Giữ vị quê hương trong từng chiếc bánh nhỏ

05:04, 15/04/2020

Trên vùng đất kinh tế mới Đạ Tẻh, dường như người dân từ mỗi vùng miền khi ly hương đến xây dựng cuộc sống mới nơi đây đều mang trong mình niềm tự hào về nơi chôn nhau cắt rốn...

Trên vùng đất kinh tế mới Đạ Tẻh, dường như người dân từ mỗi vùng miền khi ly hương đến xây dựng cuộc sống mới nơi đây đều mang trong mình niềm tự hào về nơi chôn nhau cắt rốn. Nếu như những người con Nam Định tại xã Đạ Pal mang theo nghề trồng dâu nuôi tằm, người dân xã Hà Đông (nay sáp nhập vào xã Mỹ Đức) mang theo những làn điệu dân ca quan họ,... thì những người con xứ Huế tại xã Đạ Lây lại tự hào gìn giữ món ăn truyền thống của quê hương mình.
 
Nghề làm bánh lọc mang từ quê hương đã giúp nhiều người dân tại xã Đạ Lây có thu nhập ổn định hàng ngày
Nghề làm bánh lọc mang từ quê hương đã giúp nhiều người dân tại xã Đạ Lây có thu nhập ổn định hàng ngày
 
Chẳng ai ngờ rằng, ở nơi cách vùng đất cố đô - cái nôi của bánh lọc, bánh nậm,... gần 900 km, món bánh lọc lại có thể trở thành thương hiệu riêng của xã Đạ Lây. Để mỗi lần đi qua con dốc Mạ Ơi, nhiều người lại phải ghé ăn bằng được những chiếc bánh nóng hổi, thơm ngon. Mỗi chiếc bánh chỉ có giá trên dưới một ngàn đồng, nhưng cái nghề thu từng đồng lẻ, lấy công làm lời ấy lại đang giúp cho nhiều người dân tại xã Đạ Lây có được thu nhập ổn định hàng ngày.
 
Trên dọc tuyến đường đi qua xã Đạ Lây, không khó để bắt gặp những hàng quán bán bánh lọc. Trong gian nhà nhỏ thơm nức mùi bột, mùi nhân, cả mùi lá chuối quen thuộc của gia đình ông Phạm Đình Châu (61 tuổi), có đến 7 người đang cùng làm bánh. Mỗi người một công đoạn, người làm nhân, người chuẩn bị lá, người gói bánh,... tất cả đều nhanh nhẹn, thuần thục. Vừa quậy nồi bột trên bếp, ông Châu vừa tự hào giới thiệu rằng đây là món bánh đặc sản của quê hương, và phải dựa trên kinh nghiệm bao nhiêu năm mới làm ra chiếc bánh đúng vị. Vì “người Huế vốn không chỉ ăn bằng miệng mà còn cả bằng mắt, nên chiếc bánh lọc ngoài ngon miệng còn phải đảm bảo hấp dẫn về màu sắc” - ông Châu chia sẻ. Mỗi ngày, gia đình ông làm và bán khoảng 2.000 chiếc bánh. Ngoài những thành viên trong gia đình, vào những đợt cao điểm, ông phải thuê thêm 5, 6 người làm phụ.
 
Nguyên là Bí thư Đảng ủy xã Đạ Lây, hơn ai hết, ông Phạm Đình Châu hiểu được những nhọc nhằn của bà con nơi đây trong quá trình xây dựng cuộc sống mới. Thế nên, từ khoảng 10 năm nay, khi món bánh lọc Đạ Lây được nhiều nơi biết đến và nghề làm bánh lọc trở nên phổ biến, sự phấn khởi và cả niềm tự hào về đặc sản quê hương trong mỗi gia đình làm bánh là điều ông cảm nhận rõ - khi mà toàn xã có đến 80% người dân gốc Huế. Ông cho biết: “Dọc tuyến đường này, phần lớn bà con không có đất đai để sản xuất nông nghiệp. May có nghề làm bánh này mà nhiều người dân, đặc biệt là người không lao động nặng được có công ăn việc làm, thu nhập ổn định để lo cho gia đình. Nghề làm bánh lọc để làm giàu thì khó, nhưng nếu chăm chỉ, chịu khó lấy công làm lời thì cuộc sống hàng ngày đều được đảm bảo”.
 
Là một trong những người đầu tiên tại xã Đạ Lây làm bánh lọc số lượng lớn để đưa đi các nơi, bà Võ Thị Kim Ngọc (55 tuổi) đã miệt mài với nghề làm bánh từ 20 năm nay. Lúc đầu bà bán ít, nhiều người ăn thấy ngon nên ngày càng mua nhiều, đặt nhiều. Bà bỏ hẳn việc làm thuê, làm mướn để làm bánh lọc. Bây giờ, đều đặn mỗi ngày, khoảng 1.200 cái bánh của gia đình bà được đưa đi khắp các địa phương trong tỉnh, đưa xuống Sài Gòn, Bình Dương,...
 
40 năm rời Huế, khi còn là cô con gái đang tuổi trăng tròn vẫn phụ bà, phụ mẹ làm bánh mỗi lần đám giỗ, bà Ngọc nói rằng không ngờ khi đến lập nghiệp ở nơi này, nghề làm bánh lọc lại gắn bó, nuôi sống cả gia đình bà cho đến tận hôm nay. Ngày ít thì 2 người làm, nhiều thì 4, 5 người cùng làm. Cứ vậy mà bà xây dựng nhà cửa đàng hoàng, nuôi con học đại học. Cô con gái của bà đang học Sư phạm Mầm non tại TP Hồ Chí Minh, tranh thủ những ngày nghỉ dịch ở nhà để phụ mẹ. Dịu dàng, nhỏ nhẹ, và cũng gói bánh thuần thục như mẹ của mình, vì “em lớn lên từ những nồi bánh của mẹ” - cô đùa.
 
Với mục đích hỗ trợ phát triển nghề làm bánh lọc để vừa duy trì bản sắc ẩm thực đặc trưng từ quê hương mang vào, lại tạo thu nhập ổn định cho chị em phụ nữ, tháng 5/2019, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Đạ Lây đã thành lập Tổ hợp tác (THT) Bánh lọc Huế. Đến nay, THT có 12 thành viên, trên tổng số hơn 25 hộ gia đình làm bánh trên địa bàn xã. Các thành viên tham gia THT hỗ trợ, chia sẻ với nhau về kỹ thuật, thị trường tiêu thụ sản phẩm, kinh nghiệm trong các công đoạn của quy trình làm bánh. Ngoài ra, các tổ viên còn đóng góp tiết kiệm để tạo nguồn vốn, giúp nhau mở rộng quy mô sản xuất, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.
 
Chị Nguyễn Thị Lợi - Chủ tịch Hội LHPN xã Đạ Lây, cho biết: Sau một năm hoạt động, với sự hỗ trợ, chia sẻ thông tin từ THT, thị trường tiêu thụ bánh lọc Huế đã được mở rộng đáng kể. Người dân cũng đã chủ động tìm kiếm thị trường. Trung bình mỗi ngày, mỗi hộ bán được từ 1.000 đến 1.500 bánh. “Bây giờ, một trong những điều người ta nhớ đến khi nhắc tới xã Đạ Lây đã có bánh lọc. Và thương hiệu bánh lọc Huế đã đi được đến nhiều tỉnh thành. Điều chúng tôi hướng đến trong thời gian tới là tiếp tục kết nạp tổ viên, đồng thời tuyên truyền để các hộ làm bánh luôn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho sản phẩm của mình” - chị Lợi nói.
 
Bây giờ, trên chiếc phản gói bánh của nhà ông Châu, ngoài người lớn, đã có thêm bàn tay nhỏ của những đứa cháu nội của ông. Cô bé Thư Kỳ mới 8 tuổi hay Nghĩa, 13 tuổi, đều hào hứng tham gia phụ giúp, thuần thục bỏ bột, lau lá, buộc bánh. Nhìn gia đình 3 thế hệ cùng quây quần làm bánh, chị Thùy Dương - con gái ông Châu, cũng là mẹ của hai đứa nhỏ tự hào nói rằng: Tôi tập cho con biết làm bánh từ nhỏ, để dù sau này có tiếp tục theo nghề hay không thì các con vẫn biết đến món ăn truyền thống của quê hương mình, biết mình sinh ra từ đâu, và biết tự hào vì những gì quê hương mình có.
 
VIỆT QUỲNH - HỒNG THẮM