Đông Thanh với những tuyến đường không rác

05:05, 25/05/2020

Những con đường tại xã Đông Thanh, Lâm Hà mấy năm trước đây vốn ngập rác với các điểm đổ rác không tên, nay đã thành tuyến đường nhựa trải dài xanh, sạch, dọc hai bên đường là những dãy hoa tím đua nhau khoe sắc.

Những con đường tại xã Đông Thanh, Lâm Hà mấy năm trước đây vốn ngập rác với các điểm đổ rác không tên, nay đã thành tuyến đường nhựa trải dài xanh, sạch, dọc hai bên đường là những dãy hoa tím đua nhau khoe sắc.
 
Con đường liên thôn xanh, sạch, đẹp
Con đường liên thôn xanh, sạch, đẹp
 
Vứt rác bừa bãi gây ô nhiễm môi trường
 
Đưa tôi đến cầu Thanh Hà, ông Hoàng Văn Thông, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Đông Thanh đưa tay chỉ: “Ngày xưa cây cầu này là một trong số những bãi rác tự phát gây ô nhiễm nghiêm trọng của xã”.
 
Đây là cây cầu sắt liên xã giữa Đông Thanh và thị trấn Nam Ban, vốn là nơi vắng vẻ, người dân một số thôn lân cận thường đem rác vứt xuống sông hay khoảnh đất trống cạnh cầu. Không biết từ khi nào, nơi đây bỗng trở thành điểm đổ rác tự phát của gần 400 hộ dân tại 3 thôn Thanh Hà, Thanh Trì và Trung Hà. Hễ khi đường vắng không có người, hay vào ban đêm, thì người dân gần đó lại mang rác ra vứt khiến nước sông bị ô nhiễm, rác tồn đọng lâu ngày gây mùi hôi khó chịu. 
 
Nhưng giờ đây đã khác, ông Thông vui vẻ khoe sự đổi mới của nơi đây: “Mọi người nay đã có điểm đổ rác, có xe đến thu gom, thuận tiện lại sạch sẽ nên nay tình trạng vứt rác “trộm” cũng không còn nữa. Cầu Thanh Hà không còn rác, nước sông cũng được trong sạch hơn. Có được sự thay đổi này cũng là nhờ xã đã có những điểm thu gom rác cho bà con”.
 
Nhiều năm trước, theo ông Thông, xã Đông Thanh vẫn chưa có điểm thu gom rác thải, nhiều hộ gia đình phải tự đào hố rác để tiêu hủy, hay phải tự đốt rác tại nhà. Bất tiện, khói rác ô nhiễm, cũng vì thế mà một số hộ dân thường vứt rác ra sông, cống, hay bụi cỏ bên lề đường, điều này không chỉ gây ô nhiễm mà còn làm mất mỹ quan nông thôn. 
 
Trước tình trạng này, được sự đồng ý của UBND xã, đầu tháng 3/2018, ông Thông đã cùng với những hội viên của mình thành lập mô hình “Tuyến đường không rác”. Mô hình được triển khai với 15 điểm thu gom rác, dọc theo tuyến đường từ thôn Tiền Lâm đến thôn Đông Anh, Tầm Xá, Trung Hà, Đông Hà, Thanh Trì, Thanh Hà đến Cổng văn hóa xã. Cứ đến thứ Sáu hàng tuần, từ 12 giờ đến 14 giờ, xe thu gom rác thải sẽ đến những điểm đổ rác tập trung để gom rác đem đi xử lý.
 
Đặc biệt, ở những thôn này đều có tổ bảo vệ môi trường với 17 thành viên. Theo lịch trực phân công do Hội Cựu chiến binh xã sắp xếp, mỗi ngày trong tuần các thành viên trong tổ làm nhiệm vụ đi kiểm tra, hướng dẫn người dân vứt rác đúng thời gian, đúng địa điểm quy định. Mô hình được triển khai đáp ứng được nhu cầu thiết yếu của người dân, thế nên chỉ hơn 2 năm thực hiện mô hình, đến nay đã có hơn 400 hộ tham gia. 
 
Để Đông Thanh sạch, đẹp
 
Là Tổ trưởng Tổ bảo vệ môi trường của thôn Thanh Hà, ông Đoàn Đức Hạnh chia sẻ, trước đây người dân hay vứt rác dọc đường, những chỗ vắng người, hay có bãi cỏ là họ vứt vào. Mỗi lần nắng gắt hay mưa thì mùi hôi bốc lên ô nhiễm, mất cảnh quan. “Nay thì khác rồi, từ khi có điểm thu gom rác, ý thức của người dân được nâng cao, mọi người giờ vứt rác đúng nơi, đúng chỗ. Cứ đến lịch trực là chúng tôi thay phiên nhau đi kiểm tra, mặc dù làm việc không lương nhưng chúng tôi ai cũng làm hết mình vì bộ mặt nông thôn mới”, ông Hạnh cười. 
 
Nhờ có mô hình “Tuyến đường không rác”, cùng nỗ lực thầm lặng của những cựu chiến binh, mà nay vứt rác ở đâu không còn là cái lo của bà con ở Đông Thanh. Anh Nguyễn Hữu Tình, người dân thôn Thanh Trì, xã Đông Thanh phấn khởi chia sẻ: “Từ khi có điểm thu gom rác, bà con ở đây vui lắm, thứ Sáu hàng tuần là cứ mang rác ra điểm đổ rác gần đó mà vứt thôi, tiện lợi, sạch sẽ hơn nhiều, trước phải đào hố chôn rác vất vả, bất tiện lắm”. 
 
Theo Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Đông Thanh, mỗi tuần, khoảng 8 khối rác trên địa bàn xã được thu gom, trung bình 1 năm lượng rác từ các hộ gia đình khoảng gần 400 m3 rác. Nhờ có mô hình, lượng rác thải được thu gom, xử lý, đảm bảo vệ sinh, hạn chế tình trạng vứt rác không đúng nơi quy định, ý thức bảo vệ môi trường của người dân địa phương cũng đã có những chuyển biến rõ rệt. Đi giữa những tuyến đường hoa xanh, sạch, đẹp cũng trở nên thoáng mát, dễ chịu hơn.
 
Hiện, những điểm tập trung rác của xã chỉ dọc theo những tuyến đường nhựa chính. Do địa bàn rộng, dân cư phân bố không đều nên một số điểm thu gom rác xa với một số xóm của thôn. Do vậy, để tiện lợi cho người dân, Hội Cựu chiến binh xã cũng đã đề xuất với HĐND xã Đông Thanh thực hiện xã hội hóa thu gom rác thải, mở rộng thêm những điểm thu gom rác tại các thôn nằm xa khu trung tâm, là những nơi chưa có tuyến thu gom rác. “Các hộ dân trên toàn xã đều tham gia mô hình “Tuyến đường không rác”, tạo nên thói quen đổ rác đúng nơi quy định cho người dân. Việc mọi người cùng chung tay bảo vệ môi trường, tạo nên bộ mặt xanh, sạch, đẹp cho nông thôn hiện nay”, ông Thông cho biết thêm.
 
Từ những hiệu quả thiết thực mà mô hình mang lại, Đông Thanh nay trở thành mô hình điểm về bảo vệ môi trường của huyện Lâm Hà. 
 
NHẬT QUỲNH