Những đốm lửa hồng

05:04, 07/04/2020

"Hà Nội dấu yêu vẫn kiên cường như những ngày đêm chống B52 năm ấy", "Hà Nội đang vất lắm em à! Nhưng người dân ai cũng tin tưởng vào Chính phủ"…;...

“Hà Nội dấu yêu vẫn kiên cường như những ngày đêm chống B52 năm ấy”, “Hà Nội đang vất lắm em à! Nhưng người dân ai cũng tin tưởng vào Chính phủ”…; trong dòng tin nhắn hỏi thăm nhau mùa COVID-19, bạn bè tôi ở Thủ đô đã viết những lời như thế. Tôi cũng muốn kể cho họ và mọi người về những tấm lòng, những câu chuyện xúc động như những đốm lửa hồng ấm áp trong cuộc chiến chống dịch giữa những ngày cách ly vắng lặng trên đất Nam Tây Nguyên.
 
Ông Lê Hậu (90 tuổi) đến ủng hộ tiền chống dịch tại UBMTTQ thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà.
Ông Lê Hậu (90 tuổi) đến ủng hộ tiền chống dịch tại UBMTTQ thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà.
 
Anh bạn tôi ở huyện Lạc Dương gửi cho tôi tấm hình một cụ bà lên Ủy ban thị trấn xin đóng góp 5 triệu đồng cùng với chính quyền địa phương chung tay chống dịch. Có lẽ do thói quen nghề nghiệp, tôi hỏi ngay rằng bà có gì đặc biệt không? Cựu chiến binh? Mẹ liệt sĩ? Hộ nghèo? Hay bất kỳ một điều gì đó riêng biệt để tôi có thể lao vào huyện Lạc Dương ngay. Nhưng câu trả lời của anh làm tôi lặng thinh. Rằng “anh cũng có hỏi bà rồi nhưng bà bảo rằng bà là bà Đấu, là công dân thị trấn, vậy thôi”. Bà bảo “vậy thôi” nhưng với tôi đó thực sự là điều đặc biệt.
 
Không trực tiếp chứng kiến lúc bà trao tiền ủng hộ, nhưng lời kể của cán bộ thị trấn Lạc Dương rõ ràng từng chi tiết đủ cho tôi hiểu hình ảnh đó đã ấn tượng với họ đến chừng nào. Bà tên Vũ Thị Đấu (74 tuổi), sống tại tổ dân phố Đồng Tâm - thị trấn Lạc Dương. Là thói quen nhiều năm nay, tối nào bà cũng xem hết thời sự trung ương, đến địa phương. Biết được những ngày qua, cả nước gồng mình chống dịch, khó khăn gian khổ nên lòng bà cũng thấy băn khoăn. Bà cứ trăn trở mãi vì mong muốn đóng góp, muốn chia sẻ chút gì đó khi đất nước đang cần. Bởi vậy, bà đã bảo cháu chở lên UBND thị trấn Lạc Dương. Đôi bàn tay nhăn nheo của người phụ nữ đã qua tuổi thất thập cẩn thận lôi từ trong túi áo ra số tiền được gói ghém cẩn thận: “Bà ủng hộ 5 triệu đồng góp sức chống dịch”. Quá bất ngờ với việc làm của bà, lãnh đạo thị trấn chỉ biết cảm ơn trước nghĩa cử cao đẹp của bà. Trước khi ra về, bà không quên dặn các đồng chí lãnh đạo thị trấn: “việc làm của bà chỉ là đóng góp nhỏ bé nên bà không muốn nhiều người biết”. 
 
Nhưng việc làm đầy ân tình và vô cùng xúc động ấy của bà vẫn được người dân thị trấn Lạc Dương nhắc đến suốt những ngày qua. Họ kể rằng bà Đấu quê ở Hải Dương, 19 tuổi đã đứng vào hàng ngũ của Đảng. Bà theo chồng vào Lạc Dương sinh sống từ những năm 80. Cuộc sống những ngày đầu khó khăn không kể xiết, nhưng bà vẫn nhắc đi nhắc lại rằng “mình đi đâu cũng có người thương, người giúp đỡ. Bốn người con trưởng thành nhờ có sự đùm bọc của bà con, nhờ ơn chính sách của Đảng”. Có lẽ bởi vậy mà khi đất nước cần, bà đã không đắn đo suy nghĩ, sẵn sàng đóng góp tiền bà bán rau, tiền con cháu biếu và gom góp lại để góp sức cho đất nước chống dịch.
 
Giữa những ngày thực hiện cách ly xã hội, ngoài thông tin về dịch và phòng dịch, thông tin từ anh em, bạn bè chia sẻ về những câu chuyện của chính người thân họ trong cuộc chiến chống dịch như những đốm lửa hồng thắp thêm niềm tin trong những ngày căng thẳng nhất. “Ông nội tôi: Trẻ ra trận chống giặc, già vẫn muốn góp sức chống dịch”, cô bạn tôi đã chia sẻ trên trang cá nhân như thế về câu chuyện xúc động của ông nội mình. Ông là Lê Hậu, năm nay vừa tròn 90 tuổi, sống tại thôn Văn Tâm, thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà. Trong bức thư tay mà nét chữ run run bởi tuổi già, ông gửi Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (UBMTTQ) thị trấn Đinh Văn vào ngày đạp xe lên ủy ban xã đóng góp có nói: “Tôi đã trải qua ba thời: chống phong kiến, chống Pháp, chống Mỹ. Đã trải qua một cuộc bể dâu, nhờ Đảng, Hồ Chủ tịch toàn dân, toàn quân hiệp lực đánh cho giặc phải quỳ gối đầu hàng”, “đã được nghe trên loa đài về dịch - cô vít 19 trên toàn cầu. Tôi với đồng tiền trợ cấp và ngoài ra dùng 2 chữ Cần - Kiệm được một số tiền nhỏ lẻ góp lại được một triệu đồng... Ông già góp gửi”. Và cũng với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, UBMTTQ huyện Đơn Dương đã nhận sự chung sức, ủng hộ phòng chống dịch từ 57 tổ chức và 94 cá nhân với số tiền trên 130 triệu đồng. Đặc biệt, trong đó có người đứng đầu các điểm nhóm Tin Lành, mục sư của nhóm cơ đốc Phục Lâm... đã đến tận UBMTTQ huyện.
 
Người dân có những cách đóng góp theo khả năng của mình. Còn những chiến sĩ trên tuyến đầu, họ cũng đang ngày đêm hoàn thành tốt nhất mọi nhiệm vụ để tham gia chống dịch. Dẫu Nam Tây Nguyên không có các chốt chặn dọc đường biên giới, dẫu tình hình nơi đây đỡ căng thẳng hơn ngoài Bắc, trong Nam, nhưng lực lượng vũ trang ở Nam Tây Nguyên luôn sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống. Cô trung úy ở lực lượng vũ trang Lâm Đồng, có sinh nhật trong những ngày cao điểm của mùa dịch nên việc thực hiện các quy định phòng, chống dịch phải đặt lên hàng đầu. Đồng đội gửi lời chúc sinh nhật cho nữ chiến sỹ ở “căn cứ” Nam Tây Nguyên cũng vì thế mà tràn đầy khí thế chống dịch. Rằng: “Giặc vi rút cô rô na/ Cũng không thể khiến chúng ta sờn lòng/ Dẫu sinh nhật chẳng hoa hồng/ Có ngàn hoa của tấm lòng sẻ chia/ Trải nắng cháy, vượt rừng khuya.../ Quyết chiến, quyết thắng! Giặc kia phải lùi/ Mùa sau diệt dịch xong rồi/ Hoa hồng và những nụ cười đẹp hơn”. Những ngày chống dịch cao điểm này, cô có tấm lòng đồng đội, bạn bè chia sẻ. Họ chúc nhau và động viên nhau sẽ kết thúc chiến dịch với tinh thần quyết chiến, quyết thắng cao nhất, chia lửa đến những đồng đội, các y, bác sỹ, người tình nguyện trên khắp tuyến đầu diệt dịch; nhắn với đồng bào sự tin tưởng, yên tâm.
 
Và bởi thế dù ở nơi đâu, Hà Nội, Đà Lạt hay bất cứ vùng đất nào trên dải đất hình chữ S yêu thương, những đốm lửa hồng vẫn liên tục được thắp sáng. Tất cả mọi người đang chung tay và cùng hi vọng vào ngày trở lại. Ngày mà ở mọi miền đều khỏe mạnh và đầy ắp tin vui.
 
NGỌC NGÀ