Chị Đinh Thị Thúy Hằng là Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và Vay vốn của Chi hội nông dân Thôn 6, xã Tà Nung, thành phố Đà Lạt có nhiều đóng góp cho hoạt động tín dụng chính sách...
Chị Đinh Thị Thúy Hằng là Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và Vay vốn (TK&VV) của Chi hội nông dân Thôn 6, xã Tà Nung, thành phố Đà Lạt có nhiều đóng góp cho hoạt động tín dụng chính sách (TDCS) và được Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Việt Nam tặng Giấy khen có thành tích trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020.
|
Chị Đinh Thị Thúy Hằng |
Chị Hằng tham gia Tổ TK&VV ngay từ khi NHCSXH bắt đầu hoạt động ở xã Tà Nung (thành phố Đà Lạt). Từng là thanh niên xung phong ở chiến trường biên giới Tây Nam, rồi làm cô giáo, nên những vất vả của cuộc sống hay công tác của Tổ TK&VV, đều không là vấn đề mà là lợi thế để chị gần gũi và thấu hiểu hoàn cảnh của bà con. Chị cũng là tấm gương “nói được làm được” ở cộng đồng dân cư, nhất là trong việc sử dụng vốn TDCS để ổn định cuộc sống...
Là Tổ trưởng Tổ TK&VV, chị Hằng ý thức rất rõ và tuân thủ sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, cũng như bám sát vào các nội dung được NHCSXH ủy nhiệm để thực hiện nhiệm vụ của mình. Cùng với các hoạt động của chi hội nông dân, chị triển khai thực hiện Quy ước hoạt động của Tổ TK&VV; tuyên truyền, hướng dẫn, giải thích cho các tổ viên về chủ trương, chính sách của Nhà nước về TDCS đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Tổ TK&VV của chị Hằng có 58 tổ viên, với dư nợ hơn 2 tỷ đồng; định kỳ hằng quý đều tổ chức sinh hoạt, bình xét dân chủ công khai, đúng đối tượng hưởng thụ và hướng dẫn người vay lập hồ sơ đề xuất vay vốn đúng quy định. Chị Hằng thường xuyên cùng Hội Nông dân xã kiểm tra, giám sát quá trình sử dụng vốn vay của các thành viên trong tổ; lưu giữ đầy đủ hồ sơ, chứng từ liên quan đến hoạt động TDCS; tham gia các phiên giao dịch, các buổi họp giao ban với NHCSXH và các lớp tập huấn; sau đó, phổ biến đến các tổ viên.
Nhờ được hỗ trợ của nguồn vốn TDCS, các hộ dân trong tổ đã ý thức nỗ lực, tập trung sản xuất, có việc làm ổn định, phát triển kinh tế; những gia đình có con em đi học đang trong hoàn cảnh khó khăn cũng được vay vốn để con em được yên tâm học tập.
Cũng từ nguồn vốn TDCS góp phần vào công tác an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững trên địa bàn xã Tà Nung, đời sống của các hộ dân khó khăn đã được cải thiện.
Làm công tác tại Tổ TK&VV nhiều năm rồi, nên chị Hằng thấm nhuần được hiệu quả hoạt động của NHCSXH và ý nghĩa của các chương trình TDCS từ trước đến nay và nhất là từ khi có Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng đối với hoạt động TDCS là vô cùng to lớn. Thông qua nguồn vốn ưu đãi với thủ tục đơn giản, được người dân xã Tà Nung nói riêng và Nhân dân cả nước đồng tình ủng hộ, có trách nhiệm với nguồn vốn vay của mình; từ đó, sử dụng đúng mục đích, chấp hành nghiêm túc quy định trả lãi và nợ gốc đúng hạn.
Chỉ tính trong vòng 5 năm trở lại đây, Tổ TK&VV của chị Hằng đã có 10 lượt hộ vay vốn thoát nghèo, 7 hộ chuyển sang hộ cận nghèo tiếp tục được vay vốn để phát triển kinh tế và 12 hộ mới thoát nghèo được bình xét vay vốn để phát triển kinh tế và thoát nghèo bền vững. Các thành viên trong Tổ đều cố gắng tham dự các lớp tập huấn chuyển giao công nghệ, khuyến nông để cập nhật thông tin, bổ sung kiến thức, nâng cao trình độ sản xuất; đồng thời, tương trợ, giúp đỡ nhau trong đời sống, thực hành tiết kiệm để tạo lập nguồn vốn bằng cách tham gia gởi tiền tiết kiệm hằng tháng thông qua Tổ, với số dư tiền gởi bình quân là 1,4 triệu đồng/hộ; từ đó, vươn lên thoát nghèo bền vững, có nguồn vốn tích lũy để tái đầu tư.
Chị Hằng tâm sự: Làm việc nhiều năm ở Tổ TK&VV, được tiếp cận và tham gia nhiều hoạt động, chương trình của NHCSXH, mình nhận thấy hình ảnh và vị thế của NHCSXH với những ý nghĩa đẹp và nhân văn ngày càng xuất hiện nhiều hơn trên các phương tiện thông tin đại chúng. Cụm từ “đồng hành cùng người nghèo” đã trở nên rất quen thuộc và cũng rất gần gũi. Mình thì chỉ cố gắng hoàn thành tốt công việc được giao phó là làm cầu nối chuyển tải nguồn vốn TDCS của Chính phủ đến hộ nghèo và các đối tượng chính sách thôi; còn những người khác giỏi hơn khi họ biết kết hợp sử dụng nguồn vốn TDCS và những nguồn lực khác để thoát nghèo, thay đổi cuộc sống và vươn lên làm giàu chính đáng...
LÊ HOA