Vào những tháng cao điểm của mùa khô vừa qua, chúng tôi có dịp về tìm hiểu cuộc sống sinh hoạt, sản xuất của khoảng 30 hộ dân thuộc Thôn 3, xã căn cứ cách mạng Đinh Trang Thượng, huyện Di Linh...
Vào những tháng cao điểm của mùa khô vừa qua, chúng tôi có dịp về tìm hiểu cuộc sống sinh hoạt, sản xuất của khoảng 30 hộ dân thuộc Thôn 3, xã căn cứ cách mạng Đinh Trang Thượng, huyện Di Linh. Do khu vực sinh sống nằm khá biệt lập với khu dân cư các thôn, xã..., nên nhiều năm nay bà con vẫn chưa có điện lưới quốc gia phục vụ sinh hoạt.
|
Điện năng lượng mặt trời chưa đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho người dân |
Nằm cách trung tâm xã khoảng 2 km, nhưng cuộc sống của khoảng 30 hộ dân ở xóm nghèo “Liang” (theo tên đặt của người dân địa phương) thuộc Thôn 3 nằm phía thượng nguồn Thủy điện Đồng Nai 3 và được chia cắt bởi địa hình đồi núi cao khá hiểm trở, điều kiện sinh hoạt đi lại, phát triển kinh tế còn gặp nhiều khó khăn.
Giữa cái nắng gắt những tháng cao điểm của mùa khô, bà con ở khu vực này vẫn loay hoay tìm nguồn nước từ các ao hồ, kéo từng ống tưới, vượt qua đồi cao hàng trăm mét để chống hạn cứu sống cho cây trồng. Do đây là khu vực đất đá nên vào mùa khô nguồn nước bị cạn kiệt, thời tiết trở nên khắc nghiệt và oi bức.
Theo chia sẻ của bà con trong vùng, năm 2003, bà con từ mọi miền đất nước vào đây làm kinh tế. Những năm đầu người dân thường sử dụng đèn dầu để thắp sáng, mãi đến năm 2013 khi điều kiện kinh tế gia đình đã khá lên và để đáp ứng phục vụ nhu cầu sinh hoạt gia đình, bà con đã đầu tư điện năng lượng mặt trời không chỉ để thắp sáng, mà còn xem tivi, con cái học bài..., nhưng mùa mưa thường xuyên bị thiếu điện.
Ông Nguyễn Văn Đông tâm sự, quê ông ở Ninh Bình, từ năm 2006 ông vào đây lập nghiệp rồi lập gia đình và sinh được 2 người con, hiện cháu lớn đang học lớp 4 và con thứ hai đang học lớp 2. “Ở đây điều kiện sinh hoạt từ điện thắp sáng, đường sá đi lại đến nước sử dụng hàng ngày đều khó khăn”, ông Nguyễn Văn Đông nói.
Còn gia đình ông Vũ Hữu Hạnh vào khu Liang an cư lập nghiệp từ năm 2007, đến nay gia đình ông đã có 2 ha đất sản xuất. Do điều kiện thổ nhưỡng, thời tiết khá khắc nghiệt nên gia đình ông chỉ canh tác cây cà phê 1 ha, số diện tích còn lại ông Hạnh trồng cây chuối. Bởi theo ông Vũ Hữu Hạnh, do đất đá pha cát sỏi, nên cây cà phê chỉ phù hợp vào mùa mưa, còn mùa khô nắng hạn kéo dài nên cây cối bị héo khô. Ông Vũ Hữu Hạnh kiến nghị: “Khu vực này không có suối, ao hồ, còn nước mạch theo từng khe, nên gặp nhiều khó khăn về nước tưới và nước sinh hoạt. Bà con chúng tôi rất cần Nhà nước hỗ trợ kinh phí đào ao tích nước, khoan giếng chống hạn cho cây trồng...”.
So với nhiều hộ dân trong vùng, hiện gia đình ông Nguyễn Văn Hoàng gặp khá nhiều thuận lợi trong sinh hoạt cũng như phát triển sản xuất. Bởi từ đầu năm 2019, gia đình ông Hoàng đã bỏ khoảng 54 triệu đồng xin mua điện và chi phí kéo đường dây từ nhà của ông Trần Văn Đỗ (Đắk Nông) về tới nhà. “Trước đây, tôi từng bỏ ra khoảng 12 triệu đồng để lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời. Tuy nhiên, chỉ sử dụng cho việc thắp sáng, con cái học hành, xem tivi. Do nhiều năm sử dụng nên tuổi thọ bình, pin điện năng lượng mặt trời kém không thể đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt. Từ khi sử dụng điện lưới đến nay, điều kiện sinh hoạt của gia đình tôi ổn định và tốt hơn”, ông Nguyễn Văn Hoàng cho biết.
Trao đổi với ông K’Đô - Chủ tịch UBND xã Đinh Trang Thượng và một số cán bộ xã, được biết: Hiện trên địa bàn xã có khoảng 40 hộ thiếu điện sinh hoạt hoặc hộ dân tự kéo đường dây không đảm bảo, trong đó có khoảng 10 hộ nằm dọc trên tuyến Quốc lộ 28, đường tránh Thủy điện Đồng Nai 3. Qua khảo sát, bà con khu vực này sống rải rác và canh tác trên đất phân định lâm nghiệp; chưa đưa ra khỏi quy hoạch đất lâm nghiệp thuộc 3 loại rừng..., nên chưa thể quy hoạch chi tiết vào khu dân cư.
Có thể nói, việc thiếu điện gây ảnh hưởng lớn về mọi mặt trong đời sống sinh hoạt và phát triển sản xuất của người dân. Không có điện, người dân nơi đây cũng bị hạn chế trong việc nghe đài, xem tivi để học hỏi các mô hình, kinh nghiệm trong sản xuất cũng như công tác tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Vì vậy, mong ước có điện để sinh hoạt, tiếp cận được thông tin xã hội, phát triển sản xuất... và sớm ổn định đời sống là niềm mong mỏi lớn nhất của bà con nơi đây.
NDONG BRỪM