái giá trị kinh tế cao như: sầu riêng hạt lép, bưởi da xanh, quýt. 178 ha cây cao su, trên 100 ha cây tre tầm vông, 34 ha cây dâu...
 
Đó là thành quả của sự chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu cây trồng. Nó phù hợp địa lý, khí hậu, như “lựa chân đóng giày”, mà mỗi người dân gốc Huế đã tự chuyển đổi mạnh mẽ về nhận thức đến hành động của chính mình.
 
Có một câu chuyện mà giờ mới kể. Khi tìm hiểu về Hương Lâm, chúng tôi có hỏi đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Lê Phi Hùng rằng:
 
- Khó khăn là thế, có ai đến đây rồi tìm đi nơi khác sinh sống không?
 
Bỗng thấy ông Hùng mặt đỏ, nở nụ cười ngượng ngập:
 
- Có, có. Chính tôi các anh ạ!
 
... Chàng trai có dáng người nhỏ nhắn, tạm biệt thành phố Huế vào Đạ Tẻh từ năm 1980. Khó khăn ở vùng đất mới đến nỗi gia đình cho chiếc xe đạp, vì đường đi sình lầy đành treo gác bếp, rồi bán rẻ cho người thị trấn. Hơn 3 năm từ 1986 đến 1989 phục vụ trong quân đội. Bảy năm từ 1990 đến tháng năm 1997 tham gia công tác Xã đội trưởng rồi Phó Trưởng Công an xã.
 
Nhưng từ tháng 7 năm 1997, bỗng nhiên… anh cùng vợ và hai đứa con nhỏ tự tìm lên Phường 7, thành phố Đà Lạt sinh sống bằng nghề bốc vác hàng thuê. Mỗi ngày làm thuê về, đêm nằm ngủ không ngon, những dằn vặt, đấu tranh nội tâm mãnh liệt “Sao mọi người trụ lại được mà mình bỏ đi?”. Thế là chỉ sau 5 tháng ở Đà Lạt, Lê Phi Hùng quyết định về lại Hương Lâm. Mảnh đất và ngôi nhà cũ, dẫu treo bảng bán nhà, nhưng không một ai hỏi mua. Vợ chồng đồng lòng, phải làm lại tất cả…
 
Người thanh niên ấy, bây giờ đang là Bí thư Đảng ủy xã Hương Lâm. Xã vừa thoát nghèo, vừa về đích nông thôn mới năm 2017. Lê Phi Hùng trải lòng:
 
 
- Mình về, từ người dân đến lãnh đạo không ai trách mình. Nhưng mình tự trách mình một thời gian khá dài. Và để chuộc lại phút giây ngã lòng ấy, mình lao vào công việc không biết mệt. Làm người lãnh đạo, trước hết phải biết tin vào dân. Khi được dân tin, thì lãnh đạo bọn mình bảo nhau hãy toàn tâm toàn ý lo cho dân. Nước nổi lo chi bèo không nổi.
Bí thư Lê Phi Hùng khẳng định: 
 
- Xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc. Phải luôn cùng dân, nghĩ và làm vì chất lượng cuộc sống tốt hơn, phải tạo được không gian đáng sống cho mình và mọi người.
 
Vâng đúng như vậy, xây dựng nông thôn mới là ý Đảng, lòng dân. Mỗi nơi đều có cách làm khác nhau, lấp lánh những sắc màu tươi đẹp, nhưng tựu trung đích đến, vẫn là làm cho dân giàu, nước mạnh. Hướng đến năm 2020 và những năm tiếp theo, đó là mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu. Huyện Đạ Tẻh đã và đang có những bước đi thích hợp, tập trung xây dựng 9 xã nông thôn mới với cách làm mới, nâng cao một cách vững chắc đời sống vật chất và tinh thần của người dân.
 
NGUYỄN THƯỢNG THIÊM