Tại thành phố Đà Lạt, một trung tâm viện dưỡng lão theo mô hình, tiêu chuẩn Nhật Bản cũng đã được xây dựng lên, nhằm giúp người già sống trong viện dưỡng lão mà như ở nhà. Đó là Trung tâm Dưỡng lão TH Đà Lạt.
Tại thành phố Đà Lạt, một trung tâm viện dưỡng lão theo mô hình, tiêu chuẩn Nhật Bản cũng đã được xây dựng lên, nhằm giúp người già sống trong viện dưỡng lão mà như ở nhà. Đó là Trung tâm Dưỡng lão TH Đà Lạt.
|
Trung tâm Dưỡng lão TH - trung tâm đầu tiên được xây dựng theo mô hình, tiêu chuẩn Nhật Bản, hướng đến mô hình ngôi nhà lớn ấm áp, một sân chơi, nghỉ dưỡng cao cấp dành cho các cụ người cao tuổi |
Từ trung tâm dưỡng lão kiểu Nhật Bản
Không ít gia đình trẻ đang có câu đùa cửa miệng: “Đối xử tốt với con nếu không sau này chúng đưa vào trại dưỡng lão”. “Nhà hay viện dưỡng lão” trong mắt nhiều người Việt có vẻ như là một chốn không thân thiện, chủ yếu dành cho những người cô đơn, không nơi nương tựa hay nghèo khó.
Theo đúng tâm lý, truyền thống của người Việt, cha mẹ già con cái cần phải chăm sóc, đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão là bất hiếu. Đặc biệt, nhiều người cũng có quan điểm viện dưỡng lão là nơi người lớn tuổi bị bỏ rơi, bị cô đơn và không được chăm sóc tốt? Nhưng định kiến đó đang dần được thay đổi. Và, một trung tâm dưỡng lão được xây dựng với mô hình, tiêu chí hoạt động theo tiêu chuẩn Nhật Bản đã được đầu tư xây dựng tại TP Đà Lạt đang thu hút sự quan tâm của nhiều gia đình.
Ưu tiên chăm sóc sức khỏe người cao tuổi
Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người cao tuổi là Chương trình Mục tiêu Y tế - Dân số được tỉnh Lâm Đồng chú trọng thực hiện thông qua Đề án Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2018 - 2020.
Bên cạnh các cơ sở chăm sóc người cao tuổi thuộc diện bảo trợ xã hội, sự hình thành các trung tâm dưỡng lão dịch vụ đã và đang là một xu thế tất yếu khi đời sống người dân ngày càng nâng cao và những định kiến mờ dần. Nâng cao chất lượng các dịch vụ nhằm giúp người cao tuổi sống vui - sống khỏe - sống thọ đang là mục tiêu chính của các trung tâm dưỡng lão.
|
Nằm trên đường Triệu Việt Vương (Phường 3, TP Đà Lạt), Trung tâm Dưỡng lão TH Đà Lạt với chức năng phục vụ nghỉ dưỡng cho người cao tuổi có cuộc sống an sinh, thoải mái nhất. Sứ mệnh của trung tâm là đem đến cho gia đình người cao tuổi sự yên tâm, tin tưởng về nơi có thể gửi gắm người thân của mình.
Anh Lâm Thái Phong - Giám đốc Trung tâm Dưỡng lão TH Đà Lạt chia sẻ: Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh Lâm Đồng hiện có hơn 140.000 người độ tuổi trên 60, chiếm tỷ lệ gần 11% dân số. Mặc dù, việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; cải thiện tình trạng sức khỏe cho người cao tuổi đã triển khai rộng khắp tại 12 huyện, thành phố với 147/147 xã, phường, thị trấn, nhưng khi xã hội ngày càng phát triển, nhịp độ cuộc sống nhanh hơn, nhiều người lớn tuổi gặp phải các áp lực lớn về tâm lý, phải chịu cảnh buồn chán, sống lủi thủi, cô đơn một mình không được chăm sóc, không có người cùng tuổi trò chuyện dù thường xuyên có con cái bên cạnh. Bên cạnh đó, là nỗi lo về sức khỏe, nhiều gia đình hiện nay con cái không có nhiều thời gian để chăm sóc tốt cho cha mẹ, không thể luôn túc trực 24/24 để kiểm tra tình hình của các cụ. Do đó, lựa chọn viện dưỡng lão có chất lượng, dịch vụ phù hợp nhất, đáp ứng tốt nhất cho việc chăm sóc sức khỏe và tinh thần cho các cụ đang là xu hướng được nhiều gia đình lựa chọn.
Do đó, chúng tôi mang đến TP Đà Lạt một trung tâm viện dưỡng lão, với sự đầu tư về các trang thiết bị hiện đại, các công nghệ hàng đầu trong lĩnh vực chăm sóc người cao tuổi. Đặc biệt là sự khắt khe trong các quy chuẩn chăm sóc người cao tuổi ở Nhật Bản, nhằm giúp người già sống trong viện dưỡng lão mà như ở nhà.
Ở trung tâm không chỉ đơn thuần có không gian, có hoạt động vui chơi giải trí và có nhân viên chăm sóc bữa ăn giấc ngủ cho các cụ là đáp ứng yêu cầu. Những công việc phức tạp hơn, như việc nắm được và cập nhật thường xuyên chỉ số dữ liệu về cân nặng, huyết áp, chỉ số SPO2 của các cụ cũng như thông tin khám bệnh, tái khám, dùng thuốc, sữa, rồi bệnh mãn tính… cũng được đội ngũ điều dưỡng viên thực hiện, giúp người cao tuổi có cuộc sống và sức khỏe luôn được chăm sóc “xịn” như ở Nhật. \
… nơi dưỡng lão như đang ở nhà
Theo anh Phong, khi nói về viện dưỡng lão mọi người thường nghĩ đến một nơi rộng, lớn, có phòng tập thể dục, phục hồi chức năng, nhiều cây xanh... để các cụ an hưởng tuổi già. Nhưng, mô hình của Trung tâm Dưỡng lão TH hoàn toàn khác với mô hình của những dưỡng lão đang hoạt động tại Việt Nam. Do đó được thiết kế theo mô hình dưỡng lão gia đình của Nhật Bản, với các trang thiết bị hiện đại cùng sức chứa tối đa không quá 30 cụ cho một trung tâm.
Có dịp trò chuyện cùng các cụ, tôi nhận ra, người cao tuổi đến với các trung tâm dưỡng lão vì nhiều lý do, có người không muốn con mình vất vả, có người nói ở trung tâm vui hơn vì có người bầu bạn, cũng có người sau khi bị đột quỵ, liệt nửa người... được con cái đưa vào trung tâm để được chăm sóc phục hồi tiếp.
Bà Trần Thị Nga (65 tuổi) chia sẻ: “Tôi cũng có con cái, anh chị em, khi tôi còn ở nhà thì con cái đi làm vẫn bận tâm lo lắng cho mẹ. Chúng nó lo từ chuyện ăn sáng, ăn trưa, đến trưa tranh thủ nghỉ làm thì lại chạy về lo cho mẹ..., tôi thấy con vất vả. Rồi tôi suy nghĩ: Tại sao mình không đến trung tâm chăm sóc người già để được chăm sóc. Vậy là tôi quyết định lấy số tiền tiết kiệm để dành lúc về già để đến trung tâm. Ở đây tôi rất vui, có bạn bè, được chăm sóc, được vui chơi, cuối tuần các con đều ghé thăm. Bây giờ, tôi còn có những mấy bà bạn già, thân nhau như chị em gái trong nhà”.
|
Trung tâm Dưỡng lão TH được thiết kế theo mô hình dưỡng lão gia đình của Nhật Bản, với các trang thiết bị hiện đại cùng sức chứa tối đa không quá 30 cụ cho 1 trung tâm. |
Các cụ không bị ép buộc làm bất cứ điều gì mà các cụ không muốn. Ngược lại, các cụ luôn được khuyến khích nói ra những điều mình muốn và những điều mình muốn làm. Từ đó, trung tâm sẽ đưa ra những phương pháp tốt nhất để khuyến khích và giúp đỡ các cụ.
Chị Dương Thị Hoàng Yến - quản lý Trung tâm Dưỡng lão TH cho biết: Chi phí tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe của các cụ. Nếu các cụ càng khỏe mạnh thì chi phí càng thấp và ngược lại. Mức thấp nhất là 10 triệu đồng/tháng, dịch vụ VIP sẽ có giá cao hơn khoảng 12 - 15 triệu đồng/tháng.
Theo chị Yến, càng lớn tuổi các cụ đi lại càng khó khăn, thậm chí có cụ cuộc sống chỉ quanh quẩn bên chiếc giường và cái xe lăn nên một nơi rộng, lớn thật sự không có ý nghĩa đối với cụ. Việc đẩy cụ ra vườn để tắm nắng hay đơn giản chỉ để ngắm hoa rất đơn giản, không khó. Nhưng làm sao, làm cách nào để khuyến khích các cụ chịu đi? Đó mới là vấn đề. Không phải cụ nào cũng dễ dàng cởi mở, mở rộng lòng mình, chịu tâm sự sẻ chia với người khác. Và, đây là mục tiêu hướng tới của Trung tâm Dưỡng lão TH. Đó là giúp các cụ nói ra được những mong muốn, nguyện vọng của mình, nhằm giúp đỡ các cụ một cách tốt nhất, bởi “không phải tuổi già là hết, ai cũng có tâm tư nguyện vọng của mình”.
“Khi xây dựng lên Trung tâm Dưỡng lão TH Đà Lạt, chúng tôi hướng đến không khác gì mô hình ngôi nhà lớn ấm áp, một sân chơi dành cho các cụ. Vì ở đây, hầu như các cụ đồng tuổi với nhau sẽ dễ dàng hiểu, cởi mở với nhau hơn. Các con, cháu cũng thường xuyên lui tới thăm, còn các bạn điều dưỡng ở trung tâm cũng giống như con, cháu của các cụ ở nhà... luôn luôn lắng nghe và chia sẻ những vui buồn của các cụ”- chị Yến chia sẻ.
NGÂN GIANG