Cát Tiên giảm nghèo gắn với xây dựng nông thôn mới

05:06, 01/06/2020

Công tác giảm nghèo gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM) trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) được Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lâm Đồng đặc biệt quan tâm với những nghị quyết, kế hoạch cụ thể... 
 

Công tác giảm nghèo gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM) trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) được Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lâm Đồng đặc biệt quan tâm với những nghị quyết, kế hoạch cụ thể. Cát Tiên là huyện xa nhất với 21 DTTS cư trú, nhưng đạt nhiều thành quả trong công tác giảm nghèo gắn với xây dựng NTM trong vùng đồng bào DTTS 5 năm qua.
 
Phân hiệu Trường Mầm non tại bản Bun Go
Phân hiệu Trường Mầm non tại bản Buôn Go
 
Với hơn 8.000 nhân khẩu, trên địa bàn huyện Cát Tiên có 21 DTTS, bao gồm: Tày, Thái, Hoa, Khmer, Mường, Nùng, Mông, Dao, Gia Rai, Xơ Đăng, Ê Đê, Cơ Ho, Chăm, Sán Chay, X’Tiêng, M’Nông, Sán Dìu, Mạ, Chơ Ro, Thổ và Cơ Lao. Trong số đó, dân tộc bản địa gốc Tây Nguyên là Mạ và X’Tiêng có 2.444 nhân khẩu, chiếm 30,5% đồng bào DTTS và 6,93% dân số toàn huyện. Đồng bào DTTS cư trú hầu hết tại các xã, thị trấn; riêng dân tộc Mạ và X’Tiêng tập trung sinh sống ở 7 thôn: Thôn 6, xã Tiên Hoàng; bản Brum, xã Gia Viễn; làng Bù Đạt, thị trấn Phước Cát; làng Bù Khiêu, Thôn 3 và Thôn 4, xã Phước Cát 2; bản Buôn Go, thị trấn Cát Tiên và 1 xã là Đồng Nai Thượng (100% dân số dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên). 
 
Phó Chủ tịch phụ trách UBND huyện Cát Tiên, kiêm Trưởng Phòng Dân tộc huyện Nguyễn Hoàng Phúc khẳng định với chúng tôi, trong 5 năm qua (2016-2019), tỷ lệ hộ nghèo DTTS đều giảm qua các năm, bình quân 5,34%/năm (lũy kế giảm 410 hộ, đạt 21,34%). Đầu năm 2016, toàn huyện có 475 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 24,61%, trong đó DTTS tại chỗ 232 hộ (38,54%) và 216 hộ cận nghèo (11,19%), DTTS tại chỗ 59 hộ (9,8%); cuối năm 2019, chỉ còn 65 hộ nghèo (3,27%), DTTS tại chỗ còn 27 hộ (4,40%) và 57 hộ cận nghèo (2,87%), DTTS tại chỗ 30 hộ (4,99%). Cũng đến năm 2019, 10/10 xã của Cát Tiên đạt chuẩn NTM. Để thực hiện song song xây dựng NTM và giảm tỷ lệ nghèo đối với hộ đồng bào DTTS, huyện Cát Tiên ban hành rất nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành; đồng thời kiện toàn các tổ chức chức năng kịp thời hoạt động sát với thực tiễn. 
 
Trong 5 năm (2016-2019), huyện Cát Tiên triển khai nhiều mục tiêu giảm nghèo như: chính sách an sinh xã hội cho các đối tượng, trong đó có DTTS hơn 109,4 tỷ đồng; mở 27 lớp đào tạo nghề, trong đó có 231 lao động là DTTS; giải quyết việc làm cho 590 lao động vùng DTTS; cấp 13.252 thẻ BHYT cho đồng bào là DTTS; hỗ trợ học sinh, sinh viên là con đối tượng chính sách đi học phổ thông và trường nghề 191 lượt với hơn 1,666 tỷ đồng và trợ cấp học sinh, sinh viên học các trường nghề 179 lượt với hơn 2,583 tỷ đồng. Đồng thời những nội dung triển khai trên, 5 năm qua, huyện Cát Tiên còn thực hiện lồng ghép các chương trình đầu tư như: hỗ trợ sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng, chương trình xây dựng NTM, chương trình đầu tư các lĩnh vực nông - lâm nghiệp, sự nghiệp giao thông - thủy lợi, xây dựng cơ bản, giao khoán bảo vệ rừng… Với tổng kinh phí đầu tư hơn 869,7 tỷ đồng để xây dựng NTM đã góp phần quan trọng đối với công tác giảm nghèo chung trên địa bàn huyện. Cùng đó, 99,95% hộ dân sử dụng điện lưới quốc gia; 96,95% hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 9/9 xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; 3/9 xã phổ cập giáo dục THCS mức độ 3 và 6/9 xã phổ cập giáo dục THCS mức độ 2; 98% thôn, buôn, tổ dân phố văn hóa, 100% xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới... Những thành quả trên vừa là nền tảng vừa là động lực thúc đẩy để huyện Cát Tiên đang tiếp tục xúc tiến hồ sơ đề nghị công nhận huyện đạt chuẩn NTM vào cuối năm 2020. 
 
Thực tiễn cho thấy, thành công ở huyện Cát Tiên ngoài sự hỗ trợ đắc lực từ các nguồn lực của trung ương, sự quan tâm của tỉnh, đó còn là sự vận động tích cực của huyện như tính đồng bộ từ huyện đến cấp xã; lãnh đạo huyện đối thoại trực tiếp với hộ nghèo, cận nghèo để giải đáp thắc mắc và nâng cao nhận thức tự vươn lên. Kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, chợ…được quan tâm đầu tư. Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Hoàng Phúc chia sẻ với chúng tôi: Riêng đối với đồng bào DTTS, UBND huyện đã tham mưu cho Huyện ủy ban hành Nghị quyết số 04-NQ/HU ngày 27/4/2016 “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về đầu tư phát triển toàn diện vùng đồng bào DTTS trên địa bàn huyện đến năm 2020”. Ông Phúc cũng thẳng thắn nhìn nhận: Khó khăn lớn nhất là việc đầu tư sản xuất cho bà con chưa hiệu quả như mong đợi, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, họ còn thiếu năng động trong sản xuất và việc chi tiêu chưa hợp lý, còn lãng phí, không ý thức để tái đầu tư. Mặt khác, mặc dù trường lớp đã đảm bảo nhưng một số con em của đồng bào vẫn còn chểnh mảng học hành và sự quan tâm của phụ huynh còn ít. Ông Nguyễn Hoàng Phúc nói: “Hiện nay, ở huyện Cát Tiên, ngoài Nghị quyết 04, huyện đang thành lập đoàn do tôi làm trưởng đoàn, đã và đang khảo sát kinh tế - xã hội để đưa ra định hướng xây dựng đề án thực hiện chủ trương của Quốc hội và Chính phủ về phát triển toàn diện đời sống đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 và đến năm 2030. Trên cơ sở chỉ đạo của tỉnh, ví dụ như Nghị quyết 14 của Tỉnh ủy Lâm Đồng về phát triển vùng đồng bào DTTS tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2018-2025, định hướng đến năm 2030 và Kế hoạch số 292 của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết 14, huyện sẽ xây dựng kế hoạch, trong đó tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội và trọng tâm là tổ chức sản xuất theo hướng tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng; song song với đó là tuyên truyền, vận động bà con đầu tư thâm canh để tăng năng suất...”. 
 
MINH ĐẠO